|
Một trong những nguyên nhân gây ra sự thay đổi nhiệt độ của trái đất mà cụ thể là thời tiết nóng hơn vào mùa hè và bão lũ gia tăng vào mùa mưa so với những năm trước kia là do sự suy giảm tầng ô-dôn |
Nhiệm vụ của tầng ô-dôn là hấp thụ các tia cực tím từ bức xạ của mặt trời, không cho chúng chiếu xuống Trái đất, giúp bảo vệ sự sống, ngăn cản được những tác động xấu đến đa dạng sinh học và sự cân bằng sinh thái trên trái đất.
Trong những năm gần đây, do sự phát triển của khoa học công nghệ, sự gia tăng dân số làm gia tăng các áp lực đối với môi trường sống dẫn đến mất cân bằng giữa môi trường và dân số. Tầm quan trọng của việc bảo vệ tầng ô-dôn giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực làm mát, đảm bảo an ninh lương thực và bảo quản vắc xin.
Như chúng ta đã biết, khí ô-dôn gồm 3 nguyên tử oxy (O3). Hàm lượng khí ô-dôn trong không khí rất thấp, chiếm một phần triệu, chỉ ở độ cao 25 - 30 km trong tầng bình lưu, khí ô-dôn mới đậm đặc (chiếm tỉ lệ 1/100.000 trong khí quyển) hình thành một lớp không khí giàu khí ozone, thường được gọi là tầng ô-dôn.
Thêm vào đó, dịch bệnh ngày càng gia tăng trong mùa nắng nóng, đặc biệt là các bệnh về da, đục thuỷ tinh thể và là mối đe doạ đối với hệ sinh thái và sự sống của con người. Một trong những nguyên nhân gây ra sự thay đó là do sự suy giảm tầng ô-dôn.
Một trong những nguyên nhân gây ra sự thay đổi nhiệt độ của trái đất mà cụ thể là thời tiết nóng hơn vào mùa hè và bão lũ gia tăng vào mùa mưa so với những năm trước kia là do sự suy giảm tầng ô-dôn.
Tầng ô-dôn có tác dụng bảo vệ trái đất khỏi tia cực tím của ánh sáng mặt trời, tác nhân gây ra bệnh ung thư. Từ những năm 1980s, lỗ thủng tại Vùng Nam cực đã ngày một rộng ra do lượng khí CFC (chlorofluorocarbones) thải ra quá nhiều.
Chất khí này được thải ra từ các tủ lạnh, các hệ thống máy điều hoà, Kể từ sau khi nghị định thư được ký kết tại Montréal vào năm 1997, chúng dần được thay thế bằng các chất khí khác.
Tuy nhiên, lượng khí thải CFC khổng lồ trong quá khứ vẫn tiếp tục phá huỷ tầng ô-dôn thông qua những phản ứng hoá học diễn ra trên cao với ánh sáng mặt trời.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô dôn năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã giao Cục Biến đổi khí hậu xây dựng kế hoạch, thể lệ để phát động Cuộc thi với chủ đề “Bảo vệ tầng ô-dôn để bảo vệ khí hậu trái đất”.
Theo đó, cuộc thi góp phần cụ thể hoá sự phối hợp giữa Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đối với các hoạt động về biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững và hưởng ứng kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của toàn xã hội và thực thi hiệu quả các cam kết của Việt Nam và cộng đồng thế giới về biến đổi khí hậu.
Đồng thời, phản ánh mối liên hệ giữa việc bảo vệ tầng ô-dôn và biến đổi khí hậu, những hoạt động, thành tựu đạt được của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và các Bản sửa đổi, bổ sung trong khuôn khổ Nghị định thư nhiều năm qua; đồng thời thông qua Cuộc thi tiếp cận để huy động sự ủng hộ của cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (ODS) và loại trừ dần các chất HFC.
Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Hằng năm, tất cả các nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm trọng thể này. Việt Nam là quốc gia thành viên đã tham gia sự kiện nhiều năm qua và có nhiều hoạt động hưởng ứng tích cực, hiệu quả.
Ngày quốc tế về Bảo vệ tầng ô-dôn là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực bảo vệ tầng ô-dôn, giữ gìn môi trường sống của nhân loại vì sự phát triển bền vững.
Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất hydrofluorocarbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô.
Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, cần xây dựng kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HFC, nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 và loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.
Để thực hiện cam kết này, sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chính phủ, giữa các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia hỗ trợ của các đối tác quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt là sự tham gia thực hiện của doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.
Tiếp nối các hành động ý nghĩa góp phần bảo vệ tầng ô-dôn trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam cần thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC (tương đương với hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC chỉ còn 2.600 tấn, giảm 1.000 tấn so với giai đoạn trước).
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ô-dôn trên là Việt Nam đã luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn vào trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và quy định chi tiết tại các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Thời gian tới, việc triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam sẽ đồng bộ, hiệu quả hơn nữa khi Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn được ban hành, đi vào cuộc sống.
Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp vào việc ngăn chặn quá trình suy thoái tầng ô-dôn rất cụ thể và đơn giản, đó là: Tự bảo vệ mình khỏi sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, che chắn da, đeo kính râm, đội mũ nón khi đi ra ngoài nắng.
Đồng thời, tích cực giảm ô nhiễm không khí do xe cộ và các thiết bị khác khi hoạt động xả khí thải vào môi trường. Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước trong sinh hoạt và làm việc. Sử dụng ánh sáng tự nhiên trong nhà và nơi làm việc nếu có thể.
Ngoài ra, mỗi chúng ta cần tận dụng phương tiện giao thông công cộng hơn là dùng xe máy cá nhân hoặc taxi nếu có thể. Thỉnh thoảng đi xe đạp hoặc đi bộ đến nơi làm việc. Khi mua các sản phẩm gia dụng, nhất là các loại dùng trong bình xịt, tìm loại ghi trên nhãn “không có CFC”; nên sơn nhà, nên sơn bằng cách quét hoặc lăn, không dùng cách phun sơn; giảm dùng các bao bì bằng nhựa xốp, nếu có sẵn, nên tận dụng nhiều lần.
Bạn hãy vận động gia đình, bè bạn cùng làm như bạn. Chúng ta sẽ có một cuộc sống “xanh” hơn. Nếu cả thế giới chung tay làm những điều này, sẽ tạo ra môi trường xanh và sạch cho tất cả mọi người.