Ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp
08:24 - 28/03/2019
(MTNT) – Đây là một trong những lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hạn hán kéo dài ở nhiều địa phương


Ngành nông nghiệp, nông thôn là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu vì đặc thù các ngành gắn chặt với các yếu tố tự nhiên và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố tự nhiên. Diện tích đất nông nghiệp bị giảm do nước biển dâng và dự báo nếu nước biển dâng 100cm thì hệ thống đê sông Hồng ở Bắc Bộ và sông Cửu Long ở Nam Bộ thường xuyên bị lũ đe dọa, gây ngập lụt hàng triệu hecta đất canh tác, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân.


Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây các cơn bão có diễn biến khá bất thường, gia tăng cả về số lượng và cường độ bão, đặc biệt là việc xuất hiện nhiều hơn những cơn “siêu bão” gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân đánh bắt trên biển, tàn phá các cơ sở nuôi trồng thủy sản, tàn phá hệ thống đê điều, gây thiệt hại về nhà cửa, công trình, cây trái và mùa màng tại vùng đồng bằng sông Hồng và miền Trung.


Theo thống kê, bình quân mỗi năm ở miền Trung nước ta có 12 vạn ha lúa bị úng ngập, trong đó có trên 3,6 vạn ha bị mất trắng, 7 vạn ha bị ảnh hưởng và có trên 6,2 vạn ha hoa màu bị ngập.


Bên cạnh đó, hạn hán cũng là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại cho nông nghiệp, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ khiến vụ Hè Thu thường bị khô hạn do ảnh hưởng của gió Tây khô nóng. Đến năm 2100 nếu nước biển dâng cao 1m vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ mất 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Như vậy, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng vào năm 2100 bởi đã mất đi 21,39% sản lượng lúa.


Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ giảm thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra; chủ động phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển.

 
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong giảm thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách. Đây là các nhóm giải pháp được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2016-2020…

 
Về nhóm giải pháp thể chế chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, Bộ định hướng phát triển nền nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…


Bộ NN&PTNT khuyến khích tăng cường cải tạo và nuôi dưỡng rừng hàng năm, đảm bảo sinh khối rừng có thể tăng 5-10%/năm. Đây là biện pháp quản lý tốt tài nguyên đất rừng, đồng thời, tăng thu nhập cho người nông dân miền núi, cải thiện đời sống dân sinh.
 
 
Đối với nhóm giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đang xây dựng hệ số phát thải quốc gia cho lúa và cây trồng cạn phục vụ nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính; tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính...

 
Đồng thời, Viện đã nghiên cứu và triển khai 24 mô hình trình diễn ứng dụng các kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất phù hợp để giảm tác động của biến đổi khí hậu cho 5 loại cây trồng chủ lực (lúa, ngô, đậu tương, lạc, mía) tại 3 vùng: Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng duyên hải miền Trung, góp phần bảo vệ đất, ổn định năng suất, tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cho nông dân…

 
Về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, Viện Môi trường nông nghiệp đã xây dựng 12 quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích nghi với các điều kiện bất lợi của biến đổi khí hậu như: Hạn hán, ngập úng, xâm lấn mặn, rét hại…
 

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biến đổi khí hậu; đảm bảo sản xuất nông nghiệp ổn định, phù hợp quy hoạch tổng thể, ít phát thải; an toàn hệ thống đê diều, phát huy hiệu quả hệ thống các công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn