Tác hại của việc lạm dụng phân bón
09:11 - 23/08/2022
(MTNT)- Để bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng và phát triển thì phân bón là một giải pháp được lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, việc lạm dụng đã gây nên tác hại đối với môi trường.
Hiệu suất sử dụng phân đạm ở nước ta mới chỉ đạt 30-45%, phân lân đạt 40-45%, phân kali đạt 40-50%.


Bình quân mỗi năm, cả nước sử dụng 10,3 triệu tấn phân bón, trong đó sử dụng phân vô cơ hơn 7,6 triệu tấn, phân hữu cơ 2,63 triệu tấn. Điều đáng nói là một số nơi đang sử dụng phân bón “quá đà”. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sử dụng nhiều phân bón nhất cả nước, với lượng phân bón bình quân 1.071kg/ha, cao hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, vẫn còn tình trạng nông dân lạm dụng phân bón, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có 343 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 5,8 triệu tấn/năm. Trong đó, sản xuất phân bón vô cơ có 241 cơ sở với công suất 5,06 triệu tấn/năm (chiếm 87,2%), còn lại là phân bón hữu cơ (749,6 nghìn tấn/năm).
 
 
Đối với phân bón vô cơ, cả nước sử dụng trung bình 560kg/ha, trong khi nông dân đồng bằng sông Cửu Long bón bình quân đến 754 kg/ha, cao hơn 35% so với mặt bằng chung cả nước.
 
 
Về phân bón hữu cơ, hàng năm có khoảng 16,88 triệu tấn do nông hộ tự sản xuất để sử dụng từ các nguồn phụ phẩm sẵn có trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản. Lượng sử dụng trung bình cả nước là 1,4 tấn/ha, nhưng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ đạt 392kg/ha, tức là chỉ bằng 27,3% so với mặt bằng chung cả nước.
 
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 178.000ha; trong đó đất trồng lúa 54.599ha; cây ăn quả trên 80.000ha. Nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân dân toàn tỉnh ước tính bình quân gần 1,2 triệu tấn/năm. Hiện tại vẫn còn một số nông dân sử dụng phân bón tùy tiện không theo khuyến cáo, chưa lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại cây trồng và dịch hại nên hiệu quả sử dụng chưa cao, làm gia tăng chi phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
 
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, nguồn phân bón trên thị trường tỉnh đa dạng về thành phần nên nông dân sử dụng theo cảm tính; khi bón không theo nhu cầu của cây, lượng phân sử dụng ở mức cao nên thường xuyên xảy ra sâu bệnh. Do nhu cầu phân bón cao, nên tình trạng phân giả, kém chất lượng đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng.
 
 
Ngoài ra, công tác quản lý phân bón cũng gặp khó khăn. Tình trạng doanh nghiệp sản xuất phân bón ghi không đúng nhãn mác trên bao bì, gây khó khăn cho nông dân khi sử dụng. Việc sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật dẫn đến lãng phí vật tư, tăng chi phí đầu vào, giảm hiệu quả của quá trình phát triển trên cây trồng.
 
 
Các nghiên cứu cho thấy, phân bón vô cơ hay phân bón hóa học có các thành phần chính là các muối vô cơ từ các nguyên tố hóa học chính là N, K, P, Ca, Mg, Cu, Fe, Zn… Do vậy, việc sử dụng phân bón hóa học nhiều sẽ làm mất cân bằng tự nhiên trong môi trường đất. Các chất hóa học khi ngấm vào đất, lượng acid trong đất sẽ tăng, làm cho đất bị chua, đất đai bị bạc màu. Việc acid trong đất tăng cao dẫn tới độ pH trong môi trường đất giảm làm cho môi trường sống trong đất bị thay đổi. Từ đó, đất bị bạc màu và thay đổi lý tính không thể dùng để trồng trọt hoặc cây sẽ còi cọc, nông sản sẽ kém chất lượng hoặc không có nông sản.
 
 
Đồng thời, các chất vô cơ trong phân hóa học thường tan rất nhanh trong nước. Sau khi được bón xuống đất các chất hóa học sẽ theo nước thấm qua đất rồi ra các sông suối, xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
 
 
Bên cạnh đó, khi bón quá nhiều phân hóa học, cây hấp thụ nhiều chất vô cơ quá đến nỗi không thể sử dụng hết. Việc này có thể gây tồn dư chất vô cơ bên trong nông sản. Người tiêu dùng sử dụng nông sản này sẽ tích tụ dần các chất vô cơ trong cơ thể và gây hại cho sức khỏe.
 
 
Khi bón phân quá nhiều thì các loài vi sinh vật trong đất bị ảnh hưởng môi trường sống, cây không còn được vi sinh vật phân giải và tổng hợp dinh dưỡng hộ. Cùng với việc không được vi sinh vật giúp đỡ đối kháng lại sâu bệnh hại, cây sẽ yếu ớt dễ mẫn cảm hơn.
 
 
Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng phân đạm ở nước ta mới chỉ đạt 30-45%, phân lân đạt 40-45%, phân kali đạt 40-50%. Hàng năm, lượng phân bón vào đất nhưng không được cây trồng sử dụng chiếm khối lượng rất lớn: 1,77 triệu tấn urê, 2,07 triệu tấn supelân, 344 nghìn tấn kali là rất lãng phí. Trong số phân bón chưa được cây trồng sử dụng, một phần tích tụ lại trong đất, một phần bị rửa trôi theo nước mặt do mưa, theo các công trình thuỷ lợi ra ao hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước. Bón quá dư thừa hoặc do bón đạm không đúng cách đã làm cho nitơ và phospho theo nước xả xuống các thủy vực là nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm cho các nguồn nước.
 
 
GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, mặc dù được hướng dẫn giảm lượng phân bón trong cây lúa, nhưng nông dân nhiều nơi ở vùng ĐBSCL vẫn bón theo cách cũ “cho chắc ăn”. Họ vừa dùng nhiều phân, lại bón sai thời điểm nên chi phí cao, song hiệu quả sản xuất không cao.
 
 
Theo TS Nguyễn Kim Vân - Hội Khoa học Kỹ thuật bảo vệ thực vật, do tập quán lãng phí và bừa bãi trong việc sử dụng đạm hóa chất khiến dư thừa nitrat và khi vượt ngưỡng sẽ biến thành nitrit gây nguy hại cho con người.
 
 
Do tập quán cũng như do điều kiện kinh tế, nông dân miền Bắc và miền Trung sử dụng ít phân bón hơn, thậm chí khi giá phân bón lên, họ chấp nhận “bón chay”, tức là không dùng phân bón, muốn thu được bao nhiêu cũng được. Còn nông dân khu vực ĐBSCL có điều kiện kinh tế, làm ăn lớn hơn, nên có tình trạng lạm dụng phân bón gấp 2-3 lần. Chỉ cần cắt bỏ phần dư thừa này, thậm chí bỏ 50-70% ở phần phân bón bị “quá đà” đã giúp giảm bớt giá thành sản xuất - Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết.
 
 
Nông dân trồng lúa nhiều nơi ở vùng ĐBSCL vẫn bón theo cách cũ, vừa dùng nhiều phân, lại bón sai thời điểm.


Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian tới cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.
 
 
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm.
 
 
Để giảm thiểu tác hại từ phân hóa học, bà con cần tìm hiểu kỹ, chỉ cung cấp đúng loại phân hóa học mà cây đang cần và sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo để giảm thiểu dư lượng thuốc hóa học. Hoặc bà con có thể sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học để bảo vệ chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đức Xuyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn