Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt
09:20 - 26/08/2022
(MTNT)- Trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ở nước ta ngày càng gay gắt, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm làm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.
Tại các tỉnh khu vực ĐBSCL của nước ta hầu như năm nào cũng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.


Theo các kịch bản dự báo, độ dài các đợt hạn ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam bộ chắc chắn sẽ dài hơn vào giữa thế kỉ, còn vào cuối thế kỉ thì lượng mưa sẽ giảm nhiều hơn ở Nam bộ. Điều đó cho thấy rủi ro hạn hán có thể gia tăng ở các vùng vốn là những vựa lúa của Việt Nam.
 
 
Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 5 – 10/2022, trên địa bàn huyện Nga Sơn có khoảng 1.100 – 1.900 ha diện tích cây trồng vụ mùa và nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
 
 
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho thấy, từ tháng 5 – 10/2022 toàn tỉnh có khả năng xảy ra 6 - 8 đợt nắng nóng, trong đó có từ 3 - 5 đợt nắng nóng gay gắt. Tại các trạm bơm thuộc các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa và thành phố Thanh Hóa cũng đã xảy ra tình trạng thiếu nước do xâm nhập mặn vào sâu trong cống lấy nước. Độ mặn 10/00 vùng cửa sông ven biển tiếp tục duy trì ở mức cao và lấn sâu vào nội địa từ 15 - 23,2km2. Cụ thể: Trên sông Mã từ 21 – 23km2, sông Lèn từ 15 - 19,5km2, sông Hoàng và sông Yên từ 19,5 - 23,2km2; sông Nhơm khoảng 22,2km2. Ngoài ra, tại một số trạm bơm có công suất lớn ở huyện Nga Sơn, độ mặn đo được dao động từ 8-90/00. Theo đó, vùng đồng bằng ven biển ảnh hưởng xâm nhập mặn lên tới khoảng 4.800 – 7.200 ha và tập trung ở các huyện: Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn...
 
 
Tại các tỉnh khu vực ĐBSCL của nước ta hầu như năm nào cũng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Những năm gần đây, tình trạng này còn có xu hướng nghiêm trọng hơn do những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
 
 
Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt tăng cao, thiếu hụt lượng mưa đã làm gia tăng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Cùng với sự gia tăng của mực nước biển và sự thay đổi các yếu tố khí tượng đã làm cho độ mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Mùa khô năm 2015-2016, 10/13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL đã phải công bố thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tổng thiệt hại lên đến 7.900 tỷ đồng.
 
 
Sang đến mùa khô năm 2019-2020, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL được đánh giá ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, còn gay gắt hơn cả mùa khô 2015-2016. Dù vậy, do dự báo sớm các thách thức này, dưới sự chỉ đạo điều hành sát sao của Chính phủ, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng chống đã giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn là 58.400 ha (bằng 14% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016); diện tích cây ăn quả bị thiệt hại 25.120 ha (bằng 88%); có tổng cộng khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn.
 
 
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường), xu thế xâm nhập mặn vùng ĐBSCL trong mùa khô trong năm 2022 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Tuy vậy, cũng có thể thấy, hầu như qua các năm, tình trạng xâm nhập mặn luôn diễn ra bất thường và khó kiểm soát, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân.
 
 
Ở các tỉnh Tây Nguyên hầu như năm nào cũng bị hạn hán đe dọa. Năm bình thường hoặc có mưa khá thì khu vực này cũng phải chịu vài ba tháng khô hạn (thường là từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 4) với trên 2/3 số vùng ảnh hưởng do nắng hạn và thiếu nước. Đây là thời kỳ mà độ ẩm không khí, lượng mưa và lượng dòng chảy đạt thấp nhất trong năm và cũng là thời kỳ cao điểm của nắng nóng. Với đặc thù là lượng mưa/năm có sự biến động khá lớn quanh trị trung bình (năm mưa nhiều có thể có lượng lớn gấp đôi năm mưa ít), và lượng dòng chảy trong sông suối lại phụ thuộc chủ yếu vào mưa nên những năm mưa ít thì tình trạng hạn và thiếu nước trong mùa khô liền kề diễn ra rất gay gắt. Tần suất xuất hiện những năm hạn nghiêm trọng ở Tây Nguyên vượt 20% (tức là khoảng 5 năm lại có một năm hạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng).
 
 
Tại Cà Mau, những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất xuất hiện dày và ngày càng gay gắt hơn, tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực (đời sống sinh hoạt, sản xuất, môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông...). Ðiển hình nhất khi nói về hệ luỵ mà tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ra cho vùng ngọt trên địa bàn tỉnh là thời điểm mùa khô 2015-2016 và 2019-2020.
 
 
Thiệt hại do hạn hán gây ra trong mùa khô 2015-2016 đã làm thiệt hại gần 53.000 ha lúa, 158.000 ha nuôi thuỷ sản, 1.500 ha cây ăn quả và cây trồng khác; sụp, lún, lở đất, hư hỏng 112 km đường bê-tông, hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh đã công bố thiên tai mức độ 1 trên lúa và mức độ 2 trên tôm nuôi; ước thiệt hại về tài sản trên 1.400 tỷ đồng.
 
 
Ðúng 5 năm sau, trong mùa khô 2019-2020, hạn hán, xâm nhập mặn lại một lần nữa làm thiệt hại trên 20.000 ha lúa, hoa màu; hơn 16.000 ha nuôi thuỷ sản; gần 21.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; hơn 1.300 điểm thuộc các tuyến đường bê-tông bị sạt lở, sụt lún tổng chiều dài trên 42 km2… Khu vực nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các vùng ngọt hoá thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.
 
 
Các con số thống kê của tỉnh về hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt, tần suất xuất hiện của hạn hán, xâm nhập mặn là vào khoảng 5 năm/lần (2009-2010; 2015-2016; 2019-2020) theo xu hướng ngày càng khốc liệt hơn, xâm nhập mặn sâu hơn, diễn biến gần nhất là đợt hạn hán mùa khô năm 2019-2020 vừa qua. Tuy nhiên, mùa khô năm 2020-2021 đã ghi nhận đợt hạn hán trái với quy luật nêu trên, tuy đợt hạn hán này không nghiêm trọng bằng đợt hạn hán 2019-2020 nhưng cũng đã gây nhiều thiệt hại về sản xuất, sạt lở bờ sông, đặc biệt là đường bê-tông. Ðồng thời, cũng là dấu hiệu cảnh báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn không còn tuân theo các quy luật, ngày càng phức tạp, khó lường.
 
 
Trong những năm gần đây, để ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và hạn hán, xâm nhập mặn nói riêng, bên cạnh những giải pháp phòng chống, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã nỗ lực tìm cách “sống chung”. Cụ thể, một số địa phương đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo ra được những mô hình thành công (trồng lúa nuôi tôm, trồng lúa - nuôi cá, trồng lúa chịu mặn…).
 
 
Đặc biệt, mô hình trồng lúa - nuôi tôm phát triển mạnh ở các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... được coi là mô hình sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên con tôm diễn biến phức tạp và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi. Thực hiện mô hình này, nguồn lợi kinh tế mà người dân thu về từ tôm và lúa trên cùng một diện tích sản xuất tăng lên, giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững.
 
 
Bên cạnh đó, việc áp dụng mô hình “cánh đồng lớn” kết hợp nuôi, trồng xen canh, khắc phục nguy cơ “trắng tay” do xâm nhập mặn hoặc hạn hán ở các tỉnh: Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre…  đã mang lại hiệu quả thiết thực.
 
 
Các trung tâm nghiên cứu cũng đưa ra nhiều mô hình tương thích với đặc điểm khí hậu, thời tiết khu vực; trong đó, triển khai gieo trồng loại lúa chịu mặn đang là giải pháp khả thi giúp nhà nông ổn định canh tác trong điều kiện xâm nhập mặn. Các giống lúa chịu mặn này còn có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo sản xuất hàng hóa và an ninh lương thực…
 
 
Bên cạnh đó, công trình cống Cái Lớn-Cái Bé (thuộc địa bàn hai huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cách cửa biển hơn 10km2, như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang con sông Cái Lớn giúp ngăn mặn, trữ ngọt, hạn chế những tác động của hạn, mặn đến đời sống sản xuất của người dân. Siêu dự án hoàn thành góp phần hỗ trợ tích cực cho người dân ở 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng sản xuất thuận lợi trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Mùa khô năm 2021, công trình đã bảo vệ khoảng 20.000ha đất sản xuất của hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang, giúp tỉnh Kiên Giang tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhờ không phải đắp hơn 130 đập tạm…
 
 
Có thể thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, liên kết vùng… là những giải pháp hữu hiệu để phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn ở nước ta hiện nay.

Hoài Linh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn