Xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bằng đệm lót sinh học
09:33 - 27/05/2021
(MTNT)- Vài năm gần đây, trước thực trạng gây ô nhiễm môi trường do lượng chất thải lớn trong chăn nuôi đang là vấn đề khiến người dân bức xúc. Để khắc phục tình trạng này, khá nhiều hộ chăn nuôi quy mô gia đình đã sử dụng đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đạt được một số hiệu quả.
Khá nhiều hộ chăn nuôi quy mô gia đình đã sử dụng đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Các thành phần có trong đệm lót sinh học gồm: Lá trầu, mùn cưa, lõi ngô, dăm bào, men vi sinh vật đem kết hợp với nhau tạo ra hỗn hợp men có chứa nhóm vi khuẩn có tác dụng phân giải chất thải từ chuồng trại, phân huỷ các nhóm vi khuẩn hoạt tính cao.
 
 
Hiện nay, men vi sinh phổ biến nhất dùng làm chế phẩm sinh học là chế phẩm EM gốc. Theo đó, người nuôi trộn men vi sinh EM gốc với rỉ đường và nước sạch theo tỉ lệ 1:5:100, tức là trung bình cứ một cân EM gốc sẽ đem hoà tan với 5 lít rỉ đường và 100 lít nước sạch. Sau đó, đem hỗn hợp này trộn đều với 400 - 450 kg trấu và khoảng 20kg cám gạo. Khi pha trộn cần lưu ý đến độ ẩm của hỗn hợp, có thể kiểm tra bằng cách sử dụng tay ấn nhẹ vào hỗn hợp, nếu thấy hỗn hợp không quá khô là được. Cuối cùng, sử dụng một tấm bạt nhỏ, ủ hỗn hợp EM từ 3 - 5 ngày là có thể sử dụng được.
 
 
Sau khi hoàn thành hỗn hợp, đem rải đều lên bề mặt chuồng. Trong quá trình chăn nuôi, bà con phải thường xuyên đảo xới, nhằm giúp cho lớp đệm được bền hơn, phân chuồng theo đó cũng được phân huỷ nhanh hơn, tránh trường hợp phân không được phân huỷ đều. Từ đó, giúp chuồng trại luôn sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho gia súc, gia cầm phát triển tốt, hạn chế sự phát sinh và lây lan bệnh tật ở đàn vật nuôi.
 
 
Sử dụng đệm lót sinh học giúp tiết kiệm chi phí công nhân khi dọn dẹp chuồng trại; khử mùi hôi thối cho chuồng trại, làm giảm nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi. Từ đó, nâng cao chất lượng cho vật nuôi, hạn chế lượng chất thải xả ra môi trường; ngoài ra, còn là nguồn phân bón tốt cho cây trồng sau khi không sử dụng nữa.
 
 
Tại xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), từ tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Tổ chức phi chính phủ Rare (hoạt động trên lĩnh vực giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Việt Nam), Hội ND xã Lâu Thượng đã triển khai thí điểm ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn cho hội viên trên địa bàn. Đã có 22 hội viên, nông dân được tập huấn các kỹ thuật xây dựng chuồng trại, làm đệm lót sinh học; trong đó, 2 hộ được trực tiếp hỗ trợ kinh phí gần 10 triệu đồng/hộ để triển khai mô hình.
 
 
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Vũ Văn Dũng ở xóm Đất Đỏ - một trong 2 hộ thí điểm triển khai mô hình. Ngoài hỗ trợ của dự án, ông đã đầu tư xây dựng khu vực chuồng mới với diện tích 40 m2 để nuôi 30 con lợn trên nền đệm lót sinh học. Việc nuôi lợn trên đệm lót sinh học giúp tiết kiệm được tối đa chi phí, lại bảo đảm được hiệu quả chăn nuôi, tới khi đàn lợn đạt trọng lượng bình quân 100 kg/con thì xuất bán. Thấy hiệu quả, ông dự kiến đầu tư mở rộng diện tích dùng đệm lót sinh học để nuôi khoảng 100 con lợn theo phương pháp này.
 
 
Theo tính toán, với mức đầu tư khoảng hơn 4 triệu đồng, người chăn nuôi đã có một lớp đệm lót diện tích khoảng 20m2 để nuôi đàn lợn 15 con và có thể sử dụng cho khoảng 3 lứa nuôi. Sau khi sử dụng đệm lót sinh học, chi phí mua thức ăn chăn nuôi của các hộ gia đình giảm trung bình 10% mỗi tháng, lợi nhuận cũng tăng 5% trên một đàn lợn.
 
 
Tại Vĩnh Phúc, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai tập huấn về kỹ thuật xử lí chất thải trong chăn nuôi bằng đệm lót sinh học tại các vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ở các địa bàn: Xã Nghĩa Hưng (huyện Vĩnh Tường), xã Cao Phong (huyện Sông Lô) và đang mở rộng sang các xã: Phú Đa, Tuân Chính (huyện Vĩnh Tường) cũng như các vùng chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa trên địa bàn tỉnh.
 
 
Tiêu biểu như xã Cao Phong (huyện Vĩnh Tường), HTX Nông nghiệp hữu cơ Sơn Thành của anh Khổng Minh Tuân đã tiên phong trong việc áp dụng biện pháp xử lí chất thải bằng đệm lót sinh học. Với tổng đàn bò cái cao điểm tới trên 100 con, lại thêm bê con và một số bò thịt, trước đây, mỗi ngày HTX của anh phải thuê 5 công nhân chăm sóc bò, nhất là phải làm vệ sinh, rửa chuồng 2 lần/ngày vừa tốn công lao động và lượng chất thải lỏng rất lớn. Anh cũng đã từng xây dựng hầm biogas, tuy nhiên do lượng chất thải rất lớn nên hầm biogas cũng không giải quyết được triệt để. Vì vậy, anh phải xây thêm hồ chứa điều hòa sau công trình biogas, nước thải được bơm lên cho khu đất trồng cỏ; phân thải rắn thu dọn hàng ngày cũng được tống trực tiếp ra vườn trồng cỏ nên mặc dù cỏ rất tốt nhưng mùi hôi thối nồng nặc.
 
 
Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ về chế phẩm, HTX của anh Tuân đã triển khai làm đệm lót sinh học cho trang trại, bước đầu phát huy tác dụng rất rõ rệt. Chuồng trại luôn được đảm bảo khô ráo, không còn mùi hôi thối, lượng chất thải lỏng không đáng kể (được thu gom về rãnh riêng để xử lí). Đặc biệt, trang trại không còn phải tốn chi phí nhân công vệ sinh 2 lần/ngày như trước.
 
 
Tại Bắc Ninh, đến nay, đã có khoảng 30 cơ sở chăn nuôi đang sử dụng giải pháp đệm lót sinh học được Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh triển khai.
 
 
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Tầm ở thôn Lai Đông, xã Trung Chính (huyện Lương Tài) sử dụng đệm lót sinh học từ năm 2018. Phương pháp này đã giúp ông xử lý 3 nền chuồng nuôi hiệu quả, an toàn có diện tích 1.200 m2 với 10.000 con gà giống và gà thương phẩm. Theo ông Tầm, so với phương pháp rắc trấu truyền thống, việc áp dụng đệm lót sinh học để xử lý phân có nhiều ưu điểm về phòng bệnh; đồng thời, làm giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt (phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật) lại tăng độ phì nhiêu của đất.
 
 
Tuy nhiên, bà con cũng cần lưu ý khi sử dụng đệm lót sinh học sẽ làm cho nhiệt độ trong chuồng trại tăng nhanh (có thể lên tới 40 độ C). Chính vì thế, các hộ cần chú ý về vấn đề làm mát chuồng trại để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, đệm lót sinh học chỉ phù hợp với những mô hình chăn nuôi nhỏ, vì với những mô hình lớn trong chăn nuôi lợn, đệm lót không thể phân huỷ kịp lượng chất thải mà đàn lợn thải ra. Đệm lót sinh học cũng không phù hợp với những chuồng trại thường xuyên bị ngập úng, ẩm ướt vì sẽ sinh ra một số loại vi khuẩn có hại, thậm chí có thể làm hỏng lớp đệm sinh học.
 
 
Có thể thấy, sử dụng đệm lót sinh học là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không nhiều, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, sử dụng đệm lót sinh học còn tạo động lực tích cực giúp nông dân tại các địa phương hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, hạn chế tối đa nguồn thải, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Trung Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn