Nông dân Hà Nội hưởng lợi kép từ tái chế rơm rạ
15:16 - 18/06/2021
(MTNT) – Từ nhiều năm nay, cứ sau mỗi vụ thu hoạch xong, trên những cánh đồng lúa ở ngoại thành Hà Nội lại xuất hiện tình trạng mù mịt khói từ việc bà con nông dân thường đốt bỏ rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tạo ra hiện tượng mù khói làm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân; đồng thời, còn tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ rất cao.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật để ủ hoai rơm rạ thành phân bón hữu cơ giúp mang lại hiệu quả, tạo ra nhiều lợi ích và thu nhập cho bà con nông dân


 
Theo như kết quả quan trắc và đo đạc của ngành chức năng đã được công bố thì quá trình đốt rơm rạ đang làm phát sinh một lượng lớn các loại khí thải độc hại ra môi trường gồm: CO2, CO, Nox… Vì thế, không chỉ gây ô nhiễm trực tiếp ngay tại khu vực đốt rơm rạ, các chất khí thải ô nhiễm này còn theo gió lan tỏa và phát tán ra cả một vùng rộng lớn và làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn toàn thành phố.

 
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho thấy, ước tính mỗi năm toàn thành phố đang phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp từ các hoạt động canh tác và sản xuất. Trong đó, chủ yếu tập trung tại những vùng ngoại thành nằm ven đô thị như các huyện: Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ… Nguy hại hơn, vùng ô nhiễm chính hiện tập trung ở phía Nam Hà Nội gồm các địa bàn như: Thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức); thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa); xã Kim Bài (huyện Thanh Oai).

 
Tính riêng trong vụ Đông- Xuân năm 2020, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn toàn thành phố là 67.493 ha (chiếm khoảng 20% diện tích canh tác lúa) và được phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Tổng sản lượng lúa thu hoạch đạt khoảng trên 427 ngàn tấn. Như vậy, bình quân lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng khoảng trên 384 ngàn tấn; tỷ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trong vụ Đông- Xuân năm 2020 trung bình chiếm hơn 20%.

 
Mặt khác, việc đốt rơm rạ tùy tiện không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất cân bằng đối với hệ sinh thái trên các đồng ruộng. Nếu cứ tiếp diễn việc này nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất đai bị biến chất và dần trở nên chai cứng; đồng thời, tiêu diệt hết các loại côn trùng có ích. Bên cạnh đó, còn gây lãng phí nguồn nguyên, nhiên liệu sẵn có, rẻ tiền, có thể đem dùng tái chế để trở thành lượng phân bón sinh học- là nguồn chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cho cây trồng phát triển khỏe mạnh.

 
Nguyên nhân chính của tình trạng này trước hết là do sự nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, Nhà nước cũng chưa có chế tài và các quy định xử lý nghiêm khắc đối với hành vi đốt rơm, rạ nên chính quyền các địa phương còn gặp phải những khó khăn trong khâu xử phạt. Thậm chí, tại một số địa phương, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng còn chưa quyết liệt nên việc xử lý cũng chưa được triệt để.

 
Trước thực trạng đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với các quận, huyện, thị xã định kỳ trước và trong thời gian thu hoạch lúa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc hạn chế đốt rơm rạ. Nhất là tại các khu vực giáp đường giao thông, khu dân cư thị trấn, thị tứ để đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như các hoạt động thường xuyên trên địa bàn thành phố.

 
Đặc biệt, để kiểm soát các hoạt động này, ngày 18/9/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ... Đồng thời, UBND thành phố cũng tăng cường và quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương.

 
Theo đó yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chủ động ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Chỉ thị như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ công tác xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và hướng dẫn các phương án xử lý đảm bảo hợp vệ sinh môi trường… Trên cơ sở đó, các quận, huyện cũng đã kịp thời có các văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ.

 
Bằng những hỗ trợ cụ thể cùng với sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành trong công tác tuyên truyền, đến nay, bà con nông dân tại nhiều địa phương đã biết sử dụng rơm rạ vào những việc hữu ích thay vì đốt bỏ. Tại một số địa phương cũng đã xuất hiện những điển hình đi đầu. Đây đều là những mô hình hay, cần được quan tâm nhân rộng trên địa bàn các huyện ngoại thành nhằm giảm thiểu hoạt động đốt rơm, rạ một cách hiệu quả.

 
Tại địa bàn xã Thọ Xuân- huyện Đan Phượng được thành phố lựa chọn làm điểm để thực hiện mô hình “cánh đồng không đốt rơm rạ” từ năm 2017. Nhờ bà con nông dân được tuyên truyền, vận động và hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rơm làm phân bón nên hiện nay, trên nhiều cánh đồng của xã về cơ bản đã không còn tình trạng đốt rơm rạ tùy tiện như trước.

 
Ban đầu, mô hình đã hỗ trợ cho 100 hộ dân tham gia thực nghiệm trên diện tích 5 ha; đồng thời, tổ chức vận động các hộ hội viên ký kết tham gia chiến dịch không đốt rơm rạ. Nhờ có lượng phân bón sạch tự làm ra nên lúa vụ mùa phát triển tốt, người dân lại giảm bớt được các chi phí để mua phân hóa học. Mô hình thực sự đã mang lại hiệu quả tích cực, thu hút hội viên, nông dân thêm phấn khởi và tin tưởng làm theo.

 
Từ hiệu quả đạt được rõ nét ở địa bàn xã làm thí điểm, đến vụ xuân năm 2019, huyện đã triển khai rộng rãi mô hình xử lý rơm rạ tại 9 xã trên địa bàn huyện với diện tích 357 ha lúa sau thu hoạch. Khi đăng ký tham gia mô hình, các hộ trồng lúa được ngành chức năng của huyện cung cấp chế phẩm sinh học miễn phí; được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng chế phẩm này để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất.

 
Để tiếp tục nhân rộng thêm mô hình, ngay từ đầu vụ thu hoạch lúa xuân năm 2021, Hội ND huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ xây dựng mô hình cánh đồng hạn chế đốt rơm rạ tại địa bàn 4 xã với tổng diện tích 25 ha.

 
Hiện nay, sau mỗi vụ thu hoạch, nhiều hội viên, nông dân trong huyện đã biết cách ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ có ích. Tiêu biểu như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Vĩnh ở thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ, cũng là một hộ dân có nhiều kinh nghiệm nhờ được tham gia mô hình này từ nhiều năm trước.

 
Bà Vĩnh bày tỏ sự phấn khởi vì nhờ được các cấp Hội hướng dẫn kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học đem ủ thành phân bón hữu cơ nên bà con nông dân trong xã đã không ai còn đốt rơm rạ gây khói mù mịt như trước nữa. Bên cạnh đó, nguồn phân hữu cơ ủ từ rơm rạ khi đem bón cho cây lúa cũng giúp bà con tiết kiệm được khá nhiều chi phí mua phân bón hóa học, góp phần đảm bảo sức khỏe cả cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

 
Tại địa bàn xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm), trước đây sau mỗi vụ thu hoạch, rơm rạ vẫn thường bị vứt bỏ bừa bãi dọc các tuyến đường nội đồng hoặc trên ruộng. Sau đó, bà con nông dân gom chất đống lại để đốt. Việc làm này tạo ra lượng khói mù độc hại, vừa gây cản trở các phương tiện tham gia giao thông vừa làm ô nhiễm môi trường...

 
Trước thực trạng này, Hội ND xã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Cọng rơm vàng” với việc thu gom rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, sau đó ủ thành phân hữu cơ để đem bón cho lúa và các loại rau màu. Cũng đã triển khai thí điểm từ năm 2017, đến nay, mô hình đang tiếp tục được các cấp Hội nhân rộng trên địa bàn.

 
Theo tính toán, nhờ nhận thấy tính hiệu quả thiết thực nên hiện toàn xã đang canh tác 40 ha trồng lúa thì trong đó, gần 60% các hộ trồng lúa đã chủ động triển khai áp dụng mô hình này. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý phế thải từ nông nghiệp cũng đang góp phần tích cực bảo đảm cho một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

 
Về quy trình ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ được thực hiện thông qua các bước gồm: Rơm rạ tươi sau thu hoạch được chất đống với chiều rộng khoảng 2 m2, mỗi lớp 30 cm2 rơm thì sẽ tưới một lượt dung dịch chế phẩm Fito-Biomix RR hoặc NPK. Tiếp đó, bà con tiến hành ủ rơm rạ bằng cách sử dụng nylon, bạt, tải rách, bùn… để phủ kín với nhiệt độ luôn bảo đảm ở mức từ 45- 50 độ C. Sau khoảng 25- 30 ngày, rơm rạ sẽ phân hủy thành phân hữu cơ, có thể sử dụng ngay cho vụ kế tiếp hoặc tiếp tục đem bảo quản để sử dụng cho vụ sau.

 
Là hộ trực tiếp thực hiện phương pháp này, hộ bà Hoàng Thị Công ở thôn Kim Âu phấn khởi cho biết: Mặc dù phương pháp ủ rơm rạ thành phân hữu cơ mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi các hộ dân phải tiến hành kiểm tra tỉ mỉ; tuy nhiên, lại giúp tiết kiệm về chi phí nhờ giảm thiểu được lượng phân bón hóa học trong sản xuất. Lúa được bón phân hữu cơ ủ từ phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, gốc thân cây, rau màu bỏ lại…) nên phát triển khỏe mạnh và xanh tốt giúp tăng năng suất, chất lượng, môi trường nông thôn cũng không còn cảnh đốt rơm rạ mù mịt, độc hại như trước.

 
Có thể thấy, khi tham gia mô hình, bà con nông dân đạt lợi ích kép khi vừa bảo vệ môi trường lại vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất nhờ nguồn phân bón hữu cơ. Khi đem so sánh với những ruộng đốt rơm rạ ngay tại ruộng thì khu ruộng được xử lý bằng chế phẩm sinh học giúp tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ vàng lá và nghẹt rễ sinh lý. Đồng thời, giảm được 30% lượng phân lân cho bón lót và 15% lượng NPK bón thúc lần đầu. Bên cạnh đó, phương pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học lại khá đơn giản, chỉ cần trộn đều chế phẩm với cát, đất hoặc phân bón rồi đem trải đều khắp ruộng; sau từ 13 - 15 ngày thì rơm, gốc rạ sẽ tự phân hủy và ngấu trong đất.

 
Thời gian tới, để không còn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường rất cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và bà con nông dân. Đặc biệt, các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc tuyên truyền, cảnh báo về những tác hại của đốt rơm rạ gây ra; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành thu mua rơm; có chế tài xử lý đối với việc đốt rơm; các hộ dân cần chủ động xử lý rơm rạ làm phân bón ruộng... Chỉ khi rơm rạ trở thành sản phẩm hữu ích thì việc đốt rơm rạ sẽ bị đẩy lùi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 

Nguyễn Thực
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn