|
Việt Nam hàng năm ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường và con số này vẫn đang ngày càng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khoẻ của con người và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương |
Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Trung bình mỗi năm, thế giới thải ra môi trường khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 8 triệu tấn bị thải ra biển.
Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy dự báo là tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa, lượng rác thải nhựa tăng nhanh chóng. Trong 50 năm qua lượng nhựa được sử dụng tăng 20 lần, dự báo có thể gấp 2 lần trong 20 năm nữa.
Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Chính vì vậy, việc giải quyết vấn đề này cần có sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự thống nhất hành động trên phạm vi toàn cầu.
Thói quen sử dụng đồ nhựa ngày càng tăng còn là một trong những nguyên nhân gây cạn kiệt nguồn tài nguyên hóa thạch. Chất dẻo được làm từ etylen và propylen, được tạo ra bằng cách phân hủy nhiệt một chất gọi là naphtha, được sản xuất bằng cách tinh chế dầu thô.
Hiện nay, nhựa được sử dụng trong các sản phẩm khác nhau, đòi hỏi một lượng lớn dầu thô và tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên hóa thạch. Vì các nguồn tài nguyên hóa thạch là hữu hạn, nếu việc khai thác và sử dụng bừa bãi sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn này.
Thêm vào đó, do sự thiếu ý thức của người dân nên rác thải nhựa bị vứt khắp nơi từ sông, suối, ao, hồ biển, rừng cho đến sa mạc gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Rác thải nhựa có thể làm mất đi một số loài sinh vật nhất là các loài sinh vật biển.
Một số loài sinh vật biển vô tình nhầm rác thải nhựa là thức ăn nên đã nuốt vào bụng, rác có thể tích tụ trong cơ thể một số sinh vật điều này có thể giết chết chúng.
Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt.
Tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường và con số này vẫn đang ngày càng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khoẻ của con người và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thực tế này đang đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị và mọi người dân cả nước phải nâng cao trách nhiệm, chung tay có các giải pháp, hành động cụ thể góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hàng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần. Ước tính hàng năm, có khoảng 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra hồ, sông và biển; đồng thời, mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm.
Rác thải nhựa có tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng ảnh hưởng rất lớn đến các sinh vật sống, bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả con người.
Việc đột ngột thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân thực sự khó, nhưng không phải là không có cách khắc phục. Thêm vào đó, cần có biện pháp khắc chế với các cơ sở sản xuất và phân phối đồ nhựa.
Cần tăng cường giám sát, thành lập những đội kiểm tra với hành vi xả rác, xả thải bừa bãi, xử lý vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp, sử dụng đồ nhựa trong mô hình kinh doanh đã bị cấm sử dụng đồ nhựa.
Mặt khác, cần tuyên truyền nhiều hơn nữa tới người dân về tác hại, mặt trái của sự tiện lợi mà đồ nhựa đem lại. Ngoài ra, cần thuyết phục mọi người thay đổi thói quen dùng đồ nhựa một lần rồi vứt bỏ vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí tiền bạc, mà chuyển sang những đồ dùng có thể tái sử dụng.
Các nhà sản xuất cần thay thế các sản phẩm sản xuất nhanh, rẻ, sang sản xuất các sản phẩm có chất lượng có độ bền và sử dụng được lâu dài. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế. Ngoài ra, các đơn vị sản xuất cần nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường.
Những năm qua, Việt Nam đã, đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023 với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích thực tham gia bảo vệ môi trường và tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực; phát động các phong trào “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường”, “Nông dân nói không với túi nilon”, “Nông dân trở thành người tiêu dùng xanh”, “Nông dân từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần”...
Thông qua các hoạt động, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên; hình thành ý thức trách nhiệm, hành vi sống thân thiện với môi trường, tạo diện mạo mới ở nông thôn, gây dựng những làng quê đáng sống với cảnh quan môi trường trong lành, xanh, sạch, đẹp; xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Hội đẩy mạnh các phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cùng hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tổ chức và phát động xây dựng mới, nhân rộng các mô hình hiệu quả về phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, thực hiện hiệu quả chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa năm 2023" theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên, nông dân, góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường vào cuộc sống.