|
Người dân phải sống trong tình cảnh ô nhiễm nặng vì điểm tập kết rác ứ đọng (Ảnh minh họa) |
Hàng trăm hộ dân ở gần khu vực bãi chôn lấp rác thải tại xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) hiện đang sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bị ảnh hưởng nặng nhất là người dân xóm An Huy, ở đây môi trường ô nhiễm nặng, nguồn nước sinh hoạt, không khí đều bị ô nhiễm. Ruộng vườn, đất đai cũng không sản xuất được.
Nhiều năm qua, người dân thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ phải sống chung với ô nhiễm từ bãi rác thải tập trung. Nguồn nước rỉ từ rác thải tràn ra sông, suối khiến cá không còn, ruộng lúa thì không sinh trưởng. Người dân ở khu vực này rất bức xúc vì hằng ngày, hằng giờ hứng chịu tình trạng này.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, những bãi rác mới với hệ thống nước rò rỉ chưa được xử lý triệt để đã gây ô nhiễm. Qua khảo sát, lấy mẫu nước phân tích thì hàm lượng Coliform trong nước ngầm khu vực gần bãi rác vượt gấp hàng trăm lần quy định cho phép.
Tại thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, người dân phải sống trong tình cảnh ô nhiễm nặng vì điểm tập kết rác của xã ứ đọng, bốc mùi hôi thối, rác thải tràn ngập ra đường đi. Mỗi khi gặp mưa lớn, rác thải trôi theo dòng kênh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần 150 hộ dân ở khu dân cư Hải Hòa.
Không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, sức khỏe của người dân, mà khi gặp mưa lớn, nước dâng lên, những túi rác theo dòng nước chảy ra kênh, trôi ra biển, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh bắt thủy sản của gần 150 hộ dân ở khu dân cư Hải Hòa, thôn Thanh Thủy. Rác chảy theo dòng kênh, thủy triều lên xuống thì rác bị cuốn ra biển, nên những ngư dân đánh bắt cá bãi ngang ở khu dân cư này đều phải gánh chịu cả.
Môi trường ven biển của tỉnh cũng bị ô nhiễm, tác động tiêu cực đến việc nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn mỗi ngày lượng rác tồn đọng khá lớn, nhất là khu vực chợ và bờ kè thôn Định Tân. Dân cư đông đúc, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày nhiều, cộng với việc một số người dân đụng đâu vứt đó, nên rác thải tràn lan. Mỗi khi thủy triều lên là rác ngoài biển tấp vào bờ, gây mùi hôi. Theo chính quyền xã Bình Châu, ô nhiễm môi trường biển hiện nay chính là hệ lụy của tình trạng nuôi tôm và khai thác rong mơ ồ ạt, cộng với một bộ phận người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường.
Còn tại vùng biển xã Đức Phong (huyện Mộ Đức), người dân cũng thấp thỏm âu lo trước tình trạng chủ hồ tôm lấy nước từ biển và nước ngọt từ các giếng khoan ven bờ để nuôi tôm. Thế nhưng, hầu hết các chủ hồ tôm đều không có hệ thống xử lý nước thải, nên nước thải trong quá trình nuôi và sau khi vệ sinh hồ tôm được xả trực tiếp ra biển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, mà còn tác động tiêu cực đến việc nuôi tôm.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho biết: Cùng với rác thải sinh hoạt, việc xả trực tiếp nguồn chất thải và nước thải trong nuôi trồng và chế biến thủy sản là nguyên nhân chính khiến môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hiện tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi được 5 dự án về lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt, tất cả các dự án này đều có quy trình: Phân loại, tái chế, làm phân compost và đốt nhằm tận dụng được nguồn nguyên liệu từ phế thải, giảm thể tích chôn lấp và hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong đó có 3 nhà máy đã đi vào hoạt động gồm Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện đảo Lý Sơn của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đa Lộc; Nhà máy xử lý chất thải Bình Nguyên của Công ty CP Cơ-Điện-Môi trường Lilama; Nhà máy xử lý rác sinh hoạt huyện Đức Phổ của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD.
Đồng thời, 1 dự án đang triển khai là Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nghĩa Kỳ của Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc, 1 dự án đang tiến hành thực hiện các bước đầu tư là dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Đồng Nà của Công ty CP Môi trường Xanh Quảng Ngãi.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường biển, cũng là “cứu” ngành nuôi trồng thủy sản nước lợ, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường vai trò quản lý trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản; nâng cao năng lực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định.