Thành phố Hà Nội: Nan giải xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề
09:35 - 26/09/2022
(MTNT)- Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Tuy nhiên qua thực hiện rà soát đối với 315 làng nghề của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đã tiến hành đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề đang hoạt động. Kết quả cho thấy, có 139 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 47,5%); 91 làng nghề ô nhiễm (chiếm tỷ lệ 31%); 63 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 21,5%). 
Nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần.


Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề như: Thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, dệt, nhuộm, tái chế, gia công cơ kim khí… Kết quả điều tra còn cho thấy, trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4 - 6,7 lần…
 
 
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường là do cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên việc xử lý nước thải, chất thải rất khó khăn. Thêm nữa, các cơ sở sản xuất tại làng nghề đa phần chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường…
 
 
Nhiều làng nghề đã trở thành nỗi ám ảnh khi vào vụ sản xuất như tại các xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Đức), nước thải từ các hộ sản xuất miến dong, sắn dây khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng và sức khỏe của người dân luôn đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa. Hay như làng nghề mộc xã Liên Trung, Liên Hà (huyện Đan Phượng) bụi bặm luôn trở thành căn bệnh nan y, khó có thể xử lý.
 
 
Thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) là địa phương tái chế rác thải nhựa lớn nhất thành phố Hà Nội hiện nay. Hiện thôn có khoảng 180 hộ làm nghề tái chế phế liệu. Rác thải, phế liệu nhựa từ vỏ ô tô, xe máy, can, thùng, chậu, vỏ chai, ống nước, tấm lợp, đến nắp nhựa bé tí xíu… đều được bà con thu mua ở khắp nơi mang về, sau đó phân loại rồi tái chế. Phần không sử dụng được, người dân vứt bỏ bừa bãi khắp ngôi làng hoặc đem đốt bỏ, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, bầu không khí trong làng bị ảnh hưởng lớn từ mùi khét của nhựa. Bên cạnh đó, người dân trong làng còn bị tiếng ồn của những chiếc máy nghiền nhựa "tra tấn" suốt ngày. Trước đây, Công ty Cổ phần đô thị Bắc Sơn có hợp đồng với UBND xã chuyên thu gom xử lý nay đã dừng việc thu gom rác thải từ 1/4/2022, khiến cho lượng rác thải nhựa không thể tái chế tồn đọng đến khoảng 150 tấn.
 
 
Tại huyện Thường Tín, với số lượng hơn 1.000 doanh nghiệp, 16.000 cơ sở sản xuất, hàng trăm doanh nghiệp và số lao động tham gia làm nghề khoảng 40.000 lao động đang tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm chủ yếu như sơn mài, đồ mộc, điêu khắc..., mức độ ô nhiễm về không khí, tiếng ồn và nước ở các làng nghề đang ngày càng gia tăng.
 
 
Một số làng nghề có hoạt động sản xuất kinh doanh có nguồn thải ảnh hưởng lớn không chỉ đến đến môi trường và sức khỏe của người dân. Điển hình như tại làng nghề truyền thống Thụy Ứng, xã Hòa Bình chủ yếu chế biến xương, sừng, da, nước thải được xả thải trực tiếp từ các xưởng chế biến ra môi trường, gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ở khu vực phía Nam Hà Nội. Mùn sừng trong quá trình sản xuất lược sừng gây ô nhiễm không khí. Mùn sừng khi dính nước mưa, nếu không được quét dọn ngay sẽ bốc mùi hôi, rất khó chịu. Đặc biệt, với những hộ có xưởng sản xuất không có mái che thì lượng mùn sừng phát tán vào không khí rất lớn. Ngoài sản xuất lược, đồ mỹ nghệ từ sừng, làng Thụy Ứng còn có nghề chế biến da trâu, bò. Để giữ da được lâu, không bị thối, các chủ sản xuất phải ướp muối cho da. Nước thải từ công đoạn ướp này xả ra cống, ra đất sẽ làm cây cối chết và gây ô nhiễm nguồn nước.
 
 
Còn tại làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong gần 1000 hộ dân làm nghề và hơn 60 doanh nghiệp sản xuất chăn, ga, gối, đệm mạnh ai nấy làm, thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều hộ sản xuất thường có thói quen vứt, đốt rác thải, nguyên liệu thừa bừa bãi làm ô nhiễm không khínghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe không chỉ của những người dân trực tiếp làng nghề và còn của những người dân sinh sống trong khu vực và các xã lân cận.
 
 
Hầu hết các hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu ở các làng nghề Thụy Ứng (xã Hòa Bình); tiện gỗ Nhịn khê (xã Nhị Khê); điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang)... đều nằm xen kẽ trong các khu dân cư, gây nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác và nước thải và cháy nổ từ hoạt động sản xuất.
 
Trong các làng nghề mộc, bụi bặm luôn trở thành căn bệnh nan y


Ðể khắc phục những bất cập về môi trường, từ năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu, trình UBND Thành phố phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án xác định mục tiêu “Tăng cường mạnh mẽ thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội; hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nhằm tăng cường năng lực giám sát và khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm môi trường mới”.
 
 
Để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.
 
 
Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
 
 
UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội phổ biến, quán triệt mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch đến tất cả các tổ chức, nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện; gắn nhiệm vụ triển khai với quá trình thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố về các chương trình công tác của Thành ủy nhằm giúp kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025.
 
 
Đồng thời, các địa phương tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý; tăng cường bảo vệ môi trường, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái và nguồn gây ô nhiễm môi trường; kiểm tra, giám sát, từng bước ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp.
 
 
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính… xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát các nguồn thải, chất thải nguy hại...
 
 
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm chu kỳ lần hai đối với các làng nghề đã tiến hành giai đoạn 2017-2020, tập trung vào các làng nghề đã được công nhận, làng nghề chưa có phương án bảo vệ môi trường được duyệt và làng nghề chưa bảo đảm môi trường theo quy định. Đây chính là cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý môi trường làng nghề; là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố cũng như công bố thông tin về hiện trạng môi trường làng nghề, danh mục làng nghề bị ô nhiễm môi trường cần xử lý giai đoạn 2020-2030 theo yêu cầu của Đề án bảo vệ môi trường đã được duyệt. Sở cũng nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố ban hành quy định đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm tại làng nghề để thực hiện theo phân cấp, tránh trùng lặp giữa các cấp, gây lãng phí ngân sách.

Toàn Bách
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn