|
Một hội nghị nghiệm thu tổng kết mô hình bảo vệ môi trường |
Các cấp Hội đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chế biến nông sản gắn với công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có ý thức trách nhiệm trong việc thu gom và phân loại rác thải tại gia đình. Kết hợp với việc lồng ghép các nguồn lực khác được triển khai trên địa bàn để người dân tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức cùng cải tạo, nâng cấp và ứng dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến, xử lý triệt để các chất thải gây ô nhiễm môi trường, làm cho môi trường nông thôn ngày càng xanh- sạch- đẹp và bền vững.
Được sự quan tâm của Trung ương Hội, một dự án đã được đầu tư và xây dựng thí điểm thực hiện tại xã Đoàn Kết- huyện Thanh Miện nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên. Theo đó, đã có 20 hộ chăn nuôi theo hướng trang trại trong xã được hỗ trợ lắp đặt bể Biogas composite để xử lý chất thải và nước thải trong chăn nuôi; đồng thời cung cấp nguồn khí đốt cho các hộ tham gia dự án.
Kết quả cho thấy, tính đến cuối năm 2015, đã có 100% các hộ gia đình, hội viên, nông dân trong xã biết áp dụng kiến thức về thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Trên cơ sở kết quả của dự án, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động tới các hộ nông dân trong tỉnh đầu tư lắp đặt hầm Biogas composite để xử lý được chất thải và nước thải trong chăn nuôi nhằm mục tiêu vừa cung cấp nguồn khí đốt vừa giữ gìn vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình cũng như cộng đồng xã hội.
Ban quản lý dự án Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội các cấp thường xuyên viết tin bài để tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở và trên bản tin của Hội Nông dân tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, những kiến thức cơ bản về quản lý, thu gom, xử lý chất thải… nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường. Hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng một cách tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, từng bước xây dựng ý thức tự giác trở thành một thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường nông thôn.
Ban Quản lý dự án cũng tổ chức lớp tập huấn cho 90 đại biểu là đại diện cho các hộ hội viên, nông dân có mô hình chăn nuôi trang trại. Nhiều nội dung được chú trọng trong tập huấn như: Hướng dẫn quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải trong chăn nuôi của trang trại; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn quy trình lắp đặt, bảo quản và sử dụng hầm khí sinh học Biogas cho các hộ nông dân…
Thông qua buổi tập huấn, các hội viên, nông dân đã nắm được những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường. Từ đó, nâng cao nhận thức, góp phần làm thay đổi hành vi của từng người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Các hộ tham gia tập huấn cũng đã nắm được kỹ thuật lắp đặt, bảo quản và sử dụng hầm Biogas bằng vật liệu nhựa composite.
Ban quản lý dự án tỉnh cũng chỉ đạo cho Ban điều hành dự án của xã tổ chức họp công khai bình xét, lựa chọn được 20 hộ tham gia thực hiện dự án. Các hộ tham gia đều đảm bảo những tiêu chuẩn như: Là các hộ hội viên, nông dân chăn nuôi theo hướng trang trại; có tinh thần trách nhiệm tốt; có nhu cầu làm hầm Biogas composte; có năng lực tài chính, có khả năng tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Sau khi khảo sát, thẩm định kỹ, Ban quản lý dự án tỉnh đã ra quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp lắp đặt hầm Biogas là công ty TNHH Hoàng Thanh Chung có địa chỉ tại xã Phúc Thành- huyện Vũ Thư- tỉnh Thái Bình. Nhà cung cấp phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật có chất lượng hầm tốt, an toàn, hiệu suất sử dụng cao theo đúng yêu cầu của dự án đặt ra.
Tổng số 20 hộ tham gia dự án đều được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hầm Biogas, mức hỗ trợ là 4 triệu đồng/ hộ. Sau thời gian lắp đặt, Ban quản lý dự án tỉnh đã đi kiểm tra các hộ và ghi nhận, các hầm Biogas đều đã có khí gas sử dụng tốt. Thêm vào đó, chất thải và nước thải trong chăn nuôi được xử lý kịp thời đã làm giảm đáng kể tình trạng gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Ban quản lý dự án tỉnh cũng cử 03 cán bộ cùng với Hội Nông dân huyện và ban điều hành dự án xã thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc các hộ chuẩn bị chu đáo các điều kiện để lắp đặt hầm đều. Đồng thời cũng giám sát quá trình lắp đặt của công ty tại các hộ hội viên, nông dân tham gia dự án, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể và giải quyết kịp thời những phát sinh ở cơ sở khi cần thiết. Việc sử dụng kinh phí đảm bảo đúng mục đích, bám sát theo đúng dự toán chi tiết của dự án đã được phê duyệt và tuân thủ theo chế độ tài chính hiện hành.
Quá trình tổ chức nghiệm thu, tổng kết, đánh giá đã cho thấy những kết quả đạt được của mô hình rất đáng ghi nhận. Buổi hội nghị tổng kết với 60 đại biểu tham dự đã đánh giá đúng hiệu quả của việc giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường thông qua quy trình xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi bằng biện pháp sử dụng hầm đều.
Dự án được các cấp ủy, chính quyền ở địa phương đánh giá cao, các hộ tham gia dự án đều được hưởng lợi ích. Từ hiệu quả dự án đạt được đã nâng cao ý thức tự giác trong việc bảo vệ môi trường của các hộ nông dân, đặc biệt là đối với những hộ hội viên, nông dân đang chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại ở địa phương.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện dự án đảm bảo được đúng tiến độ, nội dung của dự án và hợp đồng được ký kết. Ban quản lý dự án tỉnh đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo Ban điều hành ở cơ sở đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về việc bảo vệ môi trường và ảnh hưởng của việc gây ô nhiễm môi trường đối với đời sống của nhân dân…
Các hộ nông dân tham gia dự án đều là những hộ đang có nhu cầu cấp thiết trong việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, việc được lựa chọn để tham gia dự án và được hỗ trợ một phần kinh phí làm hầm Biogas đã làm cho các hộ rất phấn khởi. Từ đó, chính các hội viên, nông dân này lại trở thành những hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền về vấn đề bảo vệ môi trường tại cơ sở.
Một hiệu quả nữa của dự án là việc phối hợp lựa chọn được công ty cung ứng hầm Biogas bảo đảm hầm có chất lượng tốt, đồng thời với một mức giá cả chi phí hợp lý. Quá trình lắp đặt hầm biogas đảm bảo nhanh gọn, an toàn, chất lượng, đơn vị cung cấp hầm có cử cán bộ kỹ thuật tham gia lắp đặt cho các hộ nên đảm bảo đầy đủ các thông số kỹ thuật của hầm Biogas. Từ đó, các hộ tham gia dự án rất yên tâm trong suốt quá trình sử dụng.
Có thể nói, dự án triển khai thực hiện đã nhận được sự quan tâm ủng hộ và đánh giá cao của lãnh đạo địa phương cũng như sự nhiệt tình hưởng ứng của cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn. Đây cũng là thể hiện sự quan tâm của các cấp Hội tới cán bộ, hội viên, nông dân, từ đó thu hút thêm nhiều hội viên mới đăng ký tham gia vào tổ chức Hội.