|
Chính phủ đã quan tâm đầu tư 37.690 km đê bao chống lũ triệt để bảo vệ 10.539 ô ruộng |
Các đô thị trong khu vực ĐBSCL đều bị ngập úng do lũ, do triều cường và mưa lớn; 2078km trên tổng số 13.347km đê bao đã bị ngập, riêng ở hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang trên 50% cụm tuyến dân cư đã bị ngập; hệ thống đê bao bờ bao quá nhiều (37.690km), độ bền vững không cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Hệ thống hồ chứa thủy điện đã và sẽ xây dựng trong lưu vực sông Mekong là 144 hồ, với tổng dung tích chiếm gần 30% tổng lượng dòng chảy bình quân. Lưu lượng dòng chảy trung bình mùa lũ sẽ giảm, những năm lũ trung bình và lũ nhỏ sẽ gần như không còn lũ, lưu lượng dòng chảy trung bình mùa kiệt sẽ tăng. Nhưng lưu lượng dòng chảy lũ lớn nhất vẫn tăng cao, lưu lượng dòng chảy kiệt nhỏ nhất sẽ giảm, phụ thuộc vào chế độ vận hành các hồ chứa. Sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa sẽ làm gia tăng nhu cầu dùng nước, làm suy giảm dòng chảy kiệt về hạ lưu.
Lưu lượng bình quân mùa lũ giảm, dòng chảy trong sông sẽ yếu dần, ngược lại, dòng triều tác động ngày càng mạnh lên. Cùng với việc san lấp các vùng trũng, làm biên độ triều tăng, năng lượng triều gia tăng, thời gian truyền triều từ biển vào rút ngắn, mức nước đỉnh triều cao dẫn đến diện tích bị ngập triều gia tăng, xói lở bờ nhiều hơn và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Lưu lượng tạo lòng sông thay đổi, cùng với sự sụt giảm khoảng 75% hàm lượng phù sa, đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra xói lở ở ven sông, kênh rạch và ven biển một cách nghiêm trọng.
Những tác động từ suy giảm diện tích rừng, từ biến đổi khí hậu, sự gia tăng nhu cầu nước ở các nước thượng nguồn sông Mekong gồm Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và vấn đề quản lý hồ thủy điện khi có công trình trên sông Tonle Sap nhằm kiểm soát Biển Hồ ở Campuchia có thể làm cho lưu lượng lũ lớn nhất trên sông Mekong, dòng chảy kiệt có thể suy giảm khoảng 10% vào năm 2030 và 20% năm 2050. Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng đỉnh lũ lớn và sự xâm nhập mặn một cách nghiêm trọng ở ĐBSCL.
Vào những năm kiệt nước, diện tích bị xâm nhập mặn ở ĐBSCL chiếm diện tích khoảng 1,6-1,8 triệu ha, gây ra những tác động lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Trong thời gian tới, sự suy giảm dòng chảy mùa kiệt từ thượng lưu tất yếu sẽ xảy ra do suy giảm diện tích rừng, phát triển kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu và thủy điện.
Sự hạ thấp mực nước ngầm ở các đô thị và ở ĐBSCL ở mức 70cm/năm rất nghiêm trọng, kéo theo việc lún sụt đất ở các đô thị và đồng bằng ở mức 2-3cm (gấp 5 lần tốc độ nước biển dâng) cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự úng ngập ở các đô thị ở ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra những trạng thái thiên tai cực đoan như bão lớn, siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn, và có thể gây ra những tổn thất khó lường.
Do chưa có quy hoạch cấp nước chủ động cho vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và chất nước không tốt, nên người nuôi trồng đã khai thác nước ngầm quá mức, dẫn đến sự lún sụt đất rất nghiêm trọng ở đồng bằng. Tốc độ lún sụt đất gấp 7-10 lần so với tốc độ nước biển dâng theo kịch bản trung bình. Giải quyết vấn đề cấp nước ngọt chủ động cho vùng nuôi trồng thủy sản là một nhu cầu cấp bách tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững vùng nuôi, đồng thời khắc phục được nguyên nhân chính gây lún sụt đất.
Giải quyết vấn đề úng ngập do mưa và vấn đề lún sụt đất ở các đô thị là một nhu cầu bức bách ở ĐBSCL. Trong hơn 20 năm qua lượng mưa ngày lớn nhất ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL đã gia tăng ở mức rất đáng quan tâm. Lượng mưa trận ở thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL với tần suất từ 5-10% ở tất cả các trạm đều gia tăng từ 10-20 mm so với trước 1990, tương đương với mức thay đổi 9-17,5%. Với sự gia tăng lượng mưa lớn nhất như vậy, hệ thống cống rãnh hầu hết được thiết kế từ lâu nên không đủ năng lực tiêu thoát nước mưa hiện nay.
Để bảo vệ tính mạng người dân, tạo tiền đề cho phát triển bền vững dải ven biển, rất cần có một chiến lược và giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh các thiên tai như nước biển dâng, bão lớn, siêu bão và sóng thần, kết hợp tạo được ranh mặn ngọt, xây dựng đường cấp và đường thoát riêng biệt, chủ động trong cấp nước mặn và nước ngọt, tiến tới dừng việc khai thác nước ngầm- nguyên nhân gây sụt lún đất.
Hai mươi năm qua, Chính phủ đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình như: Chương trình kiểm soát lũ, đã xây dựng 13.347 km cụm tuyến dân cư cho 314.133 hộ dân sinh sống; 19.930 km đê bao chống lũ triệt để bảo vệ 6.026 ô ruộng sản xuất 3 vụ và 17.760 km đê bao chống lũ để bảo vệ 4.513 ô ruộng sản xuất hai vụ (tổng chiều dài đê bao 37.690 km để bảo vệ 10.539 ô ruộng); chương trình kiểm soát mặn và cải tạo đất; nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong vùng lũ đã kịp thời ban hành… Nhờ vậy, số người bị thiệt hại do lũ lụt đã giảm đáng kể; diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng tăng liên tục; những thành tựu về kinh tế xã hội không ngừng được phát triển.
Để giải quyết nhu cầu bức bách về ngập úng, lũ lụt và những thách thức từ biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều dự án quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050; quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố Hồ Chí Minh, Kế hoạch ĐBSCL do các chuyên gia Hà Lan hỗ trợ thực hiện.
Quy hoạch thủy lợi chống ngập cho thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau đã được phê duyệt, đang chờ nguồn vốn để thực hiện, với tổng diện tích được bảo vệ là 66.800 ha, chia thành 39 ô bao, được bảo vệ bởi 500 km đê bao và 47 trạm bơm tiêu. Việc chống úng ngập cục bộ cho các đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Long An, Tiền Giang và tất cả các thị trấn nhỏ khác nằm ở vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười và nửa trên của vùng kẹp giữa sông Hậu, sông Tiền… sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Để đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài trong quản lý lũ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi từ phương châm “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ”. Theo đó, chủ động đưa lũ vào ruộng vườn để khai thác tất cả những lợi ích từ lũ mang lại như: Vệ sinh đồng ruộng và cải tạo đất, lấy phù sa để bồi bổ đất và nâng cao mặt đất, lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm, giữ gìn sự đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thủy sản… Với những trận lũ lớn cực đoan, đỉnh lũ trong đồng sẽ được kiểm soát để không gây ngập các cụm tuyến dân cư, các khu dân cư, các thành phố, phá hoại các cơ sở hạ tầng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đây là giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để vấn đề quản lý lũ thượng nguồn, đáp ứng được yêu cầu bức bách trước mắt, đồng thời cũng là công trình chống nước biển dân, chống biến đổi khí hậu ở thế chủ động.