Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã áp dụng thành công việc giao diện tích rừng phòng hộ ven bờ hồ thủy điện Na Hang...
|
Chị Nguyễn Thị Bích ở thôn Nà Khuôn, xã Thượng Lâm chăm sóc vịt dưới tán rừng |
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã áp dụng thành công việc giao diện tích rừng phòng hộ ven bờ hồ thủy điện Na Hang cho 40 hộ dân bảo vệ hơn 4.100ha rừng lòng hồ kết hợp phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch.
Huyện Lâm Bình có diện tích rừng phòng hộ trên 39.750ha, trải rộng tại 8 xã, nhiều hộ dân sinh sống xen kẽ với đất rừng phòng hộ, trong khi lực lượng kiểm lâm rất mỏng, khó khăn trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Để giảm thiểu rừng bị tổn thương, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình đã tham mưu cho chính quyền địa phương giao diện tích rừng phòng hộ cho các hộ đồng bào dân tộc và cho phép các hộ được thụ hưởng nguồn lâm sản phụ và chăn thả gia súc, gia cầm tạo ra nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường.
Khi được nhận khoán, những hộ dân tại 3 xã Thượng Lâm, Khuân Hà và Phúc Yên rất phấn khởi, vừa tiến hành trồng bổ sung rừng phòng hộ nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, kết hợp với đầu tư chăn nuôi dưới tán rừng. Đồng thời tận dụng vùng bán ngập để trồng rau, bí… cải thiện sinh hoạt, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến thăm mô hình chăn nuôi vịt, dê, trâu bò và nuôi cá lồng của gia đình ông Đinh Văn Tường, xã Thượng Lâm được biết, ông xin giao khoán bảo vệ 121ha rừng, sau đó làm lán trại dưới tán rừng, vừa để bảo vệ rừng và phát triển chăn nuôi. Hiện gia đình ông Tường nuôi hơn 200 con vịt đẻ, hơn 100 con vịt trời, hơn 100 con gà mái đẻ, 30 con bò, 13 con trâu, 10 con lợn… Mỗi năm từ tiền bán vịt, trâu, bò đã mang lại cho gia đình ông cả trăm triệu đồng.
Ông Tường chia sẻ: “Nhà tôi đông nhân khẩu, ruộng ít, khi biết tin Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình có chủ trương giao rừng phòng hộ cho các hộ dân bảo vệ, kết hợp phát triển kinh tế khu vực lòng hồ thủy điện, tôi đã nộp đơn xin nhận khoán bảo vệ 121ha rừng ven lòng hồ để có đất rộng chăn nuôi. 2 năm nay đã có thu nhập tốt và kinh tế cũng khá hơn trước”.
Theo kinh nghiệm của ông Tường, chăn nuôi dưới tán rừng có rất nhiều ưu điểm so với chăn nuôi tại hộ gia đình là tận dụng thức ăn có sẵn từ rừng, không mất công đi chăn thả hàng ngày (vì gia súc toàn thả rông trong rừng), không mất tiền làm chuồng trại và không bị dịch bệnh. Đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi dưới tán rừng luôn sạch sẽ, bởi không dùng thức ăn chăn nuôi, nên rất dễ bán và luôn bán được giá cao.
|
Ông Đinh Văn Tường ở bản Khuổi Bốc, xã Thượng Lâm gây nuôi thử nghiệm vịt trời |
Đến thăm mô hình liên kết sản xuất vịt sạch dưới tán rừng do chị Hoàng Thị Hiền, dân tộc Dao, xã Thượng Lâm điều hành, với 8 hộ gia đình tham gia liên kết, nuôi hơn 4 nghìn con vịt sạch và nhận khoán bảo vệ 19ha rừng. Các hộ luân phiên lao động bằng cách, mỗi nhà chịu trách nhiệm đến trại nuôi vịt lao động một tuần, kế tiếp đến nhà khác. Lợi nhuận sau khi bán trứng được chia đều cho từng người.
Cách chăn thả vịt của liên kết theo phương thức chỉ cho vịt ăn cá tép lòng hồ trộn với cám ngô, cám gạo và cả thân cây chuối thu hoạch ở trên rừng (vì cá tép dầu đánh vó đèn rất rẻ, bán tại lòng hồ chỉ được 2.000 đồng/kg), để sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn sạch, nên từ trứng đến thịt vịt đã được các thương lái đặt mua trước.
Ông Quan Văn Thưởng, một thành viên của mô hình liên kết cho biết, nuôi vịt dưới tán rừng và tận dụng nguồn nước, thức ăn sạch và rất sẵn có từ vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, vịt nuôi rất mau lớn và thịt thơm ngon.
Không chỉ đạt được mục đích kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mà diện tích rừng sau khi giao khoán đã được các hộ dân bảo vệ và sử dụng đúng mục đích, đã chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy, góp phần duy trì tốt nguồn nước cho 2 nhà thủy điện Tuyên Quang và Chiêm Hóa, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Đệ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình cho biết: Việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân bảo vệ, kết hợp phát triển kinh tế đem lại rất nhiều lợi ích, diện tích rừng giao cho các hộ dân được bảo vệ chặt chẽ, không còn tình trạng phá, xâm hại rừng, môi trường sinh thái đảm bảo, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. |