|
Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 tấn rác thải sinh hoạt (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn là khoảng 300-400 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng rác thải được xử lý tại khu vực này mới đạt khoảng 60% so với lượng phát sinh (thấp hơn từ 20-30% so với khu vực thành thị).
Khoảng 10 năm nay, người dân của xóm Hưng Thịnh, xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên phải sống chung với mùi hôi thối của rác thải ở xung quanh khu công nghiệp Trung Thành. Tình trạng túi nilon, chai lọ, thực phẩm thừa, xác chết động vật....vứt bừa bãi khắp nơi.
Rác thải vứt bừa bãi cũng gây ô nhiễm tuyến kênh thủy lợi N1219 chảy qua KCN. Nước cạn, rác thải sinh hoạt, xác động vật chết do người dân ở các phường xã của thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên phóng uế bừa bãi xuống kênh bốc mùi ô nhiễm. Nước đầy, rác trôi thẳng về xã Trung Thành và xả tuột ra khu công nghiệp. Khi nhà quản lí chỉ đạo bít cống để chống rác bẩn lao vào khu công nghiệp thì rác thối lại theo dòng chảy vòng quanh khu dân cư của xã nông thôn mới. Trên kênh, mặt nước luôn trong tình trạng đen đặc, sủi tăm, bọt, bốc mùi thối. Người dân đã kiến nghị rất nhiều lần lên các cấp chính quyền, ngành chức năng, cơ quan chủ quản của khu công nghiệp nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa thuyên giảm khiến bà con vô cùng bức xúc.
Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 300 tấn bao bì được thải ra. Trong đó, một phần được gom vào các bể chứa tại các cánh đồng, nương chè, còn lại phần lớn là xả ngay ra ruộng hoặc sông, suối, thậm chí là vứt xuống các kênh mương dẫn nước cấp cho mục đích sinh hoạt như sông Công, kênh Núi Cốc, kênh Đào Phú Bình... Việc làm này gây tác hại xấu cho môi trường, rất nhiều vỏ thuốc tồn dư lâu năm, vùi xuống lòng đất, không phân hủy được, ngấm vào mạch nước ngầm, khiến môi trường đất và nước, không khí bị ô nhiễm.
Đối với những nơi có bể, một số người dân sau khi pha thuốc vứt vỏ ngay cạnh bể hoặc vứt lẫn cả rác thải sinh hoạt vào bể. Vô hình chung, bể chứa bao bì thuốc thành nơi chứa rác của người dân. Thu gom buông lỏng, việc xử lý bao bì thuốc hiện cũng đang bị bỏ ngỏ. Chất thải sau khi thu gom được người dân đốt tại chỗ hoặc chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt tại các bãi rác ở địa phương.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số địa phương vẫn còn. Điển hình như dọc dòng sông Dong tại 3 xã phía Nam của huyện Võ Nhai, gồm: Tràng Xá, Dân Tiến và Bình Long, rác thải trong các bao tải, túi nilon vứt ngổn ngang, trôi nổi khắp mặt sông khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Những hôm trời mưa, nước sông dâng cao thì rác trôi đi, còn mực nước thấp rác ứ đọng bốc mùi hôi thối. Trong khi đó, địa phương không có dịch vụ thu gom rác thải nên tình trạng người dân vứt rác xuống sông Dong diễn ra phổ biến. Dù cán bộ xóm đã tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, nhưng tình trạng đó chưa được cải thiện.
Tại trang trại nuôi lợn của ông Trần Xuân Phong, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân ở khu dân cư số 4, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên gần như bị đảo lộn.
Bà con quanh trang trại cho biết, trang trại xả thải trực tiếp ra sông Công không chỉ khiến cá tôm bị chết mà ngay nước ở trong ao cũng không thể dùng làm nước tưới được vì luôn trong tình trạng đặc quánh, đen xì do phân lợn tràn vào. Ruộng vườn cũng không thể trồng cấy do ngập úng nước phân.
Cũng tại xóm Soi Vàng, trang trại nuôi lợn của gia đình ông Ngô Văn Ban có quy mô chăn nuôi 1.000 – 1.500 con lợn nái và khoảng 10.000 con lợn thịt/lứa hiện chất thải, nước thải cũng đang xả trực tiếp ra sông Công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhằm hạn chế những tác động tới môi trường nông thôn, gia tăng trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đã triển khai kế hoạch, chương trình hành động, trong đó chú trọng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, địa phương để thực hiện tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong triển khai xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới…
Nhiều mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường nông thôn đã được hình thành, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Đáng chú ý là các mô hình: Quản lý thí điểm chất thải bỏ chứa hóa chất bảo vệ thực vật một số xã chuyên canh chè, lúa và rau trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do Sở Tài Nguyên và Môi trường triển khai; thu gom, phân loại rác thải và xử lý rác thải nông thôn do Hội ND tỉnh triển khai tại phường Bách Quang (T.P Sông Công); sản xuất phân hữu cơ vi sinh đa chủng từ phế thải nông nghiệp quy mô hộ gia đình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường; bếp đun cải tiến ĐK/lò sao chè cải tiến… Từ đây góp phần thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong công tác bảo vệ môi trường.