Vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách
12:20 - 27/06/2017
(MTNT)- Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng đối với sâu bệnh, dịch hại. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng phương pháp không những không đem lại hiệu quả phòng trừ mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động, người sử dụng nông sản và môi trường sống. 
Bà con vẫn vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi trên bờ ruộng, lòng mương

Với các loại hóa chất bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ sâu, rầy, nông dân ít khi sử dụng đúng theo hướng dẫn mà thường pha đặc hơn vì nghĩ sẽ tăng hiệu quả. Thực tế, việc phun thuốc quá liều gây rất nhiều tai hại, như: Sâu rầy lờn thuốc; bản thân cây trồng cũng kháng thuốc; chi phí tăng; dư lượng tồn dư trên sản phẩm vượt quá mức cho phép.
 
 
Các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép kinh doanh và sử dụng quá nhiều, mỗi đối tượng sâu bệnh hại bình quân có từ 20 - 30 loại thuốc để điều trị, gây khó khăn cho nông dân trong nhận biết và lựa chọn. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh thuốc BVTV do lợi nhuận đã tư vấn và bán cho nông dân các loại thuốc không nằm trong khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhưng có mức lãi cao hơn.
 
 
Người nông dân chưa tự quyết định được biện pháp xử lý trong việc sử dụng thuốc BVTV. Đa số nông dân lựa chọn loại thuốc, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của các đại lý, phun thuốc theo hiệu ứng đám đông; chưa có ý thức về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc BVTV.
 
 
Trong khi đó, tình trạng kinh doanh mùa vụ, bán gộp, bán kèm với các loại vật tư phân bón hoặc kèm nhiều loại thuốc còn diễn ra phổ biến, thậm chí tại nhiều chợ vùng nông thôn, thuốc BVTV được bày bán chung với các mặt hàng tiêu dùng khác. Những cơ sở này không có trình độ chuyên môn, việc tư vấn sử dụng thuốc sai là bình thường, thậm chí có trường hợp tư vấn trộn lẫn các loại thuốc với nhau, có thể gây mất tác dụng thuốc, làm dịch bệnh nặng thêm. Người dân sử dụng thấy không chuyển biến lại chuyển qua loại thuốc khác, sử dụng tràn lan và quá liều lượng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khoẻ cả người sản xuất và người tiêu dùng. Trong khi công tác quản lý kinh doanh rất khó khăn, bởi thiếu cán bộ chuyên môn làm nhiệm vụ này.
 
 
Tại nhiều địa phương, mặc dù đã được đặt thùng đựng rác thải nông nghiệp ngoài đồng ruộng, nhưng lượng rác thải thuốc BVTV được nhặt bỏ vào không nhiều. Nhiều bà con nông dân chưa ý thức được bảo vệ môi trường, sau khi sử dụng xong thuốc BVTV đã vứt bao bì bừa bãi trên bờ ruộng, lòng mương. Lượng thuốc BVTV dư thừa trong bao bì, gây ô nhiễm đến nguồn nước, cây cỏ trên bờ, khiến trâu bò gặm cỏ bị ngộ độc, các sinh vật dưới nước cũng bị ảnh hưởng. Điều đáng nói, mỗi bao bì thuốc có 1,8% lượng hóa chất dính vào, khi bị thải bỏ lượng hóa chất này sẽ lan truyền ra môi trường và xâm nhập trở lại cơ thể sinh vật thông qua thức ăn.
 
 
Để hạn chế tình trạng rác thải từ việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng, một số địa phương đã chủ động xây dựng các bể chứa rác thải bao gói thuốc BVTV tại các cánh đồng lúa, rau màu... Tuy nhiên có rất ít bể đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNTT-BTNMT; còn lại các bể không đạt tiêu chuẩn (bể không có đáy, nắp đậy hoặc có nhưng lại đục lỗ, diện tích bể nhỏ), do đó lượng thuốc tồn đọng vẫn bị thẩm thấu vào môi trường. Chưa kể việc bố trí các bể còn khá bất tiện như: Đặt xa khu vực sản xuất, xa đường giao thông,... dẫn đến tình trạng có bể, nhưng nông dân chưa thu gom vào bể hoặc xử lý bao gói thuốc BVTV chung với rác thải sinh hoạt (đốt, chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt...). Không chỉ có ít bể đạt chuẩn mà hiện cũng ít địa phương có khu xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định.
 
 
Để quản lý chặt chất lượng thuốc bán trên thị trường, Bộ NN&PTNT cần tăng cường quản lý chặt chẽ các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm đến kiểm tra chất lượng thuốc trước khi nhập khẩu hoặc đưa ra sử dụng tại Việt Nam. Các địa phương kiểm tra và xử phạt nghiêm theo Luật Bảo vệ và Kiểm định thực vật có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cho người kinh doanh, yêu cầu các hộ ký cam kết không bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục cho phép được lưu hành tại Việt Nam…
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2016, lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu là 100.000 tấn và không có dấu hiệu giảm. Trong đó, lượng thuốc được chính thức sử dụng trên đồng ruộng Việt Nam khoảng 30.000-40.000 tấn/năm.
 
 
Thống kê từ Cục BVTV cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với 4.080 thương phẩm. Tuy vậy, theo khảo sát của cục, trên thị trường chỉ còn khoảng 2.000 thương phẩm (trong đó khoảng 20% là thuốc sinh học, thảo mộc), các loại sản phẩm thuốc còn lại vẫn có trong danh mục nhưng gần như không có hoặc rất ít trên thị trường. Nhìn vào danh sách này có thể thấy, ít có quốc gia nào mà danh mục thuốc trừ sâu được phép sử dụng trên cây trồng lại nhiều như ở nước ta.

Lê Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn