Một ông nông dân ở Bà Rịa nuôi gì không nuôi đi nuôi ruồi lấy trứng, tưởng dở dở mà có kết quả bất ngờ
Nuôi ấu trùng ruồi lính đen vừa làm sạch môi trường chăn nuôi, vừa là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình đang được ông Lê Minh Hiền (Ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhân rộng.
|
Anh Nguyễn Văn Hiền kiểm tra ấu trùng ruồi lính đen |
Ông Hiền cho biết: "Năm 2018, tình cờ xem tin tức trên tivi, tôi biết tới mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và chi phí đầu tư thấp. Tham khảo thêm thông tin, tôi tìm xuống trang trại ở Vĩnh Long mua 2 lạng trứng ruồi lính đen với giá 6 triệu đồng".
Mang trứng ruồi lính đen về được 3 ngày là nở ra ấu trùng. Ông mang ấu trùng bỏ vào khoang và nuôi bằng vi sinh tự pha chế và bã đậu. 10 ngày sau, ông đã có ấu trùng làm thức ăn cho gà, vịt. Khoảng 20-25 ngày tuổi, ấu trùng đen dần, chuyển thành nhộng đen và đóng kén. "Lúc này ấu trùng hóa thành những con sâu đen và tôi ngưng cho ăn. Khoảng thời gian tầm 1 tuần tiếp theo nó sẽ thành ruồi và đẻ trứng" - ông Hiền chia sẻ.
Mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen đã giúp ông Hiền hoàn toàn tự chủ nguồn thức ăn đầu vào, không gây ô nhiễm chuồng trại, bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây dịch bệnh. Đến nay, ông có 11 khoang nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Thức ăn cho ấu trùng là mật rỉ đường, bã đậu được ông mua từ công ty có uy tín, bảo đảm chất lượng. "Chính vì hàm lượng chất dinh dưỡng cao, gà, vịt ăn ấu trùng mau lớn và sức đề kháng cao nên gà, vịt của gia đình tôi nhanh lớn, khỏe mạnh, giảm thiểu dịch bệnh và chất lượng thịt bảo đảm. Đặc biệt, mô hình này đã giúp tôi giảm chi phí trước tình hình giá cả thức ăn công nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua" - ông Hiền kể.
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước cho biết, mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn là mô hình sử dụng kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp, tăng thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình, nhằm thay thế thức ăn công nghiệp, giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi, bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm.