Hưng Yên: Hiệu quả từ Nghị quyết về bảo vệ môi trường
11:40 - 30/09/2016
(MTNT) - Trước tình trạng môi trường nông thôn bị ô nhiễm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ra Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 21/3/2013 về tăng cường quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung cho trọng tâm là môi trường nông thôn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân tại địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những cánh đồng không còn vương vãi vỏ bao bì thuốc BVTV từ khi có mô hình chi Hội 3 không

 
Từ năm 2013, Ủy ban MTTQ tỉnh đã cho triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình. Bước đầu, được làm thí điểm ở xã Nhân Hòa- huyện Mỹ Hào với gần 200 hộ tham gia; các gia đình được hỗ trợ nắp đậy hố rác và chế phẩm vi sinh để xử lý rác. Kết quả, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy nhiều tín hiệu vui, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được nâng lên, môi trường nông thôn đã có những chuyển biến tích cực. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ thêm kinh phí để nhân rộng mô hình trên ra diện rộng.


 
Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình dần dần đi vào nề nếp. Người dân sinh sống tại các khu dân cư đã có ý thức tốt hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường, tích cực làm vệ sinh nơi công cộng, xây dựng cải tạo hệ thống cấp thoát nước, cải tạo các ao, hồ, trồng cây xanh. Lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn được tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý đạt 58%. Trong đó, đem xử lý tại các bãi chôn lấp của các thôn, xã khoảng 28.797 tấn/năm; xử lý tại khu xử lý chất thải Đại Đồng được 53.606 tấn; xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình được 4.965 tấn.


 
Bên cạnh đó, các địa phương trong toàn tỉnh cũng tiến hành củng cố lại và thành lập thêm các tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản tại các thôn, làng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện đã thành lập được 929 tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản với tổng số 4.669 thành viên. Tất cả các tổ đội vệ sinh môi trường đều được hỗ trợ xe chuyên chở rác thải cũng như phương tiện cần thiết để thu gom rác. Có 08 huyện đã được tỉnh hỗ trợ 09 xe ô tô chuyên dụng dùng để vận chuyển rác thải từ các điểm tập kết rác của các xã, thị trấn đến khu xử lý chất thải Đại Đồng đóng tại địa bàn huyện Văn Lâm để xử lý.


 
Nhằm duy trì hoạt động đều đặn của các tổ đội vệ sinh môi trường, đồng thời nâng cao được hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn, mức thu phí vệ sinh môi trường cũng đã được điều chỉnh tăng lên, tối đa là 10.000 đồng/khẩu/tháng (trước thu có 3.000 đồng). Riêng xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang) và xã Dị Sử (huyện Mỹ Hào) đã giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chịu trách nhiệm trong việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn. Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng rất quan tâm tới việc hỗ trợ các xã xây dựng thêm các bãi chôn lấp và điểm tập kết rác thải mới. Toàn tỉnh hiện có 338 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt ở các thôn, xã và 88 điểm tập kết rác thải.

 
Có thể nói, từ khi ban hành Nghị quyết đến nay, có rất nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường đã được các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trong toàn tỉnh tổ chức thực hiện. Trong số đó, mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt đã mang lại hiệu quả rõ nét nhất, thu hút được sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội.

 
Xác định được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi hội viên, nông dân trong việc bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng, hiệu quả và thiết thực.


 
Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành xây dựng được 08 mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi, chế biến; thành lập 14 tổ thu gom rác thải tại 8 cơ sở Hội. Đối với các xã thực hiện dự án “Hội Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn”, các thành viên trong Tổ thu gom rác thải đều được trang bị thêm dụng cụ và quần áo bảo hộ. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp xây dựng được 20 Tổ tự quản vệ sinh môi trường, với 60 thành viên tham gia đều là hội viên, nông dân; hỗ trợ cho 22 hội viên, nông dân xây dựng được 22 hầm Biogas và hầm rút nước thải trong các trang trại chăn nuôi.


 
Có được những kết quả như trên, Hội Nông dân tỉnh đã luôn xác định cần phải nêu cao vai trò cũng như trách nhiệm của mỗi hội viên, nông dân. Công tác tuyên truyền được chú trọng, các cấp Hội đã tổ chức được 45 lớp tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho 3.050 lượt cán bộ hội viên, nông dân tham dự. Hội cũng phối hợp với Khoa Môi trường- Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tập huấn ứng dụng kỹ thuật xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi trong trang trại cho 100 học viên là cán bộ Hội của 10 huyện, thành phố, các chủ trang trại chăn nuôi và hội viên, nông dân tiêu biểu.

 
Song song với đó, Hội Nông dân tỉnh cũng xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò của các cấp Hội Nông dân trong tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới” phát động trong toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân. Các cấp Hội ban hành hướng dẫn xây dựng chi Hội 3 không tại các huyện (Không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên đồng ruộng- không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thải phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường- không đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường) đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình.


 
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 260 bể chứa, xử lý rác thải là vỏ các bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại khắp các cánh đồng. Hội cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật, cho đặt 475 thùng chứa rác thải để thu gom vỏ bao, chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật tại các trang trại lớn trên nhiều đồng ruộng. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của hội viên, nông dân trong việc giữ gìn môi trường sản xuất đảm bảo an toàn.

 
Điển hình như Hội Nông dân huyện Ân Thi, nhờ gắn với phong trào “Nông dân huyện Ân Thi chung sức xây dựng nông thôn mới”, huyện Hội đã chỉ đạo các cơ sở Hội xây dựng được 33 “Chi hội 3 không” tập trung ở các xã: Đa Lộc, Tiền Phong, Hồng Quang và Hạ Lễ.


 
Theo tính toán, trung bình cứ một vụ lúa trên diện tích 1 mẫu ruộng sẽ phải phun từ 2- 3 lần thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh cho lúa; mỗi lần phun sẽ sử dụng khoảng 30 túi thuốc BVTV, 10 lọ. Như vậy, sau một vụ lúa, mỗi gia đình sẽ xả thải một lượng lớn vỏ bao bì thuốc BVTV. Thực tế cho thấy, bao bì đựng thuốc BVTV phải rất lâu mới có thể phân hủy được trong điều kiện tự nhiên, do vậy việc xả thải bừa bãi sẽ dẫn tới hậu quả một lượng thuốc bảo vệ thực vật dư thừa sau khi sử dụng sẽ ngấm vào đất, nước gây ô nhiễm ruộng đồng. Từ khi triển khai mô hình bể chứa rác thải, trên các cánh đồng đã sạch vỏ bao bì thuốc, môi trường sản xuất của người dân cũng trở nên sạch hơn.


 
Các cơ sở Hội thường xuyên phát động phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ và sạch từ ngõ vào nhà”, “ăn sạch, uống sạch và ở sạch”; xây dựng các nội dung hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn”, “Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Ngày Môi trường Thế giới 5/6 hàng năm”…; hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường nông thôn; quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn nước sạch; thu gom phân loại rác thải; xây dựng ý thức tự quản và thi đua giữ gìn vệ sinh ngõ, xóm, khai thông cống rãnh, cải tạo ao tù nước đọng; xây dựng chi, tổ Hội Nông dân và các câu lạc bộ tự quản về hệ thống nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn.


 
Phát huy những kết quả đạt được và cũng để nhân rộng các mô hình trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian tới các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm để vận động thêm nhiều hộ nông dân cùng tham gia. Qua đó, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường để mọi người cùng hiểu biết và chung tay hành động. Mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường, góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực.
 

 

Ngọc Bích
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn