|
Nguồn nước nhiễm Asen gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người |
Cuộc sống người dân tại nhiều xã ở huyện Ba Vì, Hà Nội cũng đang rất khó khăn do chưa được tiếp cận nước sạch. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Dần cho biết: Người dân phải sử dụng nguồn nước dưới đất, nước ngầm, nước mưa, nước từ khe núi chưa qua xử lý. Toàn huyện đạt 35% dân số được tiếp cận nước sạch. Đặc biệt, xã đảo Minh Châu hiện đang mỏi mắt mong nước sạch, do nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng. Công ty CP Ao Vua (chủ đầu tư dự án xây hệ thống cấp nước sạch nông thôn huyện Ba Vì) cùng Sở KH&CN vừa thử mẫu nước tại 2 điểm ở xã cho thấy: Nồng độ Asen gấp gần 11 lần giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn Bộ Y tế, tiêu chuẩn về độ đục và độ Clo cũng cao gấp nhiều lần so với kết quả thử nghiệm.
Trung tâm y tế dự phòng (Sở Y tế Đắk Nông) vừa báo cáo tình trạng nguồn nước sinh hoạt tại xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) có hàm lượng chất arsen vượt ngưỡng giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT).
Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh phát hiện bị ô nhiễm chất arsenic. Tại Việt Nam, ô nhiễm arsenic trước đây đã được phát hiện ở những địa phương dọc lưu vực sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Còn tại Tây Nguyên, đã có phát hiện tại một số huyện ở tỉnh Lâm Đồng.
Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Nông lấy mẫu nước tại công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Đức Xuyên đã qua xử lý, và một số giếng đào, giếng khoan của người dân ở độ sâu từ 5 đến trên 50 mét. Kết quả cho thấy, chỉ tiêu arsen vượt từ 2 - 7 lần, cá biệt có mẫu vượt tới 20 lần.
Ngay sau khi có kết quả, ngành y tế Đắk Nông đã tổ chức một đợt khám sức khỏe miễn phí cho hơn 400 người dân xã Đức Xuyên. Đoàn đã lấy 350 mẫu nước tiểu của người dân gửi đi xét nghiệm. Kết quả 35 mẫu đầu tiên cho thấy có tới 32 mẫu có hàm lượng arsen vượt ngưỡng an toàn cho phép, trong đó cao nhất gần 8 lần. Về kết quả lâm sàng, đến nay chưa có biểu hiện rõ rệt của tình trạng bệnh lý do nhiễm arsen cấp và mãn tính gây nên.
Việc thiếu nước sạch luôn là mối lo của gia đình cô Lan ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Từ nhiều năm nay. Ở nhà, cô dùng nước mưa cho việc ăn uống, nhưng vào mùa khô phải chuyển hết sang dùng nước giếng khoan. Nước có mùi tanh, ánh vàng, khiến gia đình cô rất e sợ nhưng không còn cách nào khác.
Đó cũng là tình cảnh chung của người dân trong xã, ở trường mầm non nơi cô công tác. Các cô nuôi dùng nước mưa để nấu nướng cho các cháu, nước sạch trung tâm của xã, nước giếng khoan qua lọc cát thô sơ để nấu nướng, rửa bát đũa xoong nồi cho các cháu, các hộ dân thì dùng nước giếng khoan cho tắm giặt, nuôi trồng. Ai cũng thấy rõ nước "có vấn đề" nhưng những hộ dân ven sông Nhuệ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam này cũng chẳng còn cách nào khác.
Tương tự, ở cách đó vài chục cây số, tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, người dân cũng đối mặt tình trạng không có nước sạch. Ông Vũ Đức Vinh - Phó chủ tịch UBND xã Hồng Thái, cho biết, hiện tại, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương bị phụ thuộc vào nguồn nước mưa, vốn rất bấp bênh vào mùa khô.
Tuy đã có các quy hoạch về cấp nước sạch cho địa phương nhưng thời điểm tiến hành chưa được ấn định, việc đưa nước sạch về đến xã Hồng Thái vẫn chưa khả thi trong tương lai gần.
Nước có mùi hay có váng chỉ là cảm quan ban đầu, không nhiều người dân biết rằng nguồn nước ngầm ở nhiều nơi như Hà Nam hay Hà Tây đều bị nhiễm Asen (As). Đại học Công nghệ Sydney (UTS - Australia) phối hợp với Viện Công nghệ môi trường (IET), Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành 2 cuộc khảo sát chất lượng nguồn nước một số hộ dân xã Hoàng Tây vào tháng 6 và tháng 9.2017. Kết quả khảo sát cho thấy, hàm lượng As trong mẫu nước ngầm vào tháng 9 mùa mưa, dao động từ 0,029–0,189 mg/l, vào tháng 6 mùa khô lên tới 0,31–0,4mg/l. Chất lượng nước sau khi lọc qua bể lọc cát tại địa phương đo vào tháng 6, tháng 9 đều có hàm lượng As lần lượt là 0.143–0.233 mg/l và 0,013–0,129 mg/l, cao hơn so với giới hạn tối đa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (0,01mg/l), QCVN01:2009/BYT).
Ở đồng bằng sông Hồng, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu của Thuỵ Sỹ kết hợp với Đại học Khoa học tự nhiên xuất bản năm 2011, khoảng 1 triệu người phải dùng nước nhiễm Asen (cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới 0,01mg/l), từ ăn uống đến tắm giặt, vệ sinh. Để khắc phục tình trạng nước bẩn, nhiều người dân ở xã Hồng Thái hay xã Hoàng Tây phải mua nước đóng bình để uống. Một số gia đình cũng mua máy lọc qua một số người tiếp thị về tận địa phương, nhưng tất cả đều không rõ về chất lượng nước đóng bình hay máy lọc ra sao. Quảng cáo máy lọc được tung ra ở khắp nơi, chúng khiến người dân như bị lạc vào một ma trận với những quảng bá về tác dụng thần kỳ, song nhiều nhà khoa học cho rằng các quảng cáo máy lọc đã được thổi phồng lên chỉ hoàn toàn với mục đích thương mại.
Một dự án xử lý Asen trong nước ngầm cho nông thôn Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Hồng nói riêng đang được nghiên cứu và thử nghiệm bởi Đại học Công nghệ Sydney, Viện Công nghệ Môi trường và Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS) - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dự án do Bộ Ngoại giao Australia và Google tài trợ kinh phí. "Chúng tôi cho rằng cần vật liệu lọc asen sản xuất được ở địa phương với giá thành rẻ và được ứng dụng trong thiết bị lọc có vận hành và bảo dưỡng đơn giản, phù hợp với điều kiện nông thôn ở Việt Nam" - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Vinh – giảng viên cao cấp của UTS, 1 trong 2 người đứng đầu dự án, cho biết.
Từ 30 vật liệu lọc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học Việt Nam và Australia đã chọn ra 3 vật liệu tiềm năng nhất trên cơ sở hiệu quả xử lý arsen và giá thành, để thử nghiệm thực tế tại xã Hoàng Tây ở Hà Nam và xã Hồng Thái ở Hà Tây.
Kết quả thử nghiệm trong những tháng qua rất khả quan. Dự án đã lắp đặt hai hệ thống lọc nước giếng khoan thử nghiệm gia đình tại nhà cô giáo Lan và một hộ gia đình nữa ở Hoàng Tây vào cuối tháng 5.2018. Suốt mấy tháng sử dụng thử cho tới nay, nước từ hệ lọc đi ra trong vắt, không còn mùi tanh.
Ở trường mầm non Hoàng Tây nơi cô Lan công tác, một hệ thống lọc cũng đã được lắp đặt từ cuối tháng 4.2018 phục vụ cung cấp nước sạch cho 439 cháu bé. Kết quả thử nghiệm của hệ lọc tại trường mầm non Hoàng Tây và hộ dân lần lượt sau 2 tháng và 1 tháng sử dụng cho thấy, hàm lượng As trong nước đi qua hệ thống lọc dao động lần lượt từ 0.002–0.005 mg/l và 0.001–0.004 mg/l, thấp hơn hơn so với giới hạn tối đa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (0,01mg/l, QCVN01:2009/BYT). Chính quyền địa phương và ban giám hiệu nhà trường cùng các vị phụ huynh rất phấn khởi khi các cháu bước vào năm học mới có nguồn nước sạch, an toàn.
Thăm quan khảo sát công trình thử nghiệm hệ thống lọc nước giếng khoan tại trường mầm non Hoàng Tây và 2 hộ dân đã được lắp đặt và đi vào hoạt động, ông Trương Văn Khương - Phó Chủ tịch xã Hoàng Tây cho biết: "Những công trình thử nghiệm này là tiền đề để triển khai và nhân rộng hệ lọc nước giếng khoan bằng công nghệ hấp phụ cho những hộ dân nghèo chưa được tiếp cận nguồn nước sạch trong thời gian tới. Công trình có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với đời sống của bà con nông dân tại đây. Ngoài ra, công trình còn giúp cho phía ban lãnh đạo xã giải quyết được một phần tồn tại trong hướng xây dựng nông thôn mới với các tiêu chuẩn về nước sạch”.
Dự án cũng đã lắp đặt hệ thống lọc cho 3 trường mầm non xã Hồng Thái, Hà Tây, và sau nhiều tháng thử nghiệm, hệ thống đã cung cấp nguồn nước an toàn cho các bé học sinh ở trường. Nửa đầu tháng 10, dự án đang tiếp tục lắp đặt miễn phí các hệ lọc thử nghiệm gia đình cho khoảng 20 hộ dân ở mỗi địa bàn thực hiện dự án.
"Chúng tôi mong muốn chế tạo ra được thiết bị lọc phù hợp với điều kiện Việt Nam để người dân sử dụng loại bỏ arsen khỏi nước, giảm tác động xấu của arsen đến sức khoẻ người dân" - Giáo sư cao cấp Vigneswaran từ trường UTS, lãnh đạo dự án, cho biết. Ngoài hiệu quả, giá thành của thiết bị lọc cũng sẽ rất hợp lý, phù hợp với người dân nông thôn Việt Nam. Sau khi thử nghiệm ở Hà Nam và Hà Tây, dự án sẽ chuyển giao công nghệ cho một công ty của Việt Nam để sản xuất các thiết bị lọc xử lý arsen phục vụ nhu cầu người dân. Công ty có cam kết sẽ bán thiết bị với giá hợp lý, vì thông tin, kết quả nghiên cứu vật liệu và thiết kế sẽ được UTS và IET chuyển giao miễn phí cho công ty.
Trung tâm Tư vấn và chuyển giao công nghệ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã nhận đứng ra theo dõi các hệ thống tặng dân 2 xã trong 1 năm và giới thiệu về hệ thống này cho các địa phương khác.
"Với những hiệu quả đã có được từ dự án, hy vọng sẽ có nhiều người biết đến và sự dụng thiết bị lọc này để đảm bảo sức khoẻ" - Giáo sư Vigneswaran nhấn mạnh. Ông nói thêm, UTS và đối tác Việt Nam đồng thời sẽ tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ từ Việt Nam và quốc tế để có thể có giúp đỡ phổ biến thiết bị cho các vùng bị ảnh hưởng.