(MTNT) - Nhiều năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra về Bảo vệ môi trường (BVMT) đã trở thành hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý về môi trường các cấp, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; làm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với công tác BVMT.
|
Cần tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý hiệu quả chất thải rắn trong sinh hoạt |
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã chủ trì thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về BVMT tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT đối với 2.945 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về BVMT đã được xử lý và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sức ép có tính răn đe đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Trong 5 năm qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT cho các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng đã được tăng cường. Nhiều hoạt động, phong trào tuyên truyền, giáo dục được tổ chức, phát động đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về BVMT của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các địa bàn dân cư.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt, từ chỗ doanh nghiệp vi phạm nhóm hành vi về tự ý điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của công trình xử lý chất thải nhằm xả trộm chất thải ra môi trường… thì đến nay, các nhóm hành vi này đã giảm đáng kể, chỉ còn tập trung vào các nhóm hành vi vi phạm thủ tục hành chính về BVMT.
Việc thu gom, xử lý nước thải đô thị, chất thải rắn (CTR) sinh hoạt; Khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường cũng được các tỉnh, thành phố chủ động triển khai thông qua các dự án cải tạo, nạo vét, khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước, nâng cấp các hệ thống bơm tiêu thoát nước, xử lý nước thải; huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thực hiện 51 chương trình, dự án cải tạo, xử lý nước thải đô thị, với tổng kinh phí hơn 1.160 triệu USD. Nhiều dự án thu gom, tái chế CTR sinh hoạt đã được các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng, doanh nghiệp chung tay góp sức thực hiện thông qua các quy hoạch, chương trình lớn như Quy hoạch xây dựng khu xử lý CTR 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình đầu tư xử lý CTR giai đoạn 2011 - 2020…
Ngoài ra, Bộ TN&MT còn phối hợp với các địa phương rà soát, thực hiện 53 dự án di dời, cải tạo phục hồi môi trường, xử lý ô nhiễm nước rỉ rác; Triển khai các dự án xây dựng 7 khu xử lý CTR liên tỉnh theo Quy hoạch xây dựng khu xử lý CTR 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020, với tổng kinh phí là 9.683 tỷ đồng... Đặc biệt, trong giai đoạn này, đã có gần 20 chương trình, dự án thu gom, xử lý CTR tại các địa phương được thực hiện từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Cùng với việc xử lý các vùng đất bị ô nhiễm dioxin, trong thời gian qua, công tác cải tạo, phục hồi các vùng đất bị ô nhiễm tồn lưu đã được triển khai tích cực thông qua Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu gây ra trên phạm vi cả nước, với hơn 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất BVTV được xử lý hoàn toàn; 400 khu vực bị ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu được phát hiện và kiểm soát chặt chẽ.
Phần lớn các cơ sở y tế tuyến Trung ương, tỉnh, các bãi rác, kho thuốc BVTV, thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường nông thôn đã và đang được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg để xử lý, khắc phục. Việc triển khai có hiệu quả các dự án cải tạo kênh, mương, ao, hồ bị ô nhiễm, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động phục hồi, tái sinh các ao, hồ, kênh, mương đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho cảnh quan và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Thông qua việc triển khai tốt công tác thanh, kiểm tra và tuyên truyền về lợi ích của việc BVMT, đến nay hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần hạn chế các rủi ro đến môi trường nói chung và sức khỏe con người nói riêng.