Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện tiêu chí số 2 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang khá ì ạch, nguyên nhân bắt nguồn từ việc thiếu xi măng trầm trọng.
Theo đó, qua 3 đợt triển khai (2012 - 2014), tổng số xi măng làm đường GTNT được UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho các huyện, thành, thị đến hết năm 2014 là hơn 334.600 tấn với tổng chi phí trên 372 tỷ đồng, thế nhưng đến thời điểm này số xi măng các địa phương nhận được chỉ là 267.000 tấn (272 tỷ đồng).
Trong bối cảnh các DN trên địa bàn đang gặp khó khăn, thiếu vốn kinh phí để đầu tư SX, phục vụ kinh doanh thì việc cung ứng diễn ra chậm trễ là điều khó tránh khỏi.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh Nghệ An băn khoăn: Đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 33/431 xã đạt chuẩn NTM, so với mục tiêu đặt ra đến hết năm 2015 phải có 87 xã về đích thì rõ ràng tốc độ triển khai diễn ra khá chậm chạp. Việc cung ứng xi măng bị ngắt quãng khiến cho lộ trình của nhiều địa phương bị ảnh hưởng, trong đó đặc biệt là tiêu chí làm đường GTNT, lúc này mới chỉ có 64 xã hoàn thành, tỷ lệ chưa đến 15%.
Khí thế toàn dân ra quân xây dựng NTM ở huyện Quỳnh Lưu lan tỏa tương đối mạnh mẽ nhưng ngặt một nỗi vì thiếu xi măng mà nhiều kế hoạch buộc phải ngừng lại giữa chừng.
Theo kế hoạch, năm nay xã Quỳnh Bảng được phân bổ 200 tấn xi măng nhưng mãi đến giờ vẫn chưa được rót về, thành thử 4 tiêu chí hạ tầng mà địa phương đang loay hoay là chợ, trạm y tế, cơ sở vật chất trường học và nhà văn hóa vẫn đang trong tình trạng... dài cổ chờ.
Một trong những đơn vị cung ứng nguồn xi măng lớn nhất cho quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An là Nhà máy Xi măng Dầu khí 12/9 (đóng tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn) lại đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo đó, nhằm mục đích chuyển đổi dây chuyền SX từ lò đứng sang lò quay, năm 2009 Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã phối hợp với Cty CP Xi măng Dầu khí 12/9 và đi đến quyết định nâng công suất từ 90.000 tấn/năm lên 550.000 tấn/năm, dự án hoàn thiện được 70% thì buộc phải dừng lại giữa chừng do... thiếu vốn. |
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường ở các xóm Tân Xuân, Mai Giang 2, Quyết Tâm dù đã giải tỏa xong, vật liệu cũng đã tập kết sẵn nhưng đành đắp chiếu. Chứng kiến tiến độ diễn ra quá chậm, bà con nơi đây không khỏi lo lắng.
“Thời điểm này chưa vào chính vụ nên nhà nông không quá bận bịu, hơn nữa thời tiết lúc này tương đối khô ráo, làm đường GTNT sẽ thuận lợi, tới đây khi bước vào mùa mưa bão sẽ rất khó thực hiện, chất lượng công trình chắc chắn bị ảnh hưởng”, một người dân ở xóm Quyết Tâm âu lo.
Không riêng gì huyện Quỳnh Lưu mà huyện Nam Đàn cũng đang gặp phải khó khăn tương tự. Được biết trong năm 2015, toàn huyện phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM bao gồm: Vân Diên, Xuân Hòa, Nam Anh, Nam Xuân, Nam Thượng và Nam Nghĩa, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên con số 10.
Trong khí thế chung, các địa phương đã tích cực huy động sức dân thực hiện tốt công tác GPMB, hiến đất mở rộng các tuyến đường giao thông, góp tiền của mua nguyên vật liệu phục vụ làm đường. Thế nhưng do nguồn xi măng cấp về nhỏ giọt nên tiến độ của chương trình bị ảnh hưởng đáng kể.
Ông Nguyễn Hữu Nhuần, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn tiết lộ: “Năm 2014, Nam Đàn được phân bổ 9.450 tấn xi măng để hoàn thiện 51 km đường giao thông nhưng đến nay chúng tôi mới chỉ nhận được gần 50% (4.700 tấn)”.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ làm đường GTNT cho các xã đăng ký về đích năm 2015. Thế nhưng với những gì đang diễn ra, chủ trương này rõ ràng đang gặp phải không ít vướng mắc.
Ông Nguyễn Hồ Lâm cho biết thêm: “Để quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống GTNT được thông suốt, các cấp, ngành liên quan cũng như các địa phương cần phải thường xuyên trao đổi, đôn đốc các nhà máy cung ứng xi măng, có như thế mới mong tìm ra hướng tháo gỡ”.