Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp
14:08 - 26/04/2018
(MTNT)- Những năm gần đây, tại một số tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nước biển xâm nhập sâu vào các sông rạch khiến các dòng sông bị nhiễm mặn sớm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động nông nghiệp.
Cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn và đã có 11 tỉnh, thành phố công bố tình trạng xâm nhập mặn (Ảnh minh họa).


Hiện mức độ xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40-60 km, với tỉ lệ độ mặn từ 1-3 phần nghìn, có nơi lên đến 5-6 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng cao.
 
 
Diễn biến mặn tại ĐBSCL khá phức tạp. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến nay, xâm nhập mặn đến sớm hơn từ 1 - 1,5 tháng so trước đây và có thể kéo dài hơn. Độ mặn đầu mùa khô khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn trước đây. Độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở Biển Đông, vùng biển Tây hoặc cả hai.
 
 
Lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ít cũng là nhân tố chính ảnh hưởng đến tình hình xâm nhập mặn ở vùng cửa sông ven biển của ĐBSCL, trong đó thủy triều là nhân tố động lực, mang nước biển kèm theo độ mặn đi sâu vào nội đồng, trong khi lượng nước từ thượng lưu đổ về còn hạn chế. Bên cạnh đó, lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn.
 
 
Ngoài ra, yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn như: Khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất và đời sống ở địa phương, thay đổi mục đích sử dụng đất cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình xâm nhập mặn.
 
 
Xâm nhập mặn khiến ngành nông nghiệp chịu tổn thất nặng nề về năng suất, sản lượng cây, con. Sự tăng độ mặn làm người dân giảm thu nhập, giảm lựa chọn sản xuất và khả năng đi lại trên những vùng đất ngập úng. Chất lượng nước cho tích trữ, tiêu dùng sinh hoạt và thủy lợi đều xuống thấp và làm giảm tuổi thọ của cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Nông dân cũng chịu tổn thất những chi phí trực tiếp từ các vấn đề khác như sức đề kháng của cây trồng, vật nuôi kém, máy móc han gỉ, đất bị nhiễm mặn, xói mòn cần cải tạo, suy giảm hệ thực vật và động vật bản địa…
 
 
Những tháng đầu năm 2018, sông, rạch tại khu vực ĐBSCL xuất hiện các thời đoạn có dòng chảy thấp, biến động khó lường, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất tại địa phương; đồng thời, làm mặn gia tăng sớm.
 
 
Tại các huyện ven biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang như: Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, chỉ trong mấy ngày (từ mùng 7 đến mùng 10 tháng Giêng), mặn theo kênh xáng Rạch Giá – Hà Tiên với nồng độ từ 6 - 8 phần nghìn đã xâm nhập vào hệ thống kênh nội đồng hàng chục km. Trong khi đó, trên 100.000ha lúa ở khu vực này hầu hết đang trong thời kỳ ôm đòng, trổ - chín khiến nông dân hết sức lo lắng.
 
 
Cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn và đã có 11 tỉnh, thành phố công bố tình trạng xâm nhập mặn là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận.
 
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguyên nhân chủ yếu là do El Nino làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa trong cả mùa lũ và mùa cạn. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ việc gia tăng sử dụng nước, trữ nước ở các quốc gia thượng nguồn làm cho mặn xâm nhập sâu hơn vào trong nội đồng.
 
 
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở ĐBSCL như: Xây dựng hệ thống kênh rạch dẫn nước ở ĐBSCL; các công trình ngăn mặn lớn tại ĐBSCL gồm hệ thống thủy nông Quản Lộ-Phụng Hiệp, hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre, cống đập Ba Lai và hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL. Các địa phương trong vùng ĐBSCL cần chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó, nhất là cần chủ động quản lý nguồn nước. Do đó, cơ cấu mùa vụ truyền thống, quy hoạch sản xuất của các vùng cần thay đổi.
 
 
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo, các địa phương cần tích trữ nguồn nước ngọt bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh, rạch; thực hiện quyết liệt hành động chống hạn, như: khai thông dòng chảy, xây dựng ao, hồ chứa nước ngọt, đặc biệt, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý.
 
 
Chuyên gia thủy lợi Nguyễn Ngọc Anh- nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam lại cho rằng cần thay đổi tư duy của ngành nông nghiệp bằng cách chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu vật nuôi, cây trồng (đặc biệt là cơ cấu các vụ lúa) theo hướng thích nghi với tình trạng hạn-mặn trong phạm vi cho phép.
 
 
Ở những nơi sản xuất 2 vụ lúa khá ổn định, nếu gặp năm xâm nhập mặn cao không đủ tưới, có thể chuyển sang trồng màu, thậm chí để đất nghỉ một vụ. Ở nơi sản xuất 2 vụ lúa còn bấp bênh, thường xuyên bị mặn uy hiếp, có thể chuyển sang trồng 1 vụ lúa + 1 vụ màu hoặc 1 vụ lúa + 1 vụ tôm.
 
 
Ở cấp độ quốc tế, cần chủ động khuyến nghị các quốc gia vùng thượng nguồn như Trung Quốc, Lào, Campuchia có chính sách liên kết trong khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mekong bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc.
 
 
Trong năm 2018, khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối phó với tình trạng xâm nhập mặn. Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo, đối với các vùng cách biển từ 30 - 50 km, có khả năng bị mặn 4 phần nghìn xâm nhập vào các tháng 2, 3 và 4 (kể cả tháng 5 nếu không có mưa). Đối với các vùng cách biển từ 60 - 65km, tuy ít gặp xâm nhập mặn 4 phần nghìn nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường.
 
 
Các tỉnh ĐBSCL cần triển khai thực hiện các công tác trọng tâm như: Tăng cường quan trắc độ mặn; nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
 
 
Tại thành phố Cần Thơ, Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra” đã được triển khai nhằm tăng cường khả năng chống chịu, giảm nhẹ thiệt hại do nước biển dâng gây ra; phát triển hệ thống quan trắc nước mặt của thành phố, góp phần chuyển tải thông tin về độ mặn nguồn nước kịp thời đến người sử dụng. Đến nay, 8 trạm quan trắc độ mặn tự động của dự án hoạt động tốt, cung cấp thông tin kịp thời khi mặn xâm nhập tại các sông, kênh, rạch chính.
 
 
Tỉnh Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mục tiêu bảo đảm đủ nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho bà con ở vùng có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn.
 
 
Trên vùng Tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu và U Minh Thượng, các địa phương tập trung triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình thủy lợi trọng điểm, nạo vét kênh mương bồi lắng để trữ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô.

Đức Hùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn