|
Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích |
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến hết năm 2016, cả nước đã trồng thâm canh được 140.713ha rừng cung cấp gỗ lớn. Một số địa phương có diện tích trồng lớn như: Thanh Hóa 16.600ha, Quảng Trị 3.833ha, Bắc Giang 3.428ha; Chuyển hóa rừng được 26.408ha, tiêu biểu như Quảng Trị 11.452ha, Thanh Hóa 400ha, Thừa Thiên - Huế 429ha...
Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích như: Thời gian cây đứng kéo dài từ 10 đến 15 năm nên rừng gỗ lớn duy trì được độ tàn che (độ che phủ của rừng), chống được xói mòn, rửa trôi trong đất, hạn chế lũ lụt và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, người dân có thể tận dụng không gian dưới tán rừng để phát triển các cây trồng dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi. Ngoài ra, trong tương lai rừng gỗ lớn sẽ thay thế gỗ rừng tự nhiên để phục vụ đời sống của người dân, qua đó, hạn chế được tình trạng người dân phá rừng tự nhiên.
Theo thạc sĩ Nhữ Văn Kỳ (Tổng cục Lâm nghiệp), trồng rừng gỗ lớn còn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra. Rừng gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ cácbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Hiện diện tích rừng gỗ lớn của nước ta chỉ đạt 20%, 80% là rừng gỗ nhỏ. Các tỉnh miền Bắc và miền Trung mặc dù đã có quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, song những năm qua hầu hết các tỉnh chủ yếu tập trung cho trồng rừng gỗ nhỏ, số mô hình trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn còn hạn chế.
Trong khi đó, nếu bán gỗ nhỏ, gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy giá trị chỉ đạt 700.000 – 800.000 đồng/tấn, nhưng nếu gỗ (xẻ) chế biến đường kính càng cao thì giá trị càng lớn (đường kính 25 – 30cm khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/m3, giá trị cao gấp 3 lần so với rừng gỗ nhỏ; đường kính trên 30cm khoảng 3 triệu đồng/m3).
Ông Hoàng Văn Chúc, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang) so sánh, rừng trồng keo tai tượng để lấy gỗ lớn có chu kỳ từ 12 - 14 năm, sản lượng gỗ ước đạt 240m3/ha, trị giá 360 triệu đồng. Trong khi đó, một chu kỳ khai thác rừng trồng keo cho gỗ nhỏ (bình quân 6 năm sẽ khai thác) chỉ đạt sản lượng 80m3/ha, trị giá 60 triệu đồng. Việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy cao hơn so với rừng gỗ lớn.
Thời gian qua, các Trung tâm khuyến nông đã tích cực tuyên truyền vận động, cùng với sự hỗ trợ ban đầu về cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, canh tác thông qua các buổi tập huấn, người dân đã dần hiểu và thấy được lợi ích của việc thâm canh rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn.
Hiện điều kiện và khả năng nhân rộng mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trong thời gian tới là rất khả thi, trên cơ sở phát huy tiềm năng về diện tích trồng rừng sản xuất hàng năm rất lớn (từ 190.000 - 200.000ha/năm), trong đó diện tích trồng lại sau khai thác (khoảng 130.000ha/năm) là đối tượng rất thích hợp để chuyển đổi mục đích kinh doanh rừng, đồng thời Việt Nam đã kết thúc cơ bản đàm phán hiệp định VPA/FLEGT với EU. Gỗ, đồ mộc, đồ gia dụng của Việt Nam đã vào được thị trường khó tính này là điều kiện để nâng giá gỗ lên cao trong thời gian tới.
Trong hai năm 2016 – 2017, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã chủ trì, thực hiện dự án xây dựng các mô hình điểm trồng cây gỗ lớn tại 11 tỉnh miền Bắc và miền Trung. Kết quả thu hút 336 hộ tham gia, xây dựng được 17 mô hình, mỗi mô hình có 2 điểm trình diễn, tổng trồng được 650ha rừng gỗ lớn (đạt 100% kế hoạch).
Cây trồng chính dự án triển khai là các giống keo lai BV10, BV16, BV32 được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; bạch đàn lai như UP54, UP99 và mỡ tuyển chọn, các giống này có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Dự án đã hỗ trợ cây giống và phân bón NPK (5:10:3) cho người dân. Đến nay, tỷ lệ cây sống đạt 92 – 95%, cây sinh trưởng nhanh hơn 1,2 – 1,5 lần so với các giống cấy hom. Điển hình như tại tỉnh Quảng Ninh, sau 2 năm triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn (sử dụng hai giống bạch đàn lai mô UP99 và UP54), cây có chiều cao và đường kính gốc cao hơn ít nhất 30% so với rừng trồng đại trà. Hiệu quả khả quan với nhiều cây đạt chiều cao 5,5-6m.
Một số địa phương đã triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn, được người dân và các tổ chức hưởng ứng, trong đó điển hình là tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngành lâm nghiệp tỉnh khuyến khích người dân hướng tới trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp) để tăng hiệu quả kinh tế, thay vì chỉ trồng rừng để khai thác chế biến dăm gỗ như hiện nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 95 nghìn ha rừng trồng các loại. Với giá gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC cao hơn gỗ không có chứng chỉ khoảng 20 đến 25%, lại bán trực tiếp tới các nhà máy, các hộ dân trồng rừng có thêm cơ hội ổn định đầu ra, tăng thu nhập. Từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự tính chuyển thêm khoảng 2.170 ha rừng kinh tế khai thác dăm gỗ sang rừng cây gỗ lớn theo chứng chỉ FSC để nâng cao chất lượng rừng trồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, một số đơn vị trồng rừng gỗ lớn khá hiệu quả, như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sông Hiếu. Ông Hồ Đình Thế - Giám đốc công ty cho hay: Từ năm 2004 - 2005 công ty đã quy hoạch và trồng được 2.700 ha gỗ lớn, đến nay đã khai thác được 1.000 ha, còn lại 1.700 ha đang tiếp tục khai thác. Trồng rừng gỗ lớn đạt từ 140 - 160 m3/ha với chu kỳ 10 - 11 năm, doanh thu từ 180.000 - 200.000 triệu đồng/ha.
Để trồng rừng gỗ lớn đạt hiệu quả, công ty chủ động nguồn giống keo lai đảm bảo chất lượng, giống cây đưa ra trồng đều được xử lý mầm bệnh, chống côn trùng và chăm sóc đúng quy trình. Trong phát triển rừng gỗ lớn cũng cần tuân thủ quy trình trồng rừng đúng lịch thời vụ, ưu tiên trồng rừng vụ xuân và xuân hè để cây sinh trưởng nhanh hơn. Đơn vị còn đầu tư hàng chục tỷ đồng duy tu, xây dựng được trên 250 km đường nguyên liệu để thuận lợi trong quá trình trồng, chăm sóc và khai thác. Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, công ty thực hiện liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tạo sự ổn định trong vòng quay kinh doanh rừng trồng.
Đến nay toàn huyện Tương Dương có khoảng 7.200 ha rừng nguyên liệu, trong đó cây xoan, lát trồng hỗn giao chiếm 80%. Hiệu quả từ trồng xoan đã được khẳng định, vừa dễ trồng, vừa dễ tiêu thụ. Ngoài các cơ chế chính sách đầu tư của Nhà nước về trồng rừng như dự án 147, chương trình 30a…, hàng năm huyện Tương Dương đều hỗ trợ bà con từ 2,5 - 2,7 tỷ đồng trồng rừng (hỗ trợ 100% giống cây).
Tuy nhiên, việc trồng rừng gỗ lớn đang còn khó khăn. Bởi thời gian chăm sóc, bảo vệ dài, tối thiểu gấp đôi trồng rừng gỗ nhỏ dẫn đến quá trình được khai thác, thu hồi vốn đầu tư lâu, trong khi đó điều kiện người dân còn rất khó khăn. Do vậy, cần chú trọng công tác quy hoạch và triển khai các giải pháp đồng bộ về đất đai, khoa học kỹ thuật, lâm sinh và quản lý tổ chức sản xuất đến việc ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn.Các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cần tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của việc trồng rừng gỗ lớn. Ngành lâm nghiệp cũng cần có chính sách để tăng cường thu hút và kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế vào các dự án phát triển rừng gỗ lớn, nhằm tăng nguồn lực cho phát triển rừng.