Việc xử lý vấn đề ngập mặn ra sao phụ thuộc nhiều vào "nguồn cơn" của mặn hóa. Bài học từ Bangladesh có lẽ sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về các giải pháp chống ngập mặn của một quốc gia cùng cảnh ngộ.
|
Cánh đồng lúa chịu mặn |
Bangladesh là một trong những nước bị chịu ảnh hưởng rất nặng từ mực nước biển dâng. Với một nước mà khẩu phần người dân không thể thiếu gạo thì việc ngập mặn đe dọa đến vựa lúa chính ở miền nam Bangladesh là một đe dọa đến an ninh lương thực rất lớn.
Với 80% diện tích cây trồng của mình là cây cắm nước, nền nông nghiệp cây trồng của Bangladesh chịu sự đe dọa trực tiếp từ nước biển dâng.
Giải pháp hữu hiệu nhất là lọc nước bị nhiễm mặn để biến nó thành nước có thể được sử dụng cho canh tác và tiêu dùng bình thường. Theo như tổ chức xóa mặn quốc tế (IDA) thì có khoảng 13.080 nhà máy lọc nước mặn thành nước tiêu dùng (cho đến năm 2008) với sản lượng 12 tỷ gallons nước/ngày.
Theo nghiên cứu của Asiful Basar trên trang học thuật Xã hội học Bangladesh thì có hai công đoạn chính trong lọc nước ngập mặn là làm bốc hơi và tách màng mặn.
Đây là cách xử lý mà các chuyên gia đánh giá là rẻ nhất. Vấn đề là quá trình này cần rất nhiều năng lượng. Hiện năng lượng là một vấn đề lớn đối với Bangladesh nên giải pháp này xem ra không hiệu quả trong thời gian dài.
Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc dự án SWIBANGLA (giải pháp an toàn nước cho Bangladesh) đã đề nghị Chính phủ Bangladesh nên học tập các nước khác xây các hệ thống trữ nước mưa nhân tạo dưới lòng đất (ASR) để trữ nước dùng trong những tháng hạn.
Với tình hình biến đổi khí hậu còn diễn biến phức tạp thì việc tìm ra giải pháp bảo vệ nguồn nước tiêu dùng và vùng đất nông nghiệp trước ngập mặn không phải là chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Các hướng đi của Bangladesh và Philippines hy vọng có thể cho chúng ta những bài học thiết thực quý báu để có thể định hướng cho bà con ở cả mặt kỹ thuật cũng như thủy lợi về cách chống hạn mặn lịch sử được dự báo sẽ còn kéo dài ở vùng ĐBSCL. |
Với lượng nước mưa hàng năm đạt trung bình hơn 2.000mm nhưng lại không đồng đều, các chuyên gia khuyến cáo Bangladesh nên sử dụng các hệ thống này để trữ nước trong những tháng mưa từ 6 - 10 để có thể dùng cho việc tưới tiêu cho những tháng hạn và có tác dụng như một vách chắn nhân tạo chống nước biển xâm nhập sâu thêm vào vùng canh tác khi không có nước từ thượng lưu đổ về.
Các điểm mạnh của hệ thống trữ nước ngầm so với hệ thống nổi là giá rẻ, cần ít diện tích hơn và không bị mất nước do bốc hơi.
Một giải pháp khác cho Bangladesh là chuyển đổi giống cây trồng. Với việc nước biển ăn sâu khoảng 40km vào đất liền nam Bangladesh trong khoảng thời gian 25 năm qua, một số giếng nước ngầm tự nhiên đã bị mặn xâm nhập vĩnh viễn trong những tháng mùa khô.
Điều kiện này khiến việc trồng cây lúa truyền thống sẽ cho sản lượng rất thấp thậm chí là không có sản lượng nhưng những nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu gạo Bangladesh đã nghiên cứu ra một giống gạo có thể chịu mặn tốt hơn các giống thường và đã đưa giống gạo này miễn phí đến với người dân Bangladesh.
Không chỉ có mình Bangladesh mới chuyển giao được kỹ thuật trồng lúa có sức chịu đựng cao mà Philippines cũng đã có được những thành công bước đầu.
Vào năm 2014, nhờ vốn đầu tư từ ngân hàng phát triển châu Á, hai giống lúa chịu mặn đầu tiên của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) là Salinas 1 và Salinas 9 đã được trồng thử ở đảo Palawan, nơi được gọi là cái bát của Philippines - với những thành công nhất định.
Điều đáng tiếc là chuyện chuyển đổi giống cây trồng chưa được thực hiện trên đại trà. Nghiên cứu của Baten trên tạp chí Biến đổi khí hậu của Mỹ chỉ ra rằng dù phần lớn người dân miền nam Bangladesh được hỏi nhận thức rất rõ ràng về việc đất bị ngập mặn làm giảm hoặc chết sản lượng lúa nhưng khi được hỏi về việc cây gì thì có thể sống trong điều kiện ngập mặn thì không chỉ người dân mà cả các lãnh đạo phụ trách nông nghiệp cũng không biết câu trả lời.