Kỳ tích khai phá "rốn phèn" miền Tây
18:12 - 28/07/2016
TGLX được xem là “rốn phèn” khổng lồ ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, lãnh đạo và nhân dân lúc bấy giờ đã cải tạo nơi đây thành cánh đồng sản xuất lúa đầu tiên của cả nước.

LTS: Từ vùng đất hoang hóa, Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đã nhanh chóng trở thành nơi cung cấp sản lượng lương thực lớn cho cả nước. Sau gần 30 năm “lột xác”, vùng TGLX đã gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, phát triển manh mún… Trước thực tế này, Chính phủ đã có chỉ đạo triển khai “Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng TGLX” để làm hồi sinh lại “rốn phèn” miền Tây.

Tìm chủ cho đất hoang

Lễ khởi công nạo vét kinh ấp Chiến lược Núi Chóc xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) năm 1988. Ảnh: Tư liệu

Khai hoang thành công vùng TGLX nói chung và An Giang nói riêng là do ý Đảng, lòng dân được cộng hưởng và tạo nên sức mạnh tổng hợp. Một vùng đất mênh mông đỏ phèn trở thành cánh đồng lúa xanh tốt thì còn gì vui hơn”.

Ông Nguyễn Minh Nhị  – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang 

 

 

“Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước từng khuyên  chọc vào rốn phèn như chọc tổ ong vò vẽ bởi TGLX không những nhiễm phèn nặng mà còn là vùng trũng, khó rửa trôi nhất cả nước” – ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kể lại.

Theo ông Bảy Nhị, cũng do đất nhiễm phèn nên phần lớn diện tích đất vùng TGLX trước đây là hoang hóa, chỉ có thể trồng tràm. Khoảng 28 năm về trước (năm 1988),  khi nhận nhiệm vụ Trưởng Ban chỉ đạo chương trình khai thác TGLX, ông đã đi sang Đồng Tháp Mười để học hỏi kinh nghiệm “Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười” (triển khai trước đó 1 năm).
 

Để  khai thác nhanh vùng đất này, Tỉnh ủy An Giang chủ trương nhanh chóng giải quyết đất đai cho người dân. “Theo Quyết định 303 của UBND tỉnh, vùng đất hoang sẽ lấy cấp cho mỗi hộ là 3ha. Những người nghèo được cấp đất có quyền “chia bớt” đất để tạo vốn ban đầu hoặc cho mượn để người có vốn khai phá” – ông Bảy Nhị kể lại.

Đối với những khu vực đất có chủ nhưng không sản xuất, chính quyền địa phương sẽ đến tìm hiểu, nếu người chủ này có kế hoạch làm thì phải triển khai làm ngay, nếu không thì phải tự tìm người sang bán hoặc thỏa thuận cho mượn để sản xuất. Nếu vẫn không thoả thuận được thì giao cho chính quyền cấp cho người có khả năng khai thác. Vì vậy, thời gian này, hộ nào cũng có đất để sản xuất.
 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc vận động khai hoang, nhưng chính quyền địa phương rất quyết liệt. Ông Bảy Nhị nhớ lại: “Lúc đó là một khí thế chưa từng có”. Theo tìm hiểu của phóng viên, để người dân có thêm động lực sản xuất, ông Bảy Nhị -lúc đó làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang đã mạnh dạn cho “thí điểm” mô hình cử cán bộ đại học về xã để hỗ trợ người dân. Đồng thời, cử cán bộ nông nghiệp đi ra ngoài tỉnh huy động máy cày, máy trục làm đường, máy ủi đất về cải tạo mặt bằng ruộng.

Vùng TGLX (ô đậm). Ảnh: Vikipedia

 

 Vùng TGLX nằm tiếp giáp biển Tây và biên giới Campuchia có tổng diện tích khoảng 498.000ha, là vùng sản xuất lương thực quan trọng của cả nước. Trong đó, An Giang chiếm 239.200ha (47,43%), còn lại là Kiên Giang (238.057ha) và TP.Cần Thơ (15.000ha).  

 

 

Theo ngành chức năng các địa phương, thời kỳ đầu khai hoang có sự đóng góp công sức của nhiều cán bộ xuất thân nông dân đánh giặc và những cán bộ mới từ sau giải phóng, thầy cô giáo... “Nhiều cán bộ hỗ trợ lắm. Họ khắc phục khó khăn, biến “rốn phèn” hoang hóa trên 100.000ha của An Giang trở thành vùng đất có phù sa, giàu tiềm năng” – ông Bảy Nhị trầm ngâm nhớ lại.
 

Cánh đồng lúa cao sản nảy mầm

Bí quyết rửa “rốn phèn” của chính quyền địa phương tỉnh An Giang xác định việc làm đầu tiên là khâu thủy lợi. Tỉnh này quyết định chuyển nước ngọt từ sông Hậu và kênh Vĩnh Tế (chứa lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về) bằng cách đào các con kênh cấp 2, cấp 3 (kênh xương cá), rồi từ các kênh cấp 3 xẻ thêm các kênh nhỏ len lỏi vào nội đồng.
 

Nói về thủy  lợi của vùng TGLX thời kỳ khai hoang, GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ,  chỉ vào bản đồ và khẳng định: “Tôi đã từng cùng nhiều đoàn lãnh đạo đến khảo sát vùng này tìm cách cải tạo nông nghiệp. Có thể nói, nếu không  đào các con kênh cấp 2, cấp 3 này lấy nước từ sông Hậu và kênh Vĩnh Tế thì không thể rửa phèn được. Đây là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL có quyết định táo bạo và đã mang lại thành công, giúp vùng TGLX rửa phèn, rừng tràm bạt ngàn sau đó thay dần bằng những ruộng lúa cao sản xanh tốt”.
 

Cũng theo GS  Xuân, nhờ nguồn nước ngọt, từ sản xuất lúa 1 vụ trong năm, tỉnh An Giang sản xuất được 2 vụ. “Để lấy nước từ sông lên ruộng lúa, lúc này người dân ở đây chế ra máy bơm nước từ máy chạy ghe, rồi lập thành từng tổ mà người dân lúc này gọi nôm na là “Tổ đường nước”. Tổ này hoạt động rất đồng lòng, do một người có điều kiện kha khá mua máy bơm, bơm nước hàng loạt vào cả cánh đồng những thời điểm cần thiết. Sau khi thu hoạch, mới thu tiền bơm” – GS Xuân nói.
 

Theo Sở NNPTNT An Giang và Kiên Giang, loại lúa giống được ngành nông nghiệp chọn cho người dân sản xuất là IR 50404, mặc dù bạc bụng nhưng có ưu điểm, phù hợp trong thời điểm này là chịu phèn lại ngắn ngày, ít sâu bệnh. Chưa dừng lại ở đó, để người dân không đơn độc trong sản xuất và “tự bơi”, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã tăng cường công tác khuyến nông, tổ chức nhiều buổi gặp gỡ nông dân hướng kỹ thuật làm đất, bón phân...
 

An Giang cũng là tỉnh đầu tiên và đi đầu trong công tác khuyến  nông. Đến 1993 mới có nghị định của Chính phủ về việc thành lập hệ thống khuyến nông, nhưng từ năm 1988 An Giang đã dần hình thành bộ máy này. Sau khi mô hình làm lúa 2 vụ thành công, các huyện lân cận trên địa bàn An Giang và tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ bắt đầu làm theo, từng bước hình thành vùng sản xuất lớn, chuyên nghiệp với quy trình khép kín, hiệu quả cao. 


Huỳnh Xây
Nguồn: danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn