|
Gạch nung gây ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Gạch không nung sau khi được tạo hình sẽ tự đóng rắn đạt các chỉ số về cơ học: Cường độ nén, cường độ uốn và độ hút nước... mà không cần phải qua xử lý nhiệt độ. Gạch không nung có thể sản xuất từ phế thải xây dựng, tận dụng được các nguồn phế thải xây dựng góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp.
Theo tính toán, đến năm 2020, Việt Nam có nhu cầu sử dụng khoảng 42 tỉ viên gạch cho xây dựng. Nhưng theo tốc độ phát triển của thị trường gạch nung hiện nay, tổng lượng gạch sản xuất trong 10 năm tới là 330 tỉ viên, sẽ tiêu tốn khoảng 500 triệu m3 đất sét (tương ứng mất 25.000 ha ruộng), 40 triệu tấn than và thải ra bầu khí quyển khoảng 148 triệu tấn khí độc hại.
Vật liệu xây dựng không nung có đặc tính nhẹ, khả năng cách nhiệt, chống cháy, chịu nén cao, dễ xây dựng, giảm thời gian thi công và tiết kiệm vật liệu, chi phí đầu tư.
Gạch không nung trên thị trường Việt Nam có nhiều loại, bao gồm bê tông khí chưng áp, bê tông bọt khí và xi măng cốt liệu, nhưng nhà sản xuất cũng chưa đưa ra được khuyến cáo cụ thể loại gạch nào dùng cho công trình nào, dùng xây vách ngăn hay tường chính, tường rào…
Trên thế giới, ở các nước phát triển, vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng là vật liệu không nung cho các công trình khác nhau, gạch đất sét nung chỉ chiếm 10-15% sản lượng vật liệu xây dựng. Tại các nước châu Á, thị phần của sản phẩm bê-tông khí chưng áp chiếm khoảng 40-45%, còn lại là các vật liệu không nung khác. Việc sử dụng gạch bê-tông nhẹ thay cho gạch đất sét nung cho công trình nhà cao tầng tiết kiệm khoảng 4,6% tổng chi phí đầu tư thô cho toàn bộ tòa nhà.
Theo Viện Vật liệu Xây dựng, việc sử dụng gạch bê-tông nhẹ thay cho gạch đất nung đem lại lợi ích kinh tế khá lớn: đối với công trình 9 tầng, có thể giảm 20% phản lực đầu cọc giúp giảm chiều dài cọc móng, giảm 25% khối lượng thép cột, giảm 10% khối lượng thép dầm; đặc biệt, hiệu quả cao đối với công trình trên nền đất yếu.
Quyết định 567 ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, theo quyết định này thì trong giai đoạn từ 2016 đến 2018 sẽ chuyển đổi toàn bộ cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sang gạch không nung.
Bộ Xây dựng cũng ban Thông tư 09/2012/TT-BXD, theo đó, sau năm 2015, các công trình từ 9 tầng trở lên phải xây bằng 50% vật liệu xây không nung trở lên (tính theo thể tích khối xây).
Đã có một số chủ đầu tư chủ động dùng gạch không nung trong các công trình của mình để làm tăng giá trị của sản phẩm, như Dự án Ecopark (Hưng Yên). Tại phía Nam, tỷ lệ sử dụng gạch không nung được dùng nhiều hơn so với phía Bắc, chẳng hạn như Sealink Mũi Né (Phan Thiết) của Tập đoàn Rạng Đông, được sử dụng gạch không nung do chính nhà máy là thành viên của Tập đoàn sản xuất.
Tại Sơn La, dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung tại tỉnh Sơn La có mục tiêu nghiên cứu là xây dựng mô hình sản xuất gạch không nung công suất 15 triệu viên/năm, từ nguồn nguyên liệu chính là đất đồi và nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại An Phát, tiểu khu 8, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) đã được chuyển giao dây chuyền công nghệ. Đến nay dự án đã sản xuất thử nghiệm được trên 10.000 viên gạch, tiếp thu, làm chủ và áp dụng thành công quy trình công nghệ sản xuất gạch không nung bằng công nghệ đất hóa đá từ nguyên liệu sẵn có của địa phương. Kết quả nghiên cứu của dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường rõ rệt. Chất lượng gạch được đánh giá tương đương và cao hơn gạch nung truyền thống cùng loại, sử dụng ít diện tích mặt bằng hơn, ít diện tích có mái che hơn, chi phí đầu tư giảm. Không sử dụng nhiệt nên tiết kiệm năng lượng, có thể tận dụng được nguồn đất sẵn có và có lợi thế tại địa phương. Bên cạnh đó, công nghệ được sử dụng cần ít nhân công, bộ máy quản lý gọn nhẹ. Giá thành hạ hơn gạch nung cùng loại từ 200 - 300 đồng/viên.
Thị phần gạch đất nung hiện nay vẫn chiếm hơn 80%. Số gạch này đến từ hàng ngàn lò gạch truyền thống trên cả nước vốn dùng cách đốt than và đất từ đất nông nghiệp. Điều này gây ra nhiều tác động tiêu cực cho môi trường.
Hiện tổng công suất vật liệu không nung chỉ chiếm khoảng 17-18% vật liệu xây dựng mặc dù mức tiêu thụ gạch không nung đã tốt hơn trước. Công suất sản xuất gạch không nung của các nhà máy ở Việt Nam hiện đạt hai triệu mét khối/năm, nhưng tiêu thụ trong nước chỉ dừng ở mức 500 – 600 ngàn mét khối/năm. Hiện trên cả nước có 23 nhà máy sản xuất bê-tông khí chưng áp, bê-tông bọt, gạch block xi-măng cốt liệu đi vào sản xuất như Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên (thương hiệu EBlock), Viglacera, Sông Đà Cao Cường...
Tuy nhiên, đầu tư một nhà máy sản xuất gạch không nung cần vốn rất lớn, trong khi lợi nhuận thấp, thị trường không ổn định và nhiều rủi ro. Thói quen người dân chưa biết đến chất lượng loại gạch này như thế nào cũng là nguyên nhân khiến gạch không nung chưa được phổ biến.
Sử dụng gạch không nung là một xu hướng tất yếu về mặt xã hội. Làm sạch môi trường do không sử dụng các nguyên liệu đốt trực tiếp: Củi , than, trấu và việc lấy đất sét mịn làm vật liệu chính sản xuất gạch. Không làm mất đất canh tác của nông thôn, không làm ô nhiễm nguồn nước ngầm của địa phương sản xuất gạch, không có vật liệu xây dựng thừa (đất, đá, cát). Đây cũng là hướng đi cho ngành vật liệu xây dựng trong thời gian tới, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để gạch không nung phổ biến được ở Việt Nam hiện nay là cần thực thi nghiêm các chính sách nhà nước đã ban hành, trrong đó có chính sách ưu đãi cho gạch không nung để có giá thấp hơn, kích thích thị trường gạch không nung phát triển.