Hội Nông dân Hậu Giang: Xây dựng mô hình nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường
09:14 - 29/12/2015
(MTNT) - Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 82% diện tích đất nông nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với hàng năm, tính trung bình lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ước khoảng 2.807 tấn. Trong đó, bao bì, vỏ chai chiếm khoảng 10% lượng thuốc tiêu thụ.
Những cánh đồng không còn vỏ bao bì thuốc vứt bừa bãi khi người dân có ý thức bảo vệ môi trường


 
Ước tính sơ bộ mỗi năm, chỉ riêng lượng chất thải từ thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp đã thải ra môi trường khoảng 280 tấn/năm. Tuy nhiên trong thời gian qua, công tác thu gom, xử lý nguồn chất thải này vẫn chưa có được quan tâm đúng mức. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm nguồn nước, đất đai bị suy thoái và về lâu dài sẽ gây tác động xấu đến việc phát triển các thế mạnh nông nghiệp của địa phương.
 


Xác định rõ điều đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nông thôn. Đó là: Tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên- môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hàng năm, Hội đều phát động phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, trong đó hội viên nông dân tập trung nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện các nội dung tiêu chí số 17 về môi trường.

 
Đầu năm 2015, Hội Nông dân tỉnh cũng đã phát động mỗi cơ sở Hội xây dựng 01 ấp, điểm xây dựng nông thôn mới hoặc xây dựng đô thị văn minh thực hiện từ 1- 3 tiêu chí về môi trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 74 ấp, khu vực đăng ký thực hiện. Nhiều cơ sở Hội xây dựng được các mô hình đột phá, gắn công tác bảo vệ môi trường với sản xuất, kinh doanh.

 
Các cấp Hội cũng đã xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường gắn với sản xuất nông nghiệp như: Khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, vận động nông dân thu gom, tiêu hủy vỏ chai, bao bì các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật theo quy định…

 
Thời gian gần đây, tại các cánh đồng hay tuyến kênh thủy lợi ở ấp Trường Thắng- xã Trường Long A- huyện Châu Thành A, tình trạng vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt trên bờ ruộng, dưới kênh rạch không còn phổ biến như trước. Trái lại, nông dân khu vực này còn tình nguyện thành lập câu lạc bộ chuyên thu gom rác thải trên đồng ruộng.
 


Cứ vào mỗi vụ mùa, các thành viên sẽ tập hợp nhau lại cùng đi thu gom tất cả vỏ chai, bao bì đã qua sử dụng còn bỏ lại trên đồng ruộng về những hố rác tập trung. Đồng thời tuyên truyền để người dân không vứt rác thải sai quy định, gây ô nhiễm môi trường. Điều này phần nào đã có những tác động tích cực đến nhận thức của nhiều hội viên, nông dân về việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

 
Theo ông Thiều Văn Hải- Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật ở ấp Trường Thắng- xã Trường Long A, cho biết: Vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng nếu không được thu gom, xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước... Hơn nữa, về lâu dài sẽ còn gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nhận thức điều đó, câu lạc bộ đã tập hợp được 11 thành viên chuyên đi thu gom rác thải nguy hại lại một nơi an toàn hơn để các ngành chức năng đem đi xử lý đúng quy định.

 
Cũng theo ông Hải, nếu như trước đây, người dân sử dụng xong các loại thuốc bảo vệ thực vật thường vứt bỏ bao bì lung tung thì hiện nay nhiều người đã từ bỏ thói quen xấu đó. Phần lớn rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật được người dân chủ động đem đến hố thu gom theo đúng quy định.

 
Ngoài ra, để bảo vệ môi trường một cách tối ưu, người dân còn mạnh dạn đem ứng dụng sản xuất theo mô hình công nghệ sinh thái, hạn chế dần phân bón, thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng độc hại đến môi trường, hơn nữa còn giảm được chi phí đầu tư, tiết kiệm trong sản xuất.
 


Ông Đặng Hoàng Kỳ- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Long A, cho biết: Những năm qua, Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường. Từ đó, người dân từng bước ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng môi trường xanh sạch đẹp. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình hay về bảo vệ môi trường để người dân hưởng ứng tích cực hơn nữa.

 
Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên. Qua đó nhằm góp phần nâng cao được ý thức cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn.
 
 

Hữu Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn