Đặc biệt nhận thức về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của nông dân đã chuyển biến tích cực để giữ môi trường xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, người dân đã chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe vật nuôi thông qua việc xử lý chất thải bằng hệ thống biogas, đệm lót sinh học và ủ phân để xử lý môi trường chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc xử lý môi trường chăn nuôi; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, đầu tư vào các hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn của nhà nước.
Các trang trại xây mới phải nằm trong quy hoạch, phải có hồ sơ thiết kế, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng đệm lót sinh học, ủ phân nhằm bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.
Tại nhiều vùng nông thôn và ven đô thị, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn giữ thói quen truyền thống là làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm ngay trong phần đất của gia đình.
Với tập quán chăn nuôi này, nếu chất thải của vật nuôi không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm đến môi trường và ảnh hưởng đến người dân sinh sống trong khu vực xung quanh.
Để khắc phục và ngăn ngừa những ảnh hưởng đến môi trường, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Tỉnh Hà Giang có 139 trang trại chăn nuôi tại 11 huyện, thành phố. Các hộ chăn nuôi chủ yếu sử dụng hình thức xử lý chất thải như: Hầm khí sinh học (biogas), đệm lót sinh học và ủ phân để bón cho cây trồng.
Tại các vùng nông thôn trước đây, việc xử lý chất thải chăn nuôi của các hộ dân còn hạn chế do tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, chủ yếu nhỏ, lẻ; phần lớn thuộc đối tượng hộ nghèo nên không có khả năng xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy định...
Nhằm đổi mới tư duy trong chăn nuôi của người dân, tại huyện Quản Bạ đã thí điểm triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi gắn với xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường tại xã Thanh Vân.
Hộ anh Dương Xuân Thành, thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân xây dựng khu chuồng trại mới có 4 ngăn, thiết kế ngăn xả thải dành cho đàn bò. Hệ thống chuồng trại theo thiết kế, kiên cố, dễ vệ sinh đã giúp hạn chế được bệnh tật cho đàn gia súc, có thể phòng, chống rét cho đàn bò vào mùa Đông nên gia đình rất yên tâm để phát triển chăn nuôi lâu dài.
Anh Hùng Văn Sinh, ở thôn Lùng Cáng đầu tư xây dựng chuồng bò có 6 ngăn. Sau khi gia đình thấy được hiệu quả kinh tế của việc phát triển đàn bò Vàng vùng cao gắn với trồng cỏ chăn nuôi, được chính quyền địa phương vận động đổi mới tư duy xây dựng chuồng trại, gia đình tôi đã tham gia thực hiện ngay. So với trước đây thì chuồng trại đã đảm bảo vệ sinh môi trường, đàn gia súc sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng việc phát triển chăn nuôi cũng gắn với bảo vệ môi trường. Một trong những giải pháp được triển khai thực hiện là xây dựng các hầm biogas nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng.
Hầu hết người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm đều áp dụng để bảo vệ môi trường. Huyện Mỹ Xuyên có 5 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 1 trang trại chăn nuôi bò sữa đạt chứng nhận GlobalGAP, các trang trại còn lại đều được xây dựng hầm biogas và sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, được quy hoạch tại các khu cách biệt với khu dân cư nên không gây ô nhiễm môi trường.
Đối với 22.513 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ của huyện đã có 20.307 hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường (chiếm 90,2%). Với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhiều hộ chăn nuôi tại Phường 8 đã được nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.
Bà Lê Thị Ngọc Xuyến, ở Khóm 6, Phường 8 đã lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải cho đàn heo hơn 80 con. Mô hình này vừa bảo vệ môi trường vừa giúp gia đình tôi tiết kiệm chi phí vì tận dụng khí biogas làm nhiên liệu đốt.
Hiện nay, bà Xuyến còn thường xuyên tận dụng bã dừa khô để đốt hun khói nhằm xua đuổi ruồi, côn trùng xung quanh chuồng heo để tránh phát sinh mùi hôi khó chịu và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hội Nông dân Phường 8 thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng để khảo sát tình hình chăn nuôi trên địa bàn phường. Từ đó tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.
Hàng năm, Hội tổ chức khoảng 3 - 4 lớp tập huấn về chăn nuôi, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật, ngành chuyên môn còn lồng ghép những nội dung về bảo vệ môi trường, những quy định của pháp luật để nông hộ áp dụng vào thực tế.
Tại Phường 8 (TP. Sóc Trăng), chăn nuôi heo là một trong những nghề đem lại thu nhập chính của nhiều hộ gia đình và các trang trại. Ước tính trên địa bàn phường có khoảng 6.000 con heo, trong đó có khoảng 2.000 con heo được nuôi với quy mô hộ gia đình.
Nếu trước đây, một số hộ dân còn phản ánh về tình hình ô nhiễm môi trường do chăn nuôi thì đến nay, công tác xử lý chất thải trong chăn nuôi trên địa bàn phường đã có nhiều chuyển biến tích cực và không còn xảy ra tình trạng người dân bức xúc về ô nhiễm môi trường do chăn nuôi.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 14 quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Trong đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ sẽ bị phạt tiền mức 1-7 triệu đồng; con số này với vi phạm quy định về xử lý nước thải, khí thải chăn nuôi là 3-10 triệu đồng. Đây là biện pháp hữu hiệu nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.
Việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường nhằm giúp nông dân vừa phát triển sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng vừa đảm bảo về vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngọc Mỹ
Nguồn:
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/994033/phat-trien-chan-nuoi-gan-voi-bao-ve-moi-truong
http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/nang-cao-nhan-thuc-bao-ve-moi-truong-trong-chan-nuoi-40393.html
http://baohagiang.vn/kinh-te/202104/hieu-qua-mo-hinh-chan-nuoi-gan-bao-ve-moi-truong-774818/