|
Nếu nước biển dâng thêm 1m thì khoảng 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập |
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lưu lượng trung bình mùa cạn trên các sông Tiền, Hậu có xu hướng giảm, kéo theo xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu hướng gia tăng.
Đến nay, 11/13 tỉnh thuộc ĐBSCL đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn, mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua.
Dự báo, nếu nước biển dâng thêm 1m thì khoảng 40% diện tích ĐBSCL và 11% đồng bằng sông Hồng cùng 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập 17,8% diện tích, Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%) và khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp; tổn thất lên tới 10% GDP...
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế cường độ cao của người dân gây ra nhiều tổn thương và hệ lụy, gây ra hiện tượng sụt lún lớn với tốc độ nhanh, mức độ ngày càng nghiêm trọng, môi trường bị suy thoái do ô nhiễm nước, không khí và tàn phá rừng ngập mặn.
ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển. Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh An Giang đã xảy ra khoảng 120 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng làm mất đất đai, thiệt hại nhà cửa, cơ sở hạ tầng, đường giao thông ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Hiện khu vực ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km, trong đó sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268km, nghiêm trọng nhất tại Cà Mau và Kiên Giang. Mỗi năm, chúng ta đang mất khoảng 300 ha đất do bị bị sụt lún, sạt lở.
Tình trạng ngập lụt đô thị tại ĐBSCL ngày càng gia tăng, do mưa cực đoan hơn và do bê tông hóa đô thị làm mất các khu trữ nước và vùng ven đô.
Ngoài ra, các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Cửu Long gây tác động nghiêm trọng đến chế độ phù sa bùn cát phía hạ du, làm gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông trên dòng chính sông Mekong và bờ biển vùng bán đảo Cà Mau. Hiện tại khu vực Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) sụt giảm 42% tổng lượng hàng năm.
Trong tương lai, tác động của việc sụt giảm phù sa sẽ nghiêm trọng hơn, khi tất cả công trình thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Mekong đi vào vận hành. Ước tính tổng lượng phù sa sụt giảm khoảng 75%. Tương lai lượng bùn cát về Việt Nam sẽ còn khoảng 10%.
Trước thực trạng BĐKH đang diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BÐKH. Theo đó, các địa phương đã tích cực hành động để ứng phó với BĐKH.
Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê; đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị, khu dân cư nông thôn ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.
Đồng thời, triển khai dự án thí điểm trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm điện bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất; điều chỉnh bổ sung quy hoạch và nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi.
Thành phố Cần Thơ đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, đô thị, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, ổn định dân cư trên cơ sở tích hợp các yếu tố BĐKH. Ngoài việc chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thành phố còn hướng đến vận động chính sách ở cấp quốc gia, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế trong thực hiện các dự án về BĐKH.
Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Hậu Giang tập trung xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý phục vụ nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thị trường thích ứng với BĐKH; triển khai thực hiện đề án phát triển công nghiệp xanh, đề án về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chương trình, dự án khoa học công nghệ về phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.
Hiện tại, liên kết vùng là vấn đề đang được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm để cùng ứng phó với BĐKH. Các tỉnh, thành trong Tiểu vùng Tứ giác Long xuyên thường xuyên có những cuộc trao đổi để hoàn thiện Đề án liên kết ứng phó với BĐKH.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và thủy lợi, vấn đề nổi cộm chính là nguồn nước ngày càng khan hiếm, cho nên chiến lược đầu tiên là chọn cây trồng nào ít sử dụng nước và không tiếp tục gia tăng hoặc giữ diện tích trồng lúa nhiều như hiện nay. Rất cần thiết xen canh mô hình canh tác lúa-cá, lúa-tôm để giảm bớt sử dụng nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Ví dụ như mô hình lúa - tôm, lúa - thủy sản phát triển khá nhiều ở các tỉnh, thành như: Cà Mau, Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng; ở những vùng lũ Đồng Tháp có mô hình lúa - cá - sen - kết hợp du lịch. Có thể nói, đây là mô hình bền vững và đang phát triển mạnh, người nông dân không phụ thuộc vào bất kỳ loại nông sản nào, bởi khi công việc này thất bại, có công việc khác bù vào.