|
Tình trạng ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến sức khỏe, gây xáo trộn cuộc sống của nhiều hộ dân trong khu vực bởi nước thải thường bốc mùi hôi, theo gió thổi đi khắp nơi. |
Hiện tỉnh Lâm Đồng có gần 300.000 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp và trên 350.000 ha đất gieo trồng. Lượng rác thải nông nghiệp trong sản xuất bao gồm tàn dư thực vật, các phế phẩm từ quá trình sản xuất như khay, vỉ xốp, màng phủ ni lông, vỏ bao gói phân bón, giống cây trồng, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đổ ra môi trường hằng năm rất lớn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, lượng rác thải nông nghiệp là bao gói thuốc bảo vệ thực vật vào khoảng 350 – 390 tấn/năm, tuy nhiên việc thu gom và tiêu hủy chỉ đạt 18,4 tấn/390 tấn, chiếm 4,7%. Nhiều năm qua, cơ quan đã có các giải pháp thu gom chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật như phát động thu gom, đặt được 700 bể thu gom xử lý nhưng kết quả chỉ đạt chưa đến 5% lượng rác thải ra môi trường. Hiện khoảng 90% lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật được nông dân tiêu hủy theo hình thức chôn, đốt hoặc thải ra môi trường.
Điển hình như: Tại cánh đồng rau màu rộng 100 ha tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), trên đường người dân vệ sinh lối đi khá sạch sẽ, nhưng ở dưới những mương nước vẫn rải rác nhiều vỏ thuốc trừ sâu, túi ni lông, bao bì bảo vệ thực vật làm nghẽn dòng chảy. Nhiều người dân tại đây chia sẻ, do khoảng cách đặt quá xa nên người dân vẫn chọn cách thu gom vỏ thuốc lại thành đống nhỏ sau đó chôn, đốt.
Khi có mưa lớn, các chai lọ, rác thải nông nghiệp tràn về các hồ, suối của Đà Lạt. Tại Khu du lịch hồ Than Thở là nơi có lượng rác đổ về rất lớn do các hộ ở dọc theo con suối chảy từ hướng làng hoa Thái Phiên xả rác xuống. Đến mùa mưa, hầu hết các loại túi, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đều theo dòng đổ ra hồ Than Thở. Tương tự, khu vực hồ lắng của hồ Xuân Hương, rác thải cũng tràn lan do các hộ dân canh tác rau, hoa trong nhà kính xung quanh hồ xả thải ra. Mặc dù đã có hệ thống song sắt rào chắn rác nhưng mỗi khi có mưa lớn, một lượng lớn rác tràn qua và trôi vào hồ Xuân Hương.
Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, tình trạng rác thải sinh hoạt không được thu gom theo qui định trên nhiều tuyến đường chính, khu dân cư của thành phố Bảo Lộc gây ô nhiễm môi trường.
Theo phản ánh của nhiều gia đình ở xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, những năm qua bà con phải sống trong cảnh ô nhiễm và chịu những hệ lụy nặng nề do nước thải từ nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Nông nghiệp Inova Đà Lạt (chuyên sản xuất cây giống) vẫn chảy thẳng ra khu vực bên ngoài. Hầu hết các đường mương thoát nước qua thôn Phú Hiệp 2, xã Gia Hiệp đều có màu đen, bốc mùi hôi nồng nặc.
Ngoài gây thiệt hại kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến sức khỏe, gây xáo trộn cuộc sống của nhiều hộ dân trong khu vực bởi nước thải thường bốc mùi hôi, theo gió thổi đi khắp nơi rất khó chịu. Người dân xung quanh phản ánh tình trạng ô nhiễm do nước thải từ trong khu vực công ty chảy ra ngoài khu dân cư gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết.
Tại Bãi rác Cam Ly ở Phường 5, thành phố Đà Lạt, dù đã ngừng sử dụng trong thời gian gần đây nhưng lượng nước thải rỉ ra từ số rác chôn lấp vẫn tiếp tục gây ô nhiễm cho môi trường chung quanh.
Tại thôn Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, người dân phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước do khu chứa vỏ cà phê và phơi phân ủ của Doanh nghiệp tư nhân Yên Tâm chảy rỉ xuống cống 7 (thuộc khu vực suối ranh giới 364 giữa xã Tân Thành và xã Phú Hội) khiến nước có màu đục đen, mảng bọt trắng trên mặt, mùi chua thối. Người dân đã nhiều lần nêu vấn đề ô nhiễm ở cống 7 nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tiếp diễn và chưa được giải quyết dứt điểm.
Để giải quyết tình trạng trên, tỉnh đã có văn bản gửi đến một số đơn vị, địa phương đề nghị báo cáo tình hình thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở này; đồng thời huy động các nguồn lực từ các tổ chức, thành phần kinh tế tham gia công tác bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và sử dụng bao bì thuốc bảo vệ thực vật; thường xuyên nghiên cứu, xây dựng nội dung các chương trình, kế hoạch truyền thông theo hướng đổi mới, phong phú, hấp dẫn, phù hợp…