(MTNT)- Mỗi năm, Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, nên Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường khuyến khích các địa phương đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải.
|
Hiện phần lớn lượng rác thải tại Việt Nam được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt rác thông thường. |
Hiện có 4 mô hình xử lý rác thải phổ biến ở Việt Nam, bao gồm: Đốt rác phát điện; xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh; chôn lấp và đốt rác thông thường. Phần lớn, lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt rác thông thường. Theo đó, các hố rác được xây dựng và trang bị lớp lót đáy bằng vật liệu chống thấm HDPE giúp ngăn chặn khả năng gây ô nhiễm nguồn nước. Phương pháp này chỉ giúp “khuất mắt” nhưng lượng khí thải độc hại rất lớn, gây ô nhiễm môi trường.
Điện rác là bước tiến vượt bậc về công nghệ, biến rác thải thành tài nguyên, xử lý một lượng rác lớn một cách triệt để và giảm ô nhiễm môi trường. Theo các chuyên gia, công nghệ đốt rác phát điện có nhiều tính ưu việt hơn so với công nghệ chôn lấp truyền thống như: Ít chiếm diện tích, sản xuất ra điện, ít phát tán mùi hôi hơn, phù hợp với đô thị, là một trong những công nghệ xử lý rác thải được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Với công nghệ đốt rác phát điện, rác thải sẽ được đưa vào bể chứa rác để ủ từ 5 - 7 ngày trong điều kiện áp suất âm. Sau đó, bể chứa rác sẽ tách nước rỉ từ rác thu gom về trạm xử lý nước thải và khí, mùi hôi được hút đưa vào lò đốt. Nhiệt trong quá trình đốt rác sẽ chuyển qua nồi hơi quay turbin điện để phát điện. Bằng phương pháp phun vôi, than hoạt tính sẽ xử lý khí thải từ lò đốt rác qua tháp phản ứng và qua túi vải xử lý tro bay. Tiếp đến, dây chuyền công nghệ này sẽ sử dụng máy hút khói thải ra bên ngoài bằng ống khói.
Công nghệ đốt rác phát điện đáp ứng được các tiêu chí cơ bản về môi trường và điều kiện kinh tế. Chính vì thế nên được rất nhiều nhà máy, các tổ chức lựa chọn để xử lý lượng lớn rác thải hiện nay.
Tại Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày. Trong đó, về thành phần rác thực phẩm chiếm 51,9%; chất trơ (cao su, da, gỗ...) chiếm 38% và lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm dưới 7,1%... Việc xử lý chủ yếu vẫn bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 98% tổng lượng chất thải rắn thu gom); ngoài ra xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện (chiếm khoảng 2%).
Hà Nội có 2 khu xử lý chất thải rắn đang hoạt động, gồm: Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn - huyện Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn - thị xã Sơn Tây. Cả 2 khu xử lý trên đều đang ở tình trạng không còn khả năng chôn lấp trong 1-2 năm tới...
Để giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30% vào năm 2025, UBND thành phố định hướng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện.
Đã có 2 dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao được thành phố chấp thuận đầu tư và hiện đang đôn đốc hoàn thành là: Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày-đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, vận hành trong năm 2021; Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/ngày-đêm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, dự kiến vận hành từ tháng 4-2023.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn sử dụng công nghệ lò đốt ENERGIZE - lò ghi cơ học tiên tiến nhất trên thế giới, với phân đoạn 3 vùng đốt, bảo đảm rác thải được đốt cháy hoàn toàn, giúp tận thu nhiệt để phát điện. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng... Qua đó, vừa giúp giảm tỷ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm quỹ đất cho công tác xử lý chôn lấp; vừa bổ sung năng lượng vào hệ thống điện quốc gia.
Tại thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày phải xử lý khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, cao điểm có thể đến 11.000 - 12.000 tấn/ngày, tăng khoảng 5%/năm, dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày. 5.000 tấn trong số đó được chuyển đến bãi rác Đa Phước để chôn lấp. Sau 11 năm hoạt động, Đa Phước đã chôn lấp 13 triệu tấn rác với độ cao 27m – hơn ½ lượng rác dự kiến (24 triệu tấn) của bãi rác. Khi gió Tây Nam thổi mạnh, mùi hôi thối của bãi rác lan tới Phú Mỹ Hưng và những vùng lân cận, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hiện thành phố Hồ Chí Minh cũng đang ưu tiên chuyển việc xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt. Mục tiêu đến năm 2025 chỉ còn 20% rác được chôn lấp.
Đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công 3 dự án xử lý chất thải rắn tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi) gồm: Dự án xử lý chất thải rắn của Công ty CP Vietstar do nhà đầu tư Mỹ đầu tư 120 triệu USD trên diện tích 30ha, sau đó tiếp tục đầu tư thêm 275 triệu USD để tăng công suất xử lý rác không chôn lấp từ 2.000 tấn/ngày lên 6.000 tấn/ngày. Dự án điện rác Tasco ở huyện Củ Chi xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi được đầu tư công nghệ của Hà Lan với hệ thống phân loại rác tự động, xử lý rác thải để làm nhiên liệu cho nhà máy điện.
Đáng chú ý là Nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa trên diện tích 20ha đã đi vào hoạt động từ năm 2012 với công nghệ xử lý, sản xuất phân bón hữu cơ và tái chế rác thải, công suất tiếp nhận 1.300 tấn rác/ngày cũng đã được doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ sang đốt rác để phát điện với công suất tiếp nhận, xử lý 2.000 tấn/ngày. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện Martin của Đức. Công nghệ này đang được sử dụng tại 40 quốc gia trên thế giới. Ưu điểm của công nghệ là khép kín từ khâu tiếp nhận đến khâu xả thải cuối cùng, không phát tán mùi hôi, đồng thời có nhiều đặc điểm phù hợp với điều kiện rác chưa qua phân loại tại đầu nguồn ở Việt Nam hiện nay. Như vậy với công suất của 3 dự án rác - điện trên, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 9.000 tấn/ngày cũng chỉ đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy.
Ngoài ra còn một số dự án nhà máy điện rác đã được khởi công xây dựng ở các tỉnh, thành khác như: Nhà máy điện rác Vĩnh Tân (tỉnh Đồng Nai) có công suất xử lý 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30MW; nhà máy điện rác Trạm Thản (tỉnh Phú Thọ); nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) công suất 500 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý chất thải rắn (thành phố Cần Thơ) đã tiếp nhận xử lý được hơn 400.000 tấn rác thải sinh hoạt bao gồm rác thải sinh hoạt đã qua chôn lấp tại các bãi rác, tạo ra hơn 113 triệu kWh điện…
Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện tại Việt Nam sẽ giúp giải quyết xử lý khá triệt để chất thải rắn sinh hoạt mà không phải tốn diện tích chôn lấp như cách hiện nay vẫn áp dụng. Với công nghệ mới này, yêu cầu quan trọng là người dân phải chung tay phân loại rác tại nguồn. Theo đó, rác phải được phân loại ngay tại nhà thành 2 loại chính: Rác tái chế và rác thải còn lại. Tuy nhiên, hiện việc phân loại rác tại nguồn gần như ở con số không. Các chương trình phân loại tại các địa phương mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Các chiến dịch phát động về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của chính quyền, đơn vị thu gom chất thải rắn, cộng đồng dân cư nên hiệu quả không được như mong muốn.
Do vậy, cùng với giải pháp công nghệ, các địa phương cần áp dụng các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; rà soát, xây dựng quy định quản lý chất thải rắn, quy trình thu gom, phân loại rác tại nguồn, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết; thúc đẩy tái chế...