Huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa- Vũng Tàu): Cần nhân rộng mô hình hầm khí sinh học biogas
12:31 - 01/12/2015
(MTNT) - Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi thông qua hệ thống hầm biogas tại các cơ sở chăn nuôi là một phương pháp được các ngành chức năng khuyến khích. Tuy nhiên, trong thực tế, việc áp dụng giải pháp này hầu như chỉ có các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn quan tâm, còn nếu có thì cũng chưa được đầu tư đồng bộ vì một nguyên nhân chính là do thiếu vốn.
Những hầm khí biogas thế này rất cần được nhân rộng đối với địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói chung và tại huyện Xuyên Mộc nói riêng đang phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch thành một vùng chăn nuôi riêng biệt nên đang kéo theo nhiều vấn nạn về ô nhiễm môi trường, nhất là trong khu dân cư bởi nó gây ra mùi hôi thối, ruồi nhặng... làm ảnh hưởng đến môi trường sống của những người dân sống xung quanh.
 

Để khắc phục tình trạng này, các trang trại, cơ sở chăn nuôi heo đã và đang ứng dụng quy trình xử lý chất thải từ chăn nuôi bằng hầm biogas và bước đầu đã mang lại một số hiệu quả nhất định trong công tác bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, ở những trang trại hay cơ sở chăn nuôi có đầu tư hầm biogas đều đang cho thấy hiệu quả tốt, tuy nhiên những mô hình này hiện vẫn chưa được nhân rộng.


Trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện đang có trên 2.000 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô dưới 200 con/hộ và 17 trang trại có quy mô nuôi từ 400 đến 10.000 con.


Trang trại chăn nuôi heo 7.000 con của công ty TNHH Lý Nhân ở tổ 2, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc được đầu tư phát triển từ năm 2009. Ngay từ khi đi vào hoạt động, công ty đã dành số vốn tới gần 5 tỷ đồng để cho xây dựng hệ thống 2 hầm biogas phủ bạt với công suất 4.000 m3.


 
Với hệ thống hầm biogas hiện đại này, việc xử lý chất thải của heo trở nên dễ dàng gấp nhiều lần, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Đồng thời, trang trại còn tận dụng được lượng khí sinh học từ hầm biogas để chạy máy trộn cám, máy bơm nước, điện thắp sáng... Hiệu quả thấy rõ khi hàng tháng hầm khí đã tiết kiệm cho công ty số tiền khoảng 3 triệu đồng.

 
Cơ sở chăn nuôi Bàu Lâm thuộc ấp Suối Lê, xã Tân Lâm đi vào hoạt động từ năm 2.000 với quy mô 200 con. Đến năm 2002, cơ sở đầu tư để mở rộng quy mô lên 1.000 con, và đến nay là 3.500 con heo. Khi mới đi vào hoạt động, do chưa áp dụng mô hình xử lý chất thải phù hợp nên đã gây nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân sống quanh khu vực này.


Để khắc phục dứt điểm tình trạng này, năm 2013, được sự hướng dẫn của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, cơ sở này đã tiến hành đầu tư hệ thống xử lý chất thải với kinh phí trên 550 triệu đồng gồm hệ thống 2 hầm biogas có công suất 700 m3. Điều này không chỉ đảm bảo về môi trường, ổn định sản xuất mà còn giúp cơ sở tiết kiệm được khá nhiều chi phí từ việc tận dụng lượng khí sinh học từ hầm biogas để chạy máy trộn cám, máy bơm nước...



Một mô hình hiệu quả khác là trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Trang Linh ở tổ 8 ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang. Trang trại có diện tích rộng 44 ha với quy mô chăn nuôi 3.000 con heo nái. Qua kiểm tra của Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện cho thấy, lượng chất thải phát sinh của trang trại ra môi trường khoảng 5 tấn/ngày hiện đã được thu gom đóng vào bao làm phân bón.

 
Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi từ 9 dãy trại đổ ra 3 bể biogas, có thể tích khoảng 9 m3/bể. Tuy nhiên, hệ thống này chưa xử lý được toàn bộ lượng nước thải phát sinh, dự kiến khoảng 100m3/ngày. Khối lượng nước thải mới chỉ được xử lý khoảng 30 m3/ ngày, phần còn lại đem xả trực tiếp vào các ao chứa khiến môi trường xung quanh có dấu hiệu bị ô nhiễm.

 
Theo một vị lãnh đạo của Công ty TNHH Trang Linh cho biết, hiện cơ sở đang làm thủ tục xin vay 2 tỷ đồng từ vốn Quỹ Bảo vệ thực vật để đầu tư nâng cấp và xây mới hệ thống hầm biogas. Bởi chỉ có tăng đầu tư thì mới có thể xử lý một cách triệt để lượng chất thải từ chăn nuôi và hạn chế được tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.


Hiệu quả của việc xử lý ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas đã thấy rõ. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề này mới chỉ được các trang trại lớn quan tâm còn các cơ sở nhỏ lẻ chỉ chiếm tỷ lệ 28% trong tổng 2.000 cơ sở.


Do vậy, thiết nghĩ, nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho các trang trại cũng như hộ chăn nuôi tiếp cận được các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hầm biogas.

 
Để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn chất thải chăn nuôi, Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN &PTNT đã triển khai “Chương trình khí sinh học dành cho chăn nuôi Việt Nam”. Chương trình này do Hà Lan tài trợ kỹ thuật và một phần kinh phí. Tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, dự án hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng công trình biogas cũng đã được triển khai từ năm 2008. Qua 7 năm triển khai, dự án này đã và đang góp phần giải quyết được nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường; đồng thời tạo ra nguồn năng lượng phục vụ đời sống cho chính những hộ chăn nuôi.


 
Từ năm 2012, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt đề án xử lý chất thải chăn nuôi gia súc sản xuất khí biogas chạy máy phát điện, xử lý ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cần triển khai thực hiện tốt đề án của UBND tỉnh. Hiện nay, mô hình biogas xây dựng bằng gạch hình vòm cầu rất tiết kiệm về chi phí, có độ bền cao mang lại nhiều lợi ích cho các hộ chăn nuôi. Thời gian qua, đơn vị này đã hỗ trợ cho 5.025 hộ dân xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi.
 

Đối với các trang trại được thành lập mới, chính quyền địa phương nên yêu cầu chủ trang trại thực hiện đúng quy trình thủ tục, trong đó có việc ký cam kết bảo vệ môi trường và sử dụng mô hình biogas nhằm bảo đảm cho môi trường chăn nuôi mang tính ổn định và bền vững.
 

Hồng Hoa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn