Xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học
15:58 - 28/04/2016
(MTNT)- Ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi là vấn đề bức xúc và rất được quan tâm. Để xử lý mùi hôi, nguồn nước ô nhiễm do chăn nuôi gây ra, thời gian qua một số địa phương trong cả nước đã ứng dụng chế phẩm sinh học giải quyết tốt vấn đề này.
Hướng dẫn pha chế phẩm sinh học EM (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Được sử dụng rộng rãi ở nước ta là các chế phẩm sinh học E.M (Effective Microorganisms- các vi sinh vật hữu hiệu) để cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng, xử lý ô nhiễm môi trường, mùi hôi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thực chất E.M là một loại chế phẩm có chứa tới 80 loài thuộc 10 nhóm sinh vật khác nhau, bao gồm: Vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn Lactic, vi khuẩn Propionic, nấm men và xạ khuẩn… Đối với môi trường, các vi sinh vật hữu hiệu có trong chế phẩm E.M có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây hôi thối trong môi trường, trong đường ruột các con gia súc, gia cầm và các nấm mốc gây ra H2S, SO2, NH3, CH4 bay hơi…
 

Trong chăn nuôi, E.M thường được sử dụng để khử mùi hôi chuồng trại, giảm ruồi nhặng, cải thiện sức khỏe và giảm stress cho vật nuôi, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng thịt, sữa, làm gia súc mắn đẻ và tăng chất lượng thực phẩm. Ở ĐBSCL, hiện có nhiều trại chăn nuôi heo, gà, bò đã sử dụng chế phẩm EM vào các mục đích này đều thấy có hiệu quả. Có nhiều cách sử dụng chế phẩm EM trong chăn nuôi như: Cho vào thức ăn, nước uống của vật nuôi; phun xịt xung quanh chuồng trại, cho vào bồn chứa phân...
 

Tại Đắk Lắk, từ năm 2014-2015, Trạm Khuyến nông TP Buôn Mê Thuột đã xây dựng mô hình “Nuôi heo, gà trên nền đệm lót sinh học bằng chế phẩm Balasa N01” triển khai cho 13 hộ dân ở Phường Tự An, Tân An, Tân Thành, Khánh Xuân và xã Hòa Xuân, Hòa Thuận. Mô hình đã và đang mang lại kết quả rất tốt được bà con nông dân hưởng ứng áp dụng.
 

Mỗi ô chuồng đệm lót có diện tích 20m2 nuôi từ 10-15 con heo thịt. Chất thải của heo gồm phân, nước tiểu và thức ăn dư thừa được phân hủy hoàn toàn ngay trong chuồng nuôi dưới tác dụng của vi sinh vật có trong đệm lót, chuồng nuôi không có mùi hôi thối, hạn chế ruồi, muỗi, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực nuôi.
 

Chi phí làm đệm lót ban đầu cho chuồng 20m2 khoảng 1.500.000 đồng, ngoài ra toàn bộ đệm lót sau này là nguồn phân vi sinh có giá trị dinh dưỡng cao và dễ hấp thu đối với cây trồng, sử dụng nguồn phân này vừa nâng cao năng suất vừa giảm chi phí mua phân vô cơ, có thể bón trực tiếp cho cây trồng các loại mà không cần phải ủ lại.
 

Theo ông Vương Văn Hùng, Trưởng trạm Khuyến nông: Nuôi heo trên nền đệm lót có thể duy trì lớp đệm từ 3-4 năm, đệm lót vẫn phát huy tốt hiệu quả sử dụng. Sau mỗi vụ nuôi, chỉ cần xới đệm ở độ sâu 30cm để cho tơi xốp. Nếu đệm lót bị sụt giảm thì bổ sung thêm chất độn mùn cưa và chế phẩm men. Chi phí làm đệm lót có giá thành thấp, nguyên vật liệu chủ yếu là trấu và mùn cưa nên người dân dễ tìm, kỹ thuật làm đệm lót đơn giản, người dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng được, phù hợp ở qui mô nông hộ và trang trại.  
 

Tại Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, Thạc sĩ Hoàng Thị Lan Anh đã tạo ra chế phẩm sinh học Bio-TMT giúp xử lý nước thải, mùi hôi chuồng trại, được nông dân ở nhiều tỉnh thành sử dụng. Năm 2011, cô đã chuyển giao công nghệ đến với đông đảo bà con ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận khác như huyện Phú Lương (Thái Nguyên) và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).
 

Tại Cao Bằng, chế phẩm sinh học Quý Nhân - sản xuất trên cơ sở kỹ thuật vi sinh vật hữu hiệu (EM) của Nhật Bản được các hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh thuộc huyện Hòa An, các xã thuộc Hà Quảng, Quảng Uyên, Hạ Lang, Thạch An, Nguyên Bình sử dụng thường xuyên để khử mùi hôi thối chuồng trại gầm sàn triệt để. Pha chế phẩm theo tỷ lệ 20ml cho 10 lít nước sạch cho gia súc, gia cầm uống còn góp phần tăng cường tiêu hóa, tăng hấp thụ, giảm dịch bệnh hạn chế mùi hôi. Trong chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (2010 – 2015) chế phẩm sinh học Quý Nhân đã được các ngành, các cấp của tỉnh phổ biến tới các hộ gia đình.
 

Với hiện trạng đa số các trang trại hiện nay có quy mô nhỏ, thiết bị chuồng trại không đồng bộ, lại nằm trong khu vực dân cư nên mức độ ô nhiễm khá cao. Sử dụng chế phẩm sinh học là biện pháp xử lý tốt chất thải chăn nuôi góp phần giúp ngành chăn nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường.


Nguyễn Hưng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn