(MTNT) – Những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, xã hội ở các địa phương cùng với việc tác động khá nhanh của quá trình đô thị hóa nói chung thì lượng chất thải rắn phát sinh của nước ta cũng đang có tốc độ gia tăng đáng kể, bình quân khoảng 10%/năm.
|
Thực trạng diễn ra tại nhiều địa phương cho thấy công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải vẫn còn rất nhiều hạn chế, gây ô nhiễm môi trường nông thôn |
Một trong những mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đó là xây dựng nông thôn mới gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn. Trong khi đó, vùng nông thôn lại đang chiếm phần lớn diện tích của cả nước nên việc xử lý rác thải sinh hoạt từ các địa bàn dân cư nông thôn cũng được xem là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết nhằm góp phần xử lý, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương.
Những năm qua, chính quyền cùng ngành chức năng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm và có nhiều nỗ lực nhằm cải tạo diện mạo của các vùng nông thôn cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, từ thực trạng đang diễn ra cho thấy vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn tại các địa phương vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn cùng những tồn tại và bất cập.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, bình quân mỗi ngày cả nước đang phát sinh trên 64.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm khoảng 45%. Về tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị trung bình hiện đạt 92% và khu vực nông thôn là 66%.
Một vấn đề gây khó khăn cho các địa phương đó là hiện nay chỉ có khoảng 15% lượng rác thải sinh hoạt sau khi thu gom được đem đi tái chế hoặc tái sử dụng; phần lớn số rác còn lại chủ yếu vẫn xử lý bằng biện pháp chôn lấp hoặc đốt tiêu hủy thông thường (chiếm khoảng 71%) đều không hợp vệ sinh. Thêm vào đó, lượng nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp không được thu gom, xử lý triệt để, kịp thời cũng đã gây ô nhiễm cho các nguồn nước mặt, thậm chí thấm xuống đất gây ô nhiễm đất và nước ngầm…
Đáng chú ý, những loại chất thải nhựa khó phân hủy (tỉ lệ khoảng 6 - 8%) cũng đang là vấn đề thách thức rất lớn trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của các tỉnh, thành phố. Tất cả những vấn đề bất cập này đều đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang, con số thống kê cho thấy khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát sinh trên địa bàn mỗi ngày vào khoảng 202 tấn. Thế nhưng, tỷ lệ thu gom rác thải tại một số đô thị của tỉnh đạt trên 96%, trong khi ở khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 30% (tương đương 60,6 tấn/ngày/đêm).
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 11 đơn vị đang thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chất thải sinh hoạt của khu vực nông thôn. Theo đánh giá, những đơn vị này cũng chưa có đủ năng lực về phương tiện cũng như nhân lực để đảm trách tốt nhiệm vụ này, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thường do các tổ, đội thực hiện bằng xe đẩy tay.
Mặt khác, việc thu gom, xử lý mới chỉ được triển khai tại một số xã nằm ở ven khu đô thị và các thị trấn, thị tứ vốn có đường giao thông nông thôn thuận lợi. Trong khi đó, ở hầu hết địa bàn các xã nông thôn, các xã vùng núi, vùng xa nói chung vẫn chưa có dịch vụ thu gom rác thải. Hầu hết ở các thôn phải đợi từ 2- 3 ngày, thậm chí có nơi tới 5 ngày mới tiến hành thu gom một lần. Vì thế đã dẫn đến tình trạng vẫn còn tồn đọng khá lớn lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt nông thôn, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa làm xấu cảnh quan xóm, làng...
Theo dự báo đến năm 2025, khi dân số của tỉnh tăng lên trên 713 nghìn người, ước tính khi đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát thải sẽ lên tới 285 tấn/ngày. Như vậy sẽ càng tăng thêm gánh nặng cho các khu tập kết rác thải cũng như càng khó khăn hơn trong việc bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường. Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu chính quyền tỉnh cần sớm có những giải pháp mới, những công nghệ xử lý hiện đại hơn để thay thế cho việc chôn lấp thô sơ như hiện nay.
Tình trạng bất cập này cũng xuất hiện tương tự tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa do địa phương không có mặt bằng sạch, quỹ đất còn hạn chế và nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp… Vì thế, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của tỉnh trong thời gian qua đã và đang vướng phải khá nhiều khó khăn.
Năm 2022, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trong toàn tỉnh trung bình khoảng 2.774 tấn/ngày/đêm (tăng 20% so với năm 2021). Trong đó, lượng chất thải phát sinh chủ yếu ở khu vực nông thôn chiếm trên 75% (khoảng gần 2.000 tấn/ngày/đêm).
Hiện, các cấp chính quyền tỉnh hỗ trợ gần 148 tỷ đồng cho các địa phương, đơn vị để tập trung đầu tư công nghệ xử lý rác thải bằng công nghệ đốt. Nhờ đó, tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt của toàn tỉnh ước đạt 88,5%. Cụ thể: Tỷ lệ rác thải được xử lý bằng công nghệ đốt đạt 29,4%; xử lý bằng biện pháp chôn, lấp 67,9%; rác được tái chế chỉ có 2,7%. Một số địa phương có tỷ lệ thu gom rác thải đạt từ 95% trở lên, tiêu biểu như các huyện: Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 16 bãi chôn lấp rác thải tại địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố cùng với 26 khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt. Đáng chú ý, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã đưa vào vận hành 2 dự án nhà máy xử lý rác thải có công suất từ 100-120 tấn/ngày đêm, gồm: Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn; nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc.
Tuy nhiên, thực trạng đặt ra cho thấy công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của tỉnh vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhất là công tác xử lý. Một số loại rác thải nguy hại vẫn đang được thu gom lẫn với rác thải sinh hoạt, không được xử lý theo đúng quy định mà chỉ chôn lấp như rác thải thông thường. Đặc biệt, tại các địa điểm xử lý rác bằng hình thức chôn lấp đến nay đều đã quá tải, vượt sức chứa theo thiết kế nhiều lần nên chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường sống...
Thời gian tới, để quản lý rác thải rắn ở khu vực nông thôn đạt hiệu quả cần sự chung tay, tham gia tích cực của các cấp chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng cũng như ý thức tự giác chấp hành của người dân nói chung. Các địa phương quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm định hướng, dần thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm tải lượng chất thải rắn phát sinh; đồng thời, nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn để tái chế thành phân hữu cơ tại khu vực dân cư nông thôn và miền núi… Có như vậy môi trường nông thôn mới được giữ gìn, bảo vệ, mang lại sức khỏe và chất lượng cuộc sống ngày càng cao cho người dân.