Nhờ áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh an toàn sinh học đã cho năng suất vượt trội so với mô hình SX truyền thống.
|
Thu hoạch cá ở ngoại thành Hà Nội |
Từ tháng 5/2015, trên diện tích 4 ha thuộc xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, 7 hộ gia đình đã chuyển từ nuôi trồng thủy sản theo hướng truyền thống sang nuôi thâm canh.
Dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi trồng thủy sản của gia đình mình khi đang chuẩn bị thu hoạch, ông Nguyễn Văn Thức ở xã Lê Thanh phấn khởi cho hay, qua nuôi 6 tháng, trọng lượng cá rô phi đạt bình quân 0,65 kg/con.
Đây là con số ấn tượng mà trước đây khi nuôi trồng theo hướng truyền thống, ông chưa bao giờ đạt được. Đã thành thói quen, cứ 8h – 10h sáng hàng ngày, ông Thức lại vận hành hệ thống quạt nước để tăng hàm lượng oxy cho ao nuôi, rồi cho đàn cá ăn.
Ông Thức đã từng đi nhiều nơi để tìm hiểu cách mà các đồng nghiệp của mình làm giàu từ nghề nuôi trồng thủy sản để về áp dụng.
“Ở Mỹ Đức, chúng tôi nghĩ mình là “số 1” nhưng khi sang Hải Dương chúng tôi thấy mình còn lạc hậu nhiều lắm khi cứ loay hoay với mấy con cá truyền thống, hiệu quả không cao mà thời gian nuôi kéo dài.
Việc nuôi trồng của chúng tôi vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ sở hạ tầng cho các khu nuôi trồng chưa được đầu tư gây khó khăn cho việc phát triển, mở rộng”, ông Thức chia sẻ.
Và ông quyết tâm đổi mới cách SX của mình. Cùng lúc đó, chủ trương của UBND huyện Mỹ Đức là dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi khu trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả SX.
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2015 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông Mỹ Đức xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng thâm canh an toàn thực phẩm tại xã Lê Thanh. Ông Thức nhận tham gia ngay.
Bà Nguyễn Thị Khanh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Mỹ Đức cho hay, sau khi nhận được kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông giao, trạm đã khảo sát và chọn xã Lê Thanh làm mô hình, bởi xã đã quy hoạch vùng thủy sản tập trung.
Các hộ ở đây hưởng ứng nhiệt tình và đầu tư bài bản, có sự liên kết với nhau để trao đổi kinh nghiệm nuôi đảm bảo có hiệu quả.
Từ khi được triển khai, Trạm đã tiến hành cấp 100% giống gồm cá rô phi và chép cho các hộ tham gia. Kết quả, tỉ lệ sống của cá sau khi thả đạt 98%; có hướng dẫn xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học để xử lý ao nuôi; cho cá ăn loại cám có chất lượng tốt nhất thị trường hiện nay; trước khi thu hoạch phải dừng thuốc ít nhất 7 ngày.
Cũng giống Mỹ Đức, Thanh Oai là một huyện ngoại thành Hà Nội, trong những năm gần đây phong trào nuôi thủy sản đã phát triển mạnh. Trong đó các xã Cao Dương, Thanh Văn, Liên Châu, Tam Hưng là những điểm sáng từ khi áp dụng mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học.
Nhiều chân ruộng trũng của xã cấy lúa bấp bênh kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang nuôi cá. Các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản của Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai đã giúp người nuôi cá được nâng cao. Năng suất và sản lượng cá nuôi tăng hơn hẳn so với nuôi truyền thống, thời vụ ngắn và tập trung hơn.
Nhiều biện pháp quản lý ao mới được áp dụng vào mô hình như sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước ao, định kỳ hàng tháng trộn thuốc vào thức ăn cho cá để phòng bệnh, nuôi cá hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp viên nổi...
Phương pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp môi trường ao nuôi được đảm bảo hơn so với nuôi truyền thống.
Gia đình ông Phạm Đắc Vân ở xã Thanh Văn là một trong 4 hộ của xã được chọn làm mô hình với diện tích 1,5 ha. Ông Vân cho biết, gia đình được hỗ trợ khoảng 15.000 con cá giống, 6 kg chế phẩm sinh học và 4 kg thuốc kháng sinh, 108 bao cám...
Nuôi theo hướng an toàn sinh học, quản lý tốt lượng thức ăn dư thừa nên không gây ô nhiễm nguồn nước. Năng suất cá đạt trên 15 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 82 triệu đồng/ha, cao hơn 30 - 40 triệu đồng/ha so với nuôi truyền thống.