Với chủ trương nâng cao thu nhập của người nông dân, quan tâm đến sức khỏe con người và môi trường, mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái đã khẳng định hiệu quả, tăng giá trị sản xuất bền vững.
|
Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang thăm đồng ruộng CNST của gia đình ông Thiệt ở xã Phú Xuân |
An Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn nhất ở ĐBSCL, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng chương trình công nghệ sinh thái (CNST) kết hợp “1 phải 5 giảm” nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo không có tồn dư hóa chất, thuốc BVTV, nâng cao chất lượng và giá trị lúa hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu là rất cần thiết.
CNST được Chi cục BVTV An Giang triển khai ứng dụng từ vụ HT 2010, qua 9 vụ phát động thi đua đã có 182 mô hình tập thể, cá nhân đăng ký với 789 nông dân tham gia và ứng dụng trên diện tích 1242,6ha. Riêng năm 2016 có 70 mô hình, 194 nông dân tham gia và diện tích ứng dụng trên 344ha. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 234 mô hình (tăng gấp 4,5 lần so với thời điểm trước khi phát động thi đua) và tổng diện tích ứng dụng là 2.712,9ha.
Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, nhưng năm qua, Chi cục đẩy mạnh việc nhân rộng ứng dụng CNST trong canh tác lúa, giúp nông dân giảm thuốc trừ sâu và bảo vệ môi trường. Kết quả đánh giá các mô hình tham gia CNST, trồng hoa trên bờ đê ruộng từ 200 - 1.600m, chủ yếu các loại hoa dẫn dụ thiên địch có lợi như sao nhái, hướng dương, cúc ngũ sắc, cúc tím, móng tay, màu gà, sục sạc, trăm ổi, xuyến chi, dừa cạn, muông tím, vòi voi, mười giờ, vạn thọ...
Hầu hết các mô hình đều chọn phương pháp trồng hạt trực tiếp, thời điểm trồng từ trước và sau khi sạ lúa 15 ngày. Thời điểm hoa trổ của các mô hình biến động từ giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trổ và duy trì đến khi thu hoạch lúa.
Điển hình là hộ nông dân Đỗ Văn Thiệt ở ấp Phú Hạ, xã Phú Xuân, huyện Phú Tân đã đạt hiệu quả kép trong sản xuất lúa nếp. Mô hình CNST đã phát huy tối đa khả năng giảm giống, sâu bệnh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thử nghiệm với diện tích 1ha, ông Thiệt chọn giống lúa nếp xác nhận với đặc tính là giống chất lượng cao, có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng, độ thuần đạt từ khoảng 98 - 99%, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt cho năng suất rất cao từ 7 - 8 tấn/ha.
Ông Thiệt cho biết, diện tích canh tác 1ha nếp CK92 từ khi áp dụng mô hình CNST kết hợp với “1 phải, 5 giảm” tiến hành trồng hoa dọc theo bờ ruộng mang lại hiệu quả rất cao, ruộng lúa thu hút nhiều loại thiên địch có lợi tấn công thiên địch có hại, vì vậy giảm chi phí đầu tư và công chăm sóc cũng như sử dụng lao động để phun xịt nhiều lần.
“Mô hình giúp cho tôi tiết kiệm chi phí từ 1 - 1,5 triệu đồng/ha/vụ, an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường và tăng mức lợi nhuận. Từ hiệu quả trên mà năng suất lúa dao động từ 1 - 1,3 tấn/công vụ ĐX, 1 - 1,1 tấn/công vụ HT và 800 - 900kg/công vụ TĐ. Riêng đối với vụ ĐX năng suất 1,3 tấn/công và bán với giá 6.750 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi hơn 30 triệu đồng/ha”, ông Thiệt bộc bạch.
Hướng tới nền sản xuất lúa sạch, chất lượng hạt gạo tốt và bền vững với môi trường, ông Thiệt sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình CNST kết hợp “1 phải, 5 giảm” trên diện tích 10ha còn lại của gia đình ông. Bằng những nỗ lực và niềm đam mê đồng ruộng, ông Thiệt đã xuất sắc giành về cho giải Nhì nông dân tham gia ứng dụng CNST năm 2015 và giải Nhất trong năm 2016. |