Tưới tiết kiệm – giải pháp hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu
08:57 - 21/09/2021
(MTNT)- Hiện tượng biến đổi khí hậu khiến tình trạng vào mùa khô, sự xâm nhập mặn vào vườn cây ăn trái đã làm thiệt hại cây trồng ở nước ta. Do vậy, việc trữ nước ngọt vào ao hồ cuối mùa mưa và tưới tiết kiệm nước được đặt ra. Những năm gần đây, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động của người dân, các mô hình tưới tiết kiệm được đầu tư xây dựng và bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ nét.
Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn trên các vùng sản xuất ở nước ta.


Căn cứ vào đặc tính của thiết bị tưới và hình thức phân phối nước từ thiết bị tưới mà kỹ thật tưới tiết kiệm nước có thể được phân ra 3 loại: Tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cục bộ, tưới ngầm cục bộ. Theo đó, tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra từ thiết bị tạo giọt đặt trên mặt đất gần gốc cây; tưới phun mưa cục bộ là kỹ thuật tưới cung cấp nước cho cây trồng dưới dạng các hạt mưa hoặc hạt sương rơi trên một diện tích nhỏ xung quanh gốc cây trồng; tưới ngầm cục bộ là kỹ thuật tưới đưa nước vào đất dưới dạng các giọt nước ra thường xuyên từ thiết bị tưới đặt dưới mặt đất ở vùng rễ cây hoạt động. Trong đó, dạng tưới ngầm cục bộ tuy được xem là tương đối tốt hiện nay nhưng thiết bị đắt, lắp đặt vận hành và sửa chữa rất phức tạp nên ít được sử dụng.
 
 
Hai phương pháp tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa cục bộ có ưu điểm như: Tưới tiết kiệm nước tối đa, giảm lượng nước tưới từ 40-60% so với phương pháp tưới khác; tưới được nhiều cây trồng cùng lúc, lượng nước tưới vừa đủ nhu cầu của cây; tưới được phân bón cho mỗi lần tưới nước; diệt được tuyến trùng hại rễ; giảm cỏ dại, hạn chế sâu bệnh lây lan hại cây trồng. Tuy nhiên đầu tư cho hệ thống tưới cao hơn so với các phương pháp khác và dễ bị nghẹt ống nếu không xử lý tốt nước, không thường xuyên xúc rửa ống lọc.
 
 
Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có thể áp dụng cho mọi vùng khí hậu, trên mọi loại địa hình và thổ nhưỡng khác nhau, đặc biệt là các vùng thiếu nước, vùng đất dốc, đất cát, sa mạc, vùng đất bị nhiễm mặn...
 
 
Mỗi loại kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có những phạm vi áp dụng nhất định, kỹ thuật tưới nhỏ giọt thích hợp nhất khi tưới cho cây công nghiệp và cây ăn quả trồng theo hàng trên đất có tính thấm nước kém (đất nặng). Tưới phun mưa thường được áp dụng cho cây trồng mà yêu cầu tưới phun vào thân và lá như chè, các loại rau màu... Kỹ thuật tưới phun mưa cục bộ thích hợp nhất khi tưới cho các loại hoa, rau màu, cây ở vườn ươm trong nhà kính và ngoài đồng ruộng, cây ăn quả trồng dày không theo hàng trên đất có tính thấm trung bình và thấm lớn...
 
 
Về mặt địa hình việc ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đặc biệt hiệu quả cho vùng đất đồi, vùng núi cao nguyên, các vùng khan hiếm nước ở Việt Nam nhằm chống được các tổn thất về ngấm và xói. Trong thực tiễn, chúng ta cũng không thể làm hệ thống kênh, mương trên các triền đồi dốc ở vùng núi và cao nguyên được, đây chính là lợi thế để công nghệ tưới tiết kiệm nước phát huy được điểm mạnh .
 
 
Ngoài ra tưới tiết kiệm nước có thể sử dụng hiệu quả cho nền kinh tế vườn của mọi gia đình, vừa đảm bảo các sản phẩm rau quả cho gia đình, vừa cải tạo vi khí hậu trong mùa khô cho khu nhà ở, điều này càng có ý nghĩa với một số vùng khan hiếm nước ở Việt Nam.
 
 
Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn trên các vùng sản xuất ở nước ta. Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam đã áp dụng thành công kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho cây công nghiệp (chè, cà phê) tại các huyện Di Linh (cà phê), Bảo Lộc (chè) - tỉnh Lâm Đồng và tiến tới mở ra triển vọng áp dụng cho toàn vùng đất dốc Tây Nguyên.
 
 
Áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho rau quả xuất khẩu tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), mô hình tưới nhỏ giọt cho cây nho ở vùng khan hiếm nước Ninh Thuận, tưới cho cây nhãn trên đất cát ven biển, tưới cho cây điều ở Hải Lăng, cây tiêu ở Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị)...
 
 
Từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đã hỗ trợ 250 triệu đồng xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cho 7 hộ thuộc 2 xã: Chi Lăng, Hoà Bình. Đến hết năm 2020, mô hình đã được mở rộng với tổng số 15 hộ thực hiện. Bên cạnh đó, các HTX trên địa bàn tỉnh cũng tích cực ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Trong đó, HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát (huyện Cao Lộc) là một điển hình.
 
 
Đầu năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 79 triệu đồng, HTX đối ứng 35 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới áp dụng trên diện tích 5.500 m2 sản xuất cây trồng giá trị cao như: Dưa chuột baby, dưa lưới, cải ngồng, măng tây…. Nếu như trước đây, trên cùng một diện tích, HTX phải mất 30.000 lít nước tưới thì khi áp dụng cách tưới tiết kiệm, HTX chỉ mất khoảng 10.000 lít nước (tiết kiệm 33% lượng nước). Ngoài ra, nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng hấp thụ và phát triển đồng đều, năng suất tăng. Năm 2020, trừ mọi chi phí, doanh thu của HTX đạt 400 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm 2019.
 
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 hình thức tưới tiết kiệm nước gồm: Tưới phun, tưới nhỏ giọt bình thường, tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới. Các hình thức này được ứng dụng hầu hết tại các huyện với diện tích tưới là 230,6 ha cho các loại cây như: Cam, bưởi, na, rau… Bên cạnh đó, doanh nghiệp, HTX cũng chủ động ứng dụng công nghệ này trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 16 HTX và một doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới cho các loại cây ăn quả, rau màu.
 
 
Tại tỉnh Kon Tum, công nghệ tưới tiết kiệm được triển khai thông qua dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT)” đã giúp người trồng cà phê sử dụng nguồn nước tưới, phân bón và công lao động một cách có hiệu quả.
 
 
Trước đây, người dân thường áp dụng quy trình tưới gốc hay còn gọi là tưới dí. Tưới theo phương pháp này vừa hao nước, vừa tốn nhiều công lao động và hiệu quả sử dụng phân bón thấp, chi phí cao, gây lãng phí. Để giúp người dân, dự án VnSAT Kon Tum đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn công nghệ tưới tiết kiệm tại 3 huyện: Đăk Hà, Kon Plông, Đăk Glei. Trung bình hệ thống tưới tiết kiệm được đầu tư hết khoảng 90 triệu, dự án sẽ hỗ trợ 50% chi phí thiết kế và xây lắp trang thiết bị, người dân chỉ cần bỏ vốn đối ứng là có hệ thống tưới tiết kiệm.
 
 
Qua đánh giá thực tế, 100% diện tích áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cho cây cà phê đều đem lại lợi ích cao. Chẳng hạn, với 150 cây cà phê, tưới theo phương thức bình thường phải mất 7 tiếng, nhưng với công nghệ tưới tiết kiệm chỉ mất 4 tiếng. Với việc giảm thời gian dẫn đến nguồn nước, phân bón cũng giảm.
 
 
Với công nghệ này, người dân không chỉ tiết kiệm nước, phân bón mà còn giảm công lao động. Cụ thể, phương pháp này có thể giúp tiết kiệm 30-40% lượng nước so với tưới truyền thống; giảm được chi phí đầu tư phân bón, nhân công lao động và tăng được năng suất cà phê từ 15-20%. Đáng chú ý, công nghệ này phù hợp địa hình đồi dốc ở Kon Tum, dễ lắp đặt và vận hành bảo dưỡng.
 
 
Hay tại tỉnh Ninh Thuận, nhiều nông hộ đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên các loại cây trồng khác nhau để giải bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn. Các nông hộ cho biết, chi phí đầu tư thiết bị tưới phun mưa cho 1 sào (1.000 m2) từ 5 - 7 triệu đồng, tưới nhỏ giọt từ 10 - 12 triệu đồng.
 
 
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500 ha cây ăn quả gồm: Nho, táo, mía, mãng cầu, bưởi, mít, cây rau màu, cỏ chăn nuôi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Nhờ đó, bà con nông dân có thể mở rộng sản xuất trên các vùng đất cát bạc màu, góp phần hạn chế quá trình hoang mạc hóa đất đai.
 
 
Hiệu quả kinh tế của tưới tiết kiệm nước là rõ ràng, chính người nông dân đã tự khẳng định điều đó, năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tăng lên. Tuy nhiên tưới tiết kiệm nước có mức đầu tư ban đầu lớn, vì vậy hiện tại mới chỉ dừng lại ở đầu tư kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho những vùng có các loại cây trồng đặc trưng có giá trị kinh tế thương mại cao và ổn định cho thị trường nội địa và xuất khẩu như các loại cây công nghiệp, cà phê, chè và các cây ăn trái như: Nho, xoài, thanh long và các loại rau, hoa quả xuất khẩu... Do đó, Nhà nước nên có chính sách ưu tiên cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp để bà con có điều kiện ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước tưới.
Gia Khánh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn