Nâng cao hiệu quả kinh tế từ phụ phẩm nông nghiệp
10:33 - 28/05/2021
(MTNT)- Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), với diện tích trồng trọt hiện tại, ước tính lượng phụ phẩm trên cả nước đạt trên 50 triệu tấn/năm. Kết quả các nghiên cứu cho thấy, lượng phụ phẩm trồng trọt có giá trị dinh dưỡng cao (45 - 70% tổng chất dinh dưỡng tiêu hóa) và có khả năng cung cấp lớn lượng calo (1662 - 2549kcal/kg chất khô). Do vậy, nếu ứng dụng các công nghệ phù hợp thì phụ phẩm trồng trọt trở thành các sản phẩm có giá trị chăn nuôi, dinh dưỡng cho đất và bảo vệ môi trường.
Trung bình mỗi năm ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội phát sinh khoảng gần 1 triệu tấn rơm rạ.


Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng hơn 10% lượng phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ như ở lò gạch, đun nấu, 5% là nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc,… Còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đem đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường, làm tắc nghẽn dòng chảy.
 
 
Đã có nhiều công nghệ mới được ứng dụng xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp như: Sản xuất than, dầu sinh học, năng lượng, vật liệu từ vỏ trấu; vật liệu xây dựng; trồng nấm linh chi; đồ thủ công mỹ nghệ; xử lý nước thải chăn nuôi… đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
 
 
Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT Hà Nội, trung bình mỗi năm ngành nông nghiệp thành phố phát sinh khoảng gần 1 triệu tấn rơm rạ; 180.073 tấn trấu; 90.037 tấn cám; 205.650 tấn thân lá từ cây ngô; 41.467 tấn thân lá cây đậu tương. Ngoài ra, các loại rau màu cũng có một lượng phụ phẩm lớn.
 
 
Thời gian qua, một số huyện trên địa bàn thành phố như: Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Thanh Trì, Gia Lâm, Ba Vì,... người dân cũng đang sử dụng phế, phụ phẩm để trồng nấm, trồng đậu tương hoặc xử lý thành phế phẩm phục vụ trồng các loại cây, rau màu, làm thức ăn chăn nuôi đem lại hiệu quả cao. Đơn cử như mô hình tái sử dụng giá thể các loại rau mầm để làm phân bón sinh học tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín).
 
 
Hay như mô hình chăn nuôi bò của anh Vũ Kim Tuyền (huyện Ba Vì) có trang trại rộng 600m2 đang duy trì thường xuyên 100 – 120 con bò thịt vỗ béo với 2 giống bò cao sản là bò lai BBB và Zêbu. Để tạo nguồn thức ăn cho bò cũng như tận dụng nguồn phụ phẩm, ngoài trồng cỏ, năm 2019, anh đã đầu tư một máy cuốn rơm trị giá 300 triệu đồng.
 
 
Cơ chế hoạt động của máy khá đơn giản, có thể thu gom ở những chân ruộng trũng và nhiều địa hình khác nhau. Nếu thời tiết thuận lợi, với mỗi sào ruộng, máy chỉ chạy từ 4 - 5 phút cho thu hoạch 6 - 8 cuộn rơm (nặng 12 - 15kg/cuộn). Lượng rơm này được dự trữ trong kho và sử dụng dần trong năm. Rơm khô trước khi cho bò ăn được ủ thêm với ure, rỉ mật làm tăng giá trị dinh dưỡng, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Nhờ có máy cuộn rơm, mỗi năm, gia đình anh Tuyền tiết kiệm được 220 triệu đồng chi phí mua thức ăn cho bò nhờ chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Mô hình nuôi bò vỗ béo giúp gia đình anh thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm.
 
 
Tại Đồng Nai, Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc có công suất 200 tấn/ngày; tổ chức ký hợp đồng xử lý chất thải cho một số tập đoàn chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài lớn trong tỉnh. Theo đó, chất thải chăn nuôi được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ giúp mang lại giá trị kinh tế cao.
 
 
Huyện Vĩnh Cửu lại đẩy mạnh chương trình vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng men vi sinh làm thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt và rác thải trong sản xuất nông nghiệp với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản chủ lực, thế mạnh của địa phương. Bà Bùi Thị Thủy - nông dân tại thị trấn Vĩnh An đã ứng dụng công nghệ sinh học tự ủ phân bón hữu cơ và sử dụng men vi sinh để tạo ra những chế phẩm sinh học diệt sâu bọ. Phương pháp này giúp tận dụng hết mọi chất thải trong nông nghiệp (phân chuồng, rác hữu cơ) để làm thành phân bón cho cây trồng nên chi phí rất thấp.
 
 
Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cũng đã hợp tác với một nhóm PGS, TS của Trường đại học Quốc tế TP.HCM thực hiện các đề tài nghiên cứu chế biến các loại thực phẩm, nước uống có giá trị kinh tế cao từ các phế phẩm của trái ca cao. Dòng sản phẩm mới đang được đầu tư gồm: Sản xuất bánh cookie và mì ăn liền không chiên bổ sung bột vỏ quả ca cao; quy trình sản xuất xúc xích chay và pectin từ bột quả ca cao; quy trình sản xuất nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao… Điểm nổi bật là sử dụng những nguyên liệu vốn là chất phế thải từ vỏ, thịt của quả ca cao để chế biến ra những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Dòng sản phẩm độc đáo nhất phải kể đến là đặc sản rượu vang ca cao được ủ từ thịt của quả ca cao mà trước đó thường bị đổ bỏ trong quá trình sản xuất.
 
 
Tại Sóc Trăng, với trên 350.000 ha trồng lúa, trung bình hàng năm sản lượng lúa toàn tỉnh đạt khoảng 2 triệu tấn, thải bỏ ra môi trường gần 1,5 triệu tấn rơm rạ, chưa kể đến các loại phụ phẩm khác (thân, lõi ngô, vỏ trấu...). Thông qua thực hiện dự án “Tận dụng phế phẩm nông nghiệp (cùi bắp, rơm rạ) để phát triển nghề trồng nấm bào ngư (Pleurotus sp.)” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025, Công ty TNHH MTV Thiên Vạn Tường đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm bào ngư từ nguồn phế phẩm nông nghiệp (cùi bắp, rơm rạ), đồng thời ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nấm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân (đặc biệt là hộ nghèo, đồng bào Khmer) trong tỉnh.
 
 
Dự án đã xây dựng mô hình sản xuất nấm bào ngư bằng rơm rạ, lõi ngô tập trung tại Công ty (quy mô 90 tấn nấm/năm) và 30 mô hình nuôi trồng nấm phân tán cấp nông hộ (quy mô 2,5 tấn/mô hình/năm); chuyển giao và tiếp nhận công nghệ chế biến các sản phẩm từ nấm bào ngư như: Bào ngư đóng hộp, bào ngư đóng túi, bào ngư muối chua… Công ty hỗ trợ thu mua, sơ chế nấm đã giúp bà con hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. Dự án còn tạo việc làm cho hơn 300 lao động nông thôn thường xuyên và thời vụ, đồng thời cung cấp cho thị trường sản phẩm nấm sạch, có hàm lượng dinh dưỡng cao.
 
 
Thời gian tới, để sử dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp hữu ích, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu mô hình tận dụng phế phẩm nông nghiệp hiệu quả và hướng dẫn nông dân áp dụng. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, nhất là tại các địa phương có diện tích trồng trọt và quy mô chăn nuôi lớn. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình sơ chế, chế biến công nghệ để tái sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Trịnh Tuấn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn