Cùng bảo vệ môi trường biển
09:01 - 02/04/2022
(MTNT) - Môi trường biển sạch là nền tảng tạo nên nguồn thủy sản an toàn và dồi dào, phát triển kinh tế, du lịch biển bền vững, đồng thời là động lực để cải thiện sinh kế giúp nâng cao đời sống ngư dân.
Để bảo tồn và bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển hiệu quả, cần thực hiệp pháp luật tốt, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cho dân cư sống trong và lân cận khu bảo tồn biển



Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường biển là hiện tượng nước biển bị các nguyên nhân khác nhau tác động làm thay đổi tính chất, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ số sinh hóa của nước biển. Đồng thời, gây hại tới sức khỏe con người và các sinh vật sống trên biển.


Bởi, việc nguồn nước biển ô nhiễm sẽ kéo theo các loài sinh vật dười biển có nguy cơ bị tuyệt chủng. Kèm theo đó là hệ sinh thái, cảnh quan của biển cũng sẽ gặp những tác động tiêu cực và ảnh hưởng nặng nề.


Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển và ngày càng trở nên nghiêm trọng do hậu quả của sức ép dân số, tăng trưởng kinh tế, khả năng quản lý và sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên biển.


Việt Nam có tới trên 100 con sông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng. Tất cả các con sông đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền như chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, nước thải chưa xử lý, hóa chất, thuốc trừ sâu, rác, phế thải vật liệu xây dựng, nên nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển không ngừng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái và nhiều mặt của đời sống xã hội.


Hàng năm các con song tại nước ta thải ra biển 880 km3 nước và 270 – 300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như: các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp.


Những loại rác không phân hủy được trôi nổi ven biển, lắng xuống đáy biển, rác phân hủy được sẽ hòa tan và lan truyền trong toàn khối nước biển.


Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển (marine debris), đặc biệt là rác thải nhựa. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.


Hay còn có những khu vực rừng ngập mặn tràn ngập túi rác thải nilon. Ngoài ra, hiện lượng chất thải rắn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước Việt Nam vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày).


Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam, vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia đang đứng trước những thách thức.


Nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động. Gây ra thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia.


Sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đang đè nặng lên môi trường biển và hải đảo, cùng với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, các sự cố môi trường biển.


Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất thải hữu cơ là rác thải từ hoạt động công nghiệp tác động đáng kể đến môi trường biển, làm suy giảm chất lượng thủy sản và một số loài sinh vật biển khác, làm nước biển nhiễm độc, đặc biệt tại các vịnh và khu vực cửa sông.


Gắn liền với sự phát triển đô thị ven biển là sự gia tăng dân số, chủ yếu là sự gia tăng cơ học, các đô thị biển cũng thu hút khách du lịch dẫn đến gia tăng các nguồn thải, gây áp lực lên hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải...


Do đặc thù du lịch ở nước ta có chu kỳ mùa vụ (du lịch biển chủ yếu tập trung vào mùa Hè), lượng du khách tập trung đông vào một thời điểm khiến quá tải hệ thống thu gom rác thải, nước thải... gây ô nhiễm môi trường.


Hoạt động du lịch và dịch vụ biển không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị mà còn tác động lên không gian của các đô thị ven biển. Chỉ tính riêng lượng chất thải phát sinh từ các tàu du lịch trên vịnh Bắc Bộ đã ở mức trung bình 11,3 kg rác thải/tàu/ngày đêm.


Hiện nay, qua khảo sát các tàu du lịch biển trên vịnh Bắc Bộ cho thấy, có tới 77% số tàu thải chất thải trực tiếp ra vịnh, chỉ có 20% số tàu mang chất thải vào bờ để xử lý.

Sự gia tăng chất thải nhựa đại dương trong những năm gần đây là vấn đề lớn mang tính toàn cầu và cũng là áp lực lớn trong công tác quản lý chất thải trên biển 


Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa ở các khu vực ven biển và những tác động của con người đối với môi trường được thể hiện rõ qua thống kê lượng nước thải sinh hoạt tại các đô thị ven biển. Ước tính, tại các khu vực ven biển, lượng nước thải phát sinh sẽ vào khoảng 122-163 triệu m3/ngày, đây là một sức ép lớn đến môi trường biển.


Nước thải sinh hoạt có chứa hàm lượng các chất hữu cơ, hợp chất chứa nitơ, chất rắn lơ lửng, các thành phần vô cơ, vi sinh vật, vi trùng gây bệnh khác... nếu không được quản lý, kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước biển ven bờ.


Để bảo tồn và bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển hiệu quả, cần thực hiệp pháp luật tốt, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cho dân cư sống trong và lân cận khu bảo tồn biển để họ tham gia chủ động hơn vào việc quản lý khu bảo tồn biển, ủng hộ ban quản lý trong thực hiện kế hoạch quản lý, góp phần giảm sức ép khai thác bất hợp lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản;  tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ cao cũng như triển khai áp dụng phương thức đồng quản lý tài nguyên và môi trường biển, kiểm soát chặt các nguồn thải từ các cửa sông, từ đất liền...




Ngân Phương





Nguồn:
https://baotintuc.vn/xa-hoi/tang-cuong-kiem-soat-o-nhiem-moi-truong-bien-bai-1-hien-trang-moi-truong-bien-20210919104656347.htm
https://www.thiennhien.net/2019/11/29/moi-truong-bien-viet-nam-bai-1-o-nhiem-va-suy-thoai-gia-tang/

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn