Công nghệ xử lý chất thải rắn
09:50 - 29/08/2016
(MTNT) - Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày một tăng cao kéo theo đó là sự gia tăng về chất thải đặc biệt là ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. 
Rác thải cần được thu gom, vận chuyển và xử lý

Trong đó nổi lên là sự ảnh hưởng của chất thải rắn. Chất thải rắn không những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người mà nó còn gây mất vẻ mỹ quan, ảnh hưởng gián tiếp tới môi trường văn hoá – xã hội – kinh tế. Chính vì vậy, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn luôn được quan tâm hàng đầu.


Một số biện pháp kỹ thuật xử lý chất thải rắn trên thế giới thường áp dụng đó là phương pháp chôn lấp chất thải hợp vệ sinh. Phương pháp này chi phí rẻ nhất, bình quân ở các khu vực Đông Nam Á là 1-2 USD/tấn. phương pháp này thường phù hợp với các nước đang phát triển


Phương pháp chế biến chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ thành phân ủ hữu cơ (compost): Phương pháp này chi phí thông thường từ 8-10 USD/tấn. Thành phẩm thu được dùng để phục vụ cho nông nghiệp, vừa có tác dụng cải tạo đất vừa thu được sản phẩm không bị nhiễm hoá chất dư tồn trong quá trình sinh trưởng.


Thành phần này được đánh giá cao ở các nước phát triển. Nhược điểm của phương pháp này là quá trình xử lý kéo dài, bình thường là từ 2-3 tháng, tốn diện tích. Một nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ chất thải rắn công xuất xử lý 100.000 tấn chất thải/năm cần có diện tích là 6ha.



Phương pháp thiêu đốt: Phương pháp này chi phí cao, thông thường từ 20-30 USD/tấn nhưng chu trình xử lý ngắn, chỉ từ 2-3 ngày, diện tích sử dụng chỉ bằng 1/6 diện tích làm phân hữu cơ có cùng công suất.Chi phí cao nên chỉ có các nước phát triển áp dụng, ở các nước đang phát triển nên áp dụng phương pháp này ở quy mô nhỏ để xử lý chất độc hại như: Chất thải bệnh viện, chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp...
 

Các kỹ thuật khác: Ép ở áp lực cao các thành phần vô cơ, chất dẻo... để tạo ra các sản phẩm như tấm tường, trần nhà, tủ, bàn ghế. Xu thế chung của thế giới hiện nay là hạn chế chôn lấp vì yêu cầu diện tích lớn, khó quy hoạch địa điểm, chi phí đầu tư và quản lý cao, phải xử lí ô nhiễm về khí thải, nước rỉ rác trong thời gian dài.

Ưu tiên các giải pháp xử lý theo tiêu chí “3R-Reduce, Reuse, Recycle - giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế” giảm thiểu rác tại nguồn bằng việc khuyến khích tái sử dụng, tái chế, trong đó việc giảm thiểu và tái sử dụng thuộc lĩnh vực quản lý rác thải. Việc xử lí rác thải đang có khuynh hướng phát triển phân loại tại nguồn để thu hồi các vật chất có giá trị đưa vào tái chế, tái tạo tài nguyên từ rác.

Cùng với xu thế chung của thế giới, ở nước ta trong những năm gần đây chính phủ rất coi trọng việc bảo vệ môi trường và các biện pháp để quản lí chất thải rắn. Các phương pháp xử lý chất thải rắn đang được áp dụng tại Việt Nam hiện nay tập chung vào:
 
Tái chế chất thải: Việc tái chế chất thải chỉ mang tính tự phát, tập trung ở những thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh... Các loại phế thải có giá trị như: Thuỷ tinh, Đồng, Nhôm, sắt, giấy... được đội ngũ đồng nát thu mua ngay tại nguồn, chỉ còn một lượng nhỏ tới bãi rác và tiếp tục thu nhặt tại đó.


Tất cả phế liệu thu gom được chuyển đến các làng nghề. Tại đây quá trình tái chế được thực hiện. Việc thu hồi sử dụng chất thải rắn góp phần đáng kể cho việc giảm khối lượng chất thải đưa đến bãi chôn lấp, tận dụng được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các quá trình sản xuất, tạo công ăn việc làm cho một số lao động.
 

Đốt chất thải: Được áp dụng để xử lí chất thải nguy hại như chất thải bệnh viện, các bệnh viện lao, viện 198 mới xây lò đốt chất thải. Tại Hà Nội có lò đốt chất thải bệnh viện công suất 3,2tấn/ngày đặt tại Tây Mô. Tại TP. Hồ Chí Minh có lò đốt chất thải bệnh viện công suất 7,5 tấn/ngày. Phương pháp đốt chất thải còn được dùng để xử lí chất thải công nghiệp như lò đốt chất thải giầy da ở Hải Phòng, lò đốt cao su công suất 2,5tấn/ ngày ở Đồng Nai.
 
Chôn lấp chất thải rắn:Chôn lấp đơn thuần không qua xử lí, đây là phương pháp phổ biến nhất theo thống kê, nước ta có khoảng 149 bãi rác cũ không hợp vệ sinh, trong đó 21 bãi rác thuộc cấp tỉnh - thành phố, 128 bãi rác cấp huyện – thi trấn. Được sự giúp đỡ của nước ngoài đã xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang.
 
Chế biến thành phân hữu cơ: Phương pháp làm phân hữu cơ có ưu điểm làm giảm lượng rác thải hữu cơ cần chôn lấp, cung cấp phân bón phục vụ nông nghiệp. Phương pháp này rất phù hợp cho việc xử lí chất thải rắn sinh hoạt, phương pháp này được áp dụng rất có hiệu quả như ở Cầu Diễn, Hà Nội (công nghệ ủ hiếu khí(compostry) – công nghệ Tây Ban Nha với công suất 50.000 tấn rác/năm – SP 13200 tấn/năm, công nghệ Pháp – TBN ủ sinh học chất thải hữu cơ áp dụng tại Nam Định với công suất thiết kế 78.000 tấn rác/năm ). Ở thành phố Việt Trì với công suất thiết kế 30.000 tấn rác/năm...
 
Với các biện pháp kỹ thuật xử lý chất thải rắn này tuỳ vào điều kiện của mỗi quốc gia có thể áp dụng những công nghệ khác nhau cho phù hợp, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Mạnh Trí
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn