Báo động tình trạng gia tăng hạn hán
14:24 - 25/10/2021
(MTNT)- Theo Báo cáo Đặc biệt của Liên hợp quốc về hạn hán năm 2021, với sự tác động của biến đổi khí hậu, thực hành quản lý nước kém và mật độ dân số ngày càng tăng, con người đang sắp phải đối mặt với một “đại dịch” hạn hán thảm khốc.
Nạn phá rừng, khai thác quá mức nước cho canh tác là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng hạn hán.


Báo cáo cho biết: Khi thế giới đang tiến tới một thực tế dường như không thể tránh khỏi là nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng hơn 2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, các tác động của hạn hán đang gia tăng và được dự đoán là sẽ tồi tệ hơn ở nhiều khu vực. Ít nhất 1,5 tỷ người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán trong hai thập kỷ qua, gây thiệt hại cho các nền kinh tế hơn 124 tỷ USD.
 
 
Gần như tất cả các quốc gia sẽ phải hứng chịu hạn hán dưới một số hình thức. Mỹ, Australia và Nam Âu đã trải qua hạn hán trong những năm gần đây. Hạn hán gây thiệt hại hơn 6 tỷ USD/năm ở Mỹ và khoảng 9 tỷ euro (khoảng 10 tỷ USD) ở EU do tác động trực tiếp.
 
 
Năng suất cây trồng thường giảm vào các vụ mùa có thời tiết nắng nóng, nhưng nắng nóng và hạn hán xảy ra đồng thời có thể gây ra những ảnh hưởng lớn hơn thế. Các nghiên cứu cho thấy tác động kép của nắng nóng và hạn hán sẽ khiến năng suất ngô và đậu tương giảm thêm tới 20% ở nhiều vùng của Hoa Kỳ, 40% năng suất ở đông Âu và đông nam châu Phi. Ở những nơi năng suất cây trồng bị hạn chế do khí hậu mát hơn, chẳng hạn như ở miền bắc Hoa Kỳ, Canada và Ukraine, tác động kép của nắng nóng và hạn hán có thể làm giảm mạnh năng suất dự kiến trong điều kiện nóng lên toàn cầu.
 
 
Thay đổi mô hình mưa do tác động của biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến hạn hán, nhưng báo cáo cũng xác định việc sử dụng tài nguyên nước kém hiệu quả và suy thoái đất do thâm canh và canh tác kém trong nông nghiệp cũng đóng vai trò gia tăng hạn hán. Phá rừng, lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, chăn thả quá mức và khai thác quá mức nước cho canh tác cũng là những vấn đề lớn.
 
 
Tại Việt Nam, năm 2020, các tỉnh Nam Trung bộ gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận hạn hán chưa từng có. Đặc biệt khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận 4 tháng đầu mùa khô không có mưa, tổng lượng mưa khu vực Nam Trung bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%; lượng dòng chảy thiếu hụt từ 40-70%, một số sông nhỏ đã tắt dòng. Các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đã phải công bố cấp độ rủi ro hạn hán cấp độ 2-3.
 
 
Đến cuối tháng 5/2020, 21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận hầu hết xấp xỉ ở mực nước chết, có hồ cạn trơ đáy, lượng nước trong các hồ chỉ còn 23,94/194,49 triệu m3 (12,31%). 17 hồ của tỉnh Bình Thuận, dung tích chỉ còn 11,16/259,38 triệu m3 (4,3%). 28 hồ thủy lợi của tỉnh Khánh Hòa với dung tích 210 triệu m3 cũng chỉ còn hơn 50% dung tích. Nước cho sinh hoạt thiếu hụt nghiêm trọng, nhiều nơi người dân phải mua với giá dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/m3.
 
 
Để ứng phó với hạn hán, thiếu nước, hơn 46.000ha cây trồng phải bỏ vụ để ưu tiên nước sinh hoạt và chăn nuôi. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận phải dừng 16.831 ha diện tích cây trồng, tỉnh Bình Thuận 15.000 ha, tỉnh Khánh Hòa khoanh vùng, bỏ vụ 14.200 ha để ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho 51.177 hộ, với 197.728 nhân khẩu và phục vụ chăn nuôi.
 
 
Từ tháng 4 đến giữa tháng 6/2021, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Gia Lai thiếu hụt khoảng 50% so với trung bình nhiều năm. Hạn hán trong vụ mùa đã khiến cho hàng chục nghìn ha cây trồng của người dân các huyện đông và đông nam tỉnh bị ảnh hưởng như: Thị xã An Khê, các huyện Kbang, Đăk Pơ, Ia Pa, Kông Chro, Krông Pa. Trong đó, các địa phương bị hạn nặng nhất là huyện Kbang, với hơn 2.100 ha và huyện Krông Pa hơn 16.200 ha (chiếm 45% tổng diện tích cây trồng vụ mùa 2021 tại huyện). Cũng tại huyện Krông Pa, hơn 12.000 ha cây trồng bị thiệt hại nặng trên 70%, chủ yếu là cây sắn và lúa.
 
 
Hay như tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 2.600ha diện tích trồng lúa vụ Hè Thu 2021 không chủ động nguồn nước, do đó phải chuyển đổi qua trồng các loại cây chịu hạn như: Đậu, lạc, dưa hấu… Ngoài ra, một số khu vực do ảnh hưởng nặng của hạn hán, xâm nhập mặn phải bỏ hoang khiến nông dân gặp khó khăn...
 
 
Điển hình như huyện Phú Vang có diện tích lúa vụ Hè Thu 2021 không thể sản xuất lớn nhất tỉnh với 1.156ha do không chủ động được nguồn nước tưới. Trong đó, xã Vinh Xuân có 198ha trồng lúa phải chuyển đổi qua cây trồng ngắn ngày, hoặc một số diện tích phải bỏ hoang. Các xã, thị trấn: Vinh Hà, Phú Diên, Phú Đa, Phú An... cũng “chung cảnh ngộ” khi hàng trăm ha diện tích trồng lúa do thiếu nước nên phải chuyển đổi qua trồng các loại cây chịu hạn. Ngoài ra, cũng có một số khu vực do bị nhiễm mặn phải bỏ hoang.
 
 
Hạn hán còn dẫn tới sa mạc hóa nhiều khu vực trên Trái Đất. Theo Bộ NN&PTNT, sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất. Trên thế giới, diện tích các hoang mạc chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền của Trái Đất, chỉ tính riêng 10 khu vực hoang mạc hóa lớn nhất thế giới đã có diện tích lên đến 43.967 triệu km2. Tại Việt Nam diện tích sa mạc tự nhiên khoảng 400.000 ha. Tại khu vực đất canh tác sự suy thoái đất ở Việt Nam được phân chia thành bốn mức độ: Nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái khoảng 6,7 triệu ha; nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái khoảng 2,4 triệu ha; nhóm diện tích đất đã bị suy thoái khoảng 1,3 triệu ha; cuối cùng là đất bị suy thoái thành sa mạc nhân tạo chiếm diện tích ít ỏi, chỉ vài nghìn ha.
 
 
Để giải quyết tình trạng hạn hán, thiếu nước ở Việt Nam, theo các chuyên gia, cần tập trung vào mấy nhóm giải pháp: Thứ nhất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tính toán chuyển đổi hợp lý cây trồng để thích ứng với điều kiện và khả năng nguồn nước của từng địa phương.
 
 
Thứ hai, phát triển, quản lý có hiệu quả rừng; tăng diện tích che phủ đặc biệt là rừng đầu nguồn, góp phần giữ nước, hạn chế sạt lở đất, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế.
 
 
Thứ ba, hoàn thiện, tăng cường hệ thống thủy lợi nhất là các kênh chuyển nước, kênh nội đồng phục vụ tưới tiêu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển các ngành kinh tế - xã hội.
 
 
Thứ tư, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn, trọng điểm có sức lan tỏa cao; kết nối liên hồ, liên lưu vực.
 
 
Thứ năm, các Công ty thủy lợi tăng cường nâng cao năng lực, đổi mới theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Trọng Bảo
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn