Tăng cường việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
15:34 - 29/05/2021
(MTNT)- Thực trạng hiện nay vẫn còn nhiều nông dân có thói quen sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì vứt bỏ vỏ bao bì, chai lọ bừa bãi ngay tại cánh đồng, mương nước. Bên cạnh đó, số lượng bể chứa vỏ bao thuốc BVTV còn ít, chưa đáp ứng được về số lượng gây khó khăn trong công tác thu gom, xử lý; công tác tiêu hủy chưa được thực hiện đúng quy định. Những điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Rác thải thuốc BVTV chủ yếu là nhựa và thủy tinh, đây đều là những rác thải rất khó phân hủy.


Tại Lai Châu, các đồi chè của bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu), tình trạng các loại chai lọ, bao bì đựng thuốc BVTV đã qua sử dụng không được thu gom tiêu hủy bỏ lại bừa bãi ngay tại nương chè. Những bể chứa nước để tưới cây hoặc pha thuốc vô hình chung biến thành nơi chứa vỏ, chai thuốc BVTV.
 
 
Sau vụ lúa mùa, tại một số cánh đồng thuộc xã Mường Than, Phúc Than (huyện Than Uyên) tình trạng vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi dọc theo kênh mương, bờ ruộng cũng diễn ra thường xuyên. Tuyến đường nội đồng nối từ quốc lộ 32 đến bản Én Nọi (xã Mường Than) bên cạnh kênh nước hay ở đầu bờ ruộng có nhiều vỏ bao bì, chai thuốc sinh học còn sót lại sau mỗi vụ canh tác. Mặc dù dọc tuyến đường này được đặt các cống bê-tông có nắp đậy để chứa vỏ bao bì thuốc BVTV nhưng người dân sử dụng xong không đưa vào. Một số vỏ cũ, bạc màu, nhiều vỏ còn mới lẫn trong rơm, cỏ, đất; có vỏ nằm dưới kênh dẫn nước… điều này rất nguy hại cho môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
 
 
Mặc dù cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của huyện Than Uyên thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là khuyến cáo bỏ rác thải thuốc BVTV đúng nơi quy định. Song do thói quen nên một số bà con vẫn quăng bỏ ra kênh mương, đầu bờ ruộng. Vào thời kỳ lúa phát triển, sâu bệnh hoành hành, bà con lại đi mua thuốc về phun để phòng trừ, kéo theo đó loại rác thải độc hại này có mặt ngay tại cánh đồng. Điều nguy hiểm là mắt thường không thể thấy được số thuốc còn sót lại trong vỏ bao bì này chảy ra, ngấm vào đất, theo dòng nước với hàm lượng độc tố cao sẽ rất độc hại.
 
 
Để hạn chế rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân, các công ty, doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến cây trồng nông lâm nghiệp về việc thu gom, xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 216 bể; trong đó, doanh nghiệp, HTX chế biến chè đầu tư 80 bể; huyện Than Uyên, Tam Đường lồng ghép với xây dựng nông thôn mới đầu tư 136 bể thu gom. Tổng số lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom vào các bể chứa khoảng 2.000kg. Tuy nhiên, với số bể như hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thu gom, còn đa số bao bì thuốc qua sử dụng vẫn “xả” ra môi trường.
 
 
Hiện nay, 100% các địa phương vẫn chưa xây dựng nhà lưu chứa bao gói thuốc BVTV; chưa có đơn vị có năng lực xử lý được cấp phép hoạt động cũng đang gây khó khăn trong thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV ở cơ sở. Các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc thu gom; khâu vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thực hiện và còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp khó trong việc bố trí kinh phí để xây dựng bể chứa tập trung; chưa có mô hình quản lý, thu gom vận chuyển cũng như điểm tập kết xử lý riêng và công nghệ xử lý phù hợp.
 
 
Tại Quảng Trị, với hơn 22 nghìn ha lúa được gieo trồng mỗi năm và hàng chục nghìn ha đất trồng các loại hoa màu khác, hàng năm lượng rác thải thuốc BVTV thải ra môi trường là rất lớn. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Hướng Hóa sử dụng khoảng 12 tấn thuốc BVTV các loại, chủ yếu là thuốc trừ cỏ. Đa số các hộ dân sử dụng thuốc BVTV chưa thực hiện nghiêm việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng về đúng nơi quy định, nông dân vẫn còn thói quen tự ý vứt bỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng một cách bừa bãi, trên khe suối, nương rẫy, bờ ruộng dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
 
 
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV của người dân vẫn chưa tuân theo quy trình kỹ thuật, nhiều người dân đã lạm dụng thuốc trừ cỏ không chọn lọc có hoạt chất glyphosate mỗi năm từ 1-2 lần trên 1 đơn vị diện tích. Phần lớn người sử dụng thuốc BVTV chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, tự tăng nồng độ so với quy định khi pha chế thuốc, gây nguy cơ để lại tồn dư thuốc BVTV trên nông sản và môi trường, làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
 
 
Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 bể chứa bao gói thuốc BVTV đặt tại các cánh đồng đã phần nào đạt hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng vỏ thuốc BVTV vứt tràn lan. Tuy nhiên, theo tính toán, toàn tỉnh cần đến 8.000 bể chứa; có một thực tế là khi các bể chứa đầy thì ngành chức năng chưa có giải pháp để xử lí, vô tình lại gây ô nhiễm môi trường trở lại.
 
 
Tại Đồng Nai, Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên – Môi trường đã cùng với các địa phương lắp đặt hơn 1.200 bể chứa bằng xi măng, góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều bể chứa chưa phát huy hiệu quả làm lãng phí tiền đầu tư. Điển hình tại huyện Trảng Bom đã lắp đặt hàng trăm bể chứa tại vùng như: Trồng bưởi ở xã Bàu Hàm; ca cao xã Trung Hòa và An Viễn; chuối ở xã Thanh Bình và Cây Gáo… Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn bể đã chất đầy rác sinh hoạt, thậm chí là xác động vật gây hôi thối khiến người dân không có chỗ bỏ chất thải nguy hại, bao bì thuốc BVTV vẫn vương vãi nhiều nơi.
 
 
Nguyên nhân của tình trạng trên là do thói quen tùy tiện bỏ chất thải ra vườn, kênh mương ngay sau khi sử dụng. Ngoài ra, ở một số nơi bể chứa đặt cách xa vườn, người dân không thu gom chất thải nguy hại bỏ vào bể chứa theo khuyến cáo cũng không bị nhắc nhở...
 
 
Cần khẳng định, rác thải thuốc BVTV chủ yếu là nhựa và thủy tinh, đây đều là những rác thải rất khó phân hủy; bên cạnh đó, trong rác thải còn chứa tồn dư một lượng thuốc nhất định nên gây ảnh hưởng đến môi trường rất lớn, nhất là đối với nguồn nước. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của các loại hóa chất BVTV đối với môi trường cũng như sức khỏe con người; từ đó, có ý thức sử dụng một cách hợp lý, tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng"; cân đối bố trí kinh phí xây bể chứa, khu vực lưu chứa và thực hiện hợp đồng xử lý bao gói thuốc BVTV; thường xuyên kiểm tra việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, nhắc nhở người dân có ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính mình.
Thành Đạt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn