|
Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hạn hán kéo dài ở nhiều quốc gia trên thế giới |
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển ven bờ và đất liền, sự khai thác, tàn phá quá mức nguồn tài nguyên và những tác động không mong muốn khác mà con người không kiểm soát được.
Việt Nam nằm trong top 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển tăng 1m, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% thu nhập quốc nội (GDP). Nước biển dâng ở mức 3 – 5m, đồng nghĩa với thảm họa có thể xảy ra. Vì vậy, phải xây dựng kịch bản thích ứng và đối phó chi tiết với vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng, để từ đó đưa ra các chính sách, chương trình hành động đúng, phù hợp.
Các tác động ban đầu của biến đổi khí hậu ở nước ta có thể nhận thấy qua những thay đổi về khí hậu theo mùa ở các vùng miền khác nhau; lượng mưa và mùa mưa thay đổi. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ước tính, mực nước biển ở Việt Nam có thể dâng thêm 33,3cm vào năm 2050 và dâng 45cm vào năm 2070. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và đang tác động, gây ra những hệ lụy với môi trường và cuộc sống con người:
Nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn: Thiên tai xảy ra dồn dập với cường độ ngày càng cao hơn. 30 năm qua, có một nửa trong tổng số các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam đã làm dâng cao mực nước trên 1m và có 11% số cơn bão làm dâng cao mực nước biển trên 2m.
Ngập úng ở vùng châu thổ diện rộng vào mùa mưa lũ, các dòng sông gia tăng cường độ xâm thực ngang, gây sạt lở lớn ở các vùng ven bờ trên nhiều khu vực từ Bắc vào Nam. Ở các vùng ven biển đã thấy rõ hiện tượng vùng ngập triều cửa sông mở rộng hình phễu trên diện rộng, nhất là ở hạ du các hệ thống sông nghèo phù sa như các hệ thống sông Thái Bình, Bạch Đằng, ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh và hệ thống sông Đồng Nai ở vùng ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Bờ biển miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận cũng đang bị sóng biển xâm thực khá mạnh, nhiều khu vực tốc độ sạt lở bờ biển từ 15-30m/năm.
Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản và du lịch suy giảm: Các vùng ven biển Việt Nam có số dân khoảng 18 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số cả nước, trong đó diện tích đất sử dụng chiếm 16% tổng diện tích cả nước. 58% số dân vùng ven biển chủ yếu sống dựa và nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, khoảng 480.000 người trực tiếp làm nghề đánh bắt hải sản, 10.000 người chế biến và 2.140.000 người cung cấp các dịch vụ liên quan đến nghề cá. Biến đổi khí hậu sẽ gây đe dọa ở nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Sự tổn hại về đa dạng sinh học và hệ sinh thái:Theo đánh giá của ngân hàng Thế giới đối với các sinh cảnh tự nhiên quan trọng ở Việt Nam dựa trên những kịch bản nước biển dâng, cứ 1m nước biển dâng lên có thể ảnh hưởng tới 27% sinh cảnh tự nhiên, trong đó 33% ở khu bảo tồn, 23% các vùng có đa dạng sinh học chủ chốt. Những tác động tiềm tàng này đang tăng lên từ 1/4 đến 1/3 tất cả các vùng sinh cảnh tự nhiên then chốt ở Việt Nam.
Ngoài những ảnh hưởng xấu vừa nêu, biến đổi khí hậu – nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm và phá hủy kết cấu hạ tầng và tài nguyên du lịch, từ đó làm giảm lượng khách và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người, trong đó đa phần là người nghèo.
Theo IPCC (Công ước khung về biến đổi khí hậu), do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, khả năng mực nước biển sẽ dâng cao 1m vào cuối thế kỷ XXI, hệ quả là hằng năm Việt Nam có 40.000km2 vùng ven biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có 90% thuộc Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn, thiệt hại về tài sản có thể lên tới 17 tỷ USD.
Nước biển dâng cao kèm theo mưa bão lớn sẽ đe dọa tàn phá các kết cấu hạ tầng quan trọng, gây ngập lụt các tuyến đường sắt ở vùng duyên hải, sân bay, phá hủy cầu cống và hệ thống ống dẫn cùng nhiều công trình kết câu hạ tầng giao thông khác.
Nước biển dâng còn ảnh hưởng trực tiếp đến đến nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường. Do ngập lụt trong thời gian dài, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải từ các nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, các chất thải khác… bị rửa trôi, xuống hồ ao, sông suối trôi nổi khắp nơi, dịch bệnh dễ xảy ra và khó kiểm soát, sức khỏe của người dân sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Các công trình cấp nước sạch tập trung bị hư hỏng hoặc do nguồn nước cấp bị ô nhiễm gây khó khăn cho việc xử lý nước, cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Chính vì thế, để từng bước ngăn chặn tác hại của biến đối khí hậu tới cuộc sống, cần: Xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện Công ước về Biến đổi khí hậu, Nghị định thư Ky-o-to và Cơ chế Phát triển sạch (CDM); quy hoạch về phát triển vùng ven biển, các kế hoạch di dời, tái định cư phải được tính toán cẩn thận khi đối chiếu với mực nước biển dâng. Trong các quy hoạch chiến lược đê biển ứng phó với nước biển dâng, các quy hoạch nuôi trồng thuỷ hải sản cần phải xây dựng các mô hình thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tuỳ theo từng khu vực. Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước, điều hòa, chia sẻ và cân đối nguồn nước giữa các lưu vực, có kế hoạch phù hợp trong quản lý hoạt động của các hồ chứa nước ở thượng lưu nhằm điều tiết dòng chảy cho vùng hạ lưu, hạn chế xâm nhập mặn. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với người nghèo; thành lập các nhóm chuyên gia, các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu liên quan để thực hiện các nghiên cứu, dự án về biến đổi khí hậu; xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đánh giá các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đề xuất các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư cho các chương trình nghiên cứu và đánh giá tính tổn thương của các hệ sinh thái các vùng ven biển; xây dựng các kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam cho giai đoạn 2010 – 2020 kết nối với các chương trình quốc tế và tiếp nhận sự trợ giúp quốc tế. Hợp tác về chuyển giao công nghệ… Khai thác và ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Quy hoạch lại đất đai, tài nguyên nước, xây dựng kết cấu hạ tầng tại các vùng nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng. Nghiên cứu và tìm ra các giống cây trồng trong nông nghiệp thích ứng với môi trường.
Có cơ chế để tăng nguồn lực tài chính trong nước và mở rộng khả năng tiếp cận những nguồn tài chính khác, hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường ; đa dạng hóa các hình thức cho vay, hỗ trợ vốn, cho vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ hoặc cho vay có hoàn trả; thế chấp tài sản để thực hiện các chương trình, đề án, dự án thử nghiệm, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận thức được biến đổi khí hậu là vấn đề hiện hữu, là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Qua đó, góp phần thay đổi hành vi của họ với môi trường như tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên nước, bảo vệ rừng ngập mặn, trồng và bảo vệ các loại rừng phòng hộ ven biển; đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định ở các cấp, địa phương. Củng cố năng lực để xây dựng và thực hiện các chiến lược thích ứng cho cộng đồng thông qua phòng chống thiên tai, lồng ghép với phòng và giảm thiểu rủi ro, thiệt hại vào các kế hoạch phát triển ở địa phương. Coi trọng việc tạo ra những thay đổi trong lối sống và hành vi. Xây dựng một kênh truyền thông riêng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ nhất về các vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng; tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và cơ chế phát triển sạch để đạt được các thỏa thuận hợp tác. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực trong thời kỳ hậu Ky-o-to, tích cực tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị và đàm phán quốc tế về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Qua đó yêu cầu các nước phát triển hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ mới, thân thiện với môi trường nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đồng thời sẵn sàng phối hợp với các nước phát triển trong việc xây dựng và thực hiện các dự án CDM tại Việt Nam phục vụ phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Xây dựng các danh mục dự án để kêu gọi tài trợ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Hợp tác quốc tế trong đào tạo, nâng cao năng lực thông qua đầu tư trực tiếp, tư vấn và xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm. Đẩy mạnh hợp tác xây dựng Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam.