Cần tìm giải pháp khắc phục hạn mặn
18:54 - 25/05/2016
(MTNT) - Trước tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán diễn biến trên diện rộng thời gian qua đang khiến cho hàng triệu người dân ở khắp các tỉnh Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng.
Người dân Gia Lai không khỏi lo lắng khi cả khối tài sản cùng công sức đang chết khô theo đợt hạn nặng nề

 
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ năm nay đến sớm, mặn xâm nhập sâu trên diện rộng và có thể sẽ còn kéo dài đến hết mùa khô. Tình hình này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân, đồng thời còn gây ra nhiều bất lợi đối với sản xuất của nông dân tại khắp các tỉnh bị ảnh hưởng.

 

 

Theo Sở NN- PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh hiện đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn rất nặng. Nếu như ở vụ Đông- Xuân vừa rồi, tỉnh Khánh Hòa có hơn 2.600 ha đất ở phía Bắc của tỉnh không thể sản xuất được thì dự báo trong vụ Hè- Thu tới, đang có nguy cơ mất trắng từ 70- 80% diện tích gieo trồng.

 
Tại Đắk Nông, theo ông Đỗ Ngọc Duyên- Giám đốc Sở NN- PTNT của tỉnh, rất nhiều ao, hồ, sông, suối đã cạn nước kéo theo mực nước ngầm cũng đã giảm sút nghiêm trọng. Chỉ tính riêng ở huyện Cư Jút, đã có tới 5 hồ với thiết kế dung tích lớn mà nay mực nước cũng đang xuống tới mức chết.


 
Theo dự báo của Bộ NN- PTNT, tại Nam Trung Bộ, dự kiến hạn hán sẽ còn kéo dài đến hết tháng 8- 2016. Cùng với  Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận có gần 5.800 ha không thể sản xuất trong vụ Đông- Xuân; số diện tích này sẽ còn tăng gần gấp đôi trong vụ Hè- Thu tới. Trong khi đó, tại Bình Thuận, diện tích đất không thể gieo cấy cũng vào khoảng 20.000 ha. Qua khảo sát tại 3 tỉnh nói trên, hiện đang có trên 100.000 người dân lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.


 
Tại các tỉnh Tây Nguyên, tình hình cũng trở nên nóng hơn mỗi ngày. Nhiều người dân ở huyện Chư Pứh- tỉnh Gia Lai cho hay, những người trồng tiêu ở khu vực này cũng đang gặp cảnh khốn đốn vì thiếu nước. Do cây tiêu có giá trị cao nên người dân hiện vẫn đang tìm mọi cách để ra sức cứu; riêng cây cà phê hiện đã bị chặt bỏ gần hết. Nhiều người dân than thở rằng nhà nào giếng may mắn còn có nước thì mỗi ngày có thể tưới từ một đến hai giờ, còn lại đa số các hộ dân đều đang rơi vào tình trạng cũng sắp sửa phải nhổ nốt trụ tiêu đi bán vì không đủ sức cầm cự thêm. 

 
Để tìm được nước tưới, nhiều nông dân ở Gia Lai sau khi đào giếng sâu xuống tới 30- 40m lại phải chấp nhận thuê thợ khoan tiếp từ đáy giếng xuống sâu hàng chục mét nữa. Người dân đang làm mọi cách để tránh vụ mùa mất trắng vì nếu không có nước tưới, khối tài sản cả trăm triệu đồng cũng sẽ bị chết khô.

 
Hiện nay trên thị trường, giá tiêu dao động khoảng từ 130- 140 triệu đồng/tấn, nghĩa là đang thấp hơn 70- 80 triệu so với năm 2015. Cộng thêm với việc hạn hán nặng nề ở Tây Nguyên, tiêu thiếu nước tưới nên năng suất năm nay rất thấp. Người nông dân do bị mất mùa lại mất giá đã dẫn đến việc chán nản, phá bỏ tiêu.

 
Tình trạng thiếu nước sản xuất hiện còn đang diễn ra nghiêm trọng hơn ở thủ phủ cà phê của tỉnh Đăk Lăk. Nguyên nhân chủ yếu do hàng trăm hồ, đập nơi đây đều đã khô kiệt nước. Do vậy, người dân cũng chỉ còn biết đổ tiền của và công sức đào giếng với hy vọng đánh cược mong manh may sao có nước để cứu cà phê.

 
Có rất nhiều các chủ vườn cà phê nơi đây, dù đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn vẫn sẵn sàng vay ngân hàng thêm hàng chục triệu đồng để đầu tư cho việc khoan, đào giếng tìm vận may. Đây hiện được xem là giải pháp duy nhất khi tất cả các nguồn cung cấp nước khác đều đã không còn có thể trông mong gì thêm giữa đợt đại hạn này.

 
Theo thống kê, toàn vùng Tây Nguyên hiện có khoảng 500.000 ha canh tác cà phê. Trong đó, có hơn 50% nguồn nước tưới vào mùa khô được lấy từ các giếng khoan, giếng đào.

 
Trong một khảo sát của trường Đại học Thủy lợi Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi), tại một số vùng, cứ một km2 đã có tới 120- 180 giếng đào, giếng khoan lớn nhỏ; với tần suất khai thác hơn 200 triệu lít mỗi ngày đêm. Tính bình quân thì cứ mùa khô năm sau, số giếng đào lại tăng thêm lên rất nhiều so với mùa của năm trước. Điều này đồng nghĩa với độ sâu của những cái giếng theo đó cũng đã gia tăng liên tục qua từng năm.


 
Còn theo một nghiên cứu khác của Đoàn Tài nguyên nước Trung Tây Nguyên chỉ ra, mực nước ngầm tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông đã thấp hơn khoảng 2m so với bình quân nhiều năm qua. Trong đó, cá biệt nhất là vùng Cư Bao thuộc thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk, hiện đã sụt giảm tới 4m so với bình quân nhiều năm.

 
Theo TS. Đỗ Minh Nhựt- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đang cần khoảng 50 tỷ đồng để xây hồ chứa cấp nước sinh hoạt và một phần cho sản xuất ở U Minh Thượng, tuy nhiên vẫn chưa biết lấy đâu ra kinh phí.  

 
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phương- Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang nhận định, do tình trạng xâm nhập mặn diễn ra quá sớm so với cùng kỳ nhiều năm trước (từ 2- 3 tháng) nên việc cấp nước ngọt đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, cả 2 hồ chứa của công ty đang cung cấp khoảng 550.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, gần đây, đơn vị này đã không thể lấy được nước ngọt vào hồ chứa do hiện tượng mặn xâm nhập.

 
Cũng theo ông Phương, để đối phó với tình hình, công ty đang gấp rút cho việc đầu tư khoan thêm 16 giếng mới với tổng kinh phí khoảng 6,4 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thành, số giếng này sẽ cung cấp thêm được khoảng từ 16.000- 20.000 m3 nước/ngày đêm, từ đó giúp người dân cầm cự thêm được khoảng 20- 25 ngày.


 
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng khiến cho người dân ở 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre là: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú rơi vào cảnh khốn đốn. Trên khắp các tuyến đường ở xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước (huyện Bình Đại), xã An Điền, Giao Thạnh, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú)… hàng ngày có rất nhiều xe máy cày chở nước đến bán cho bà con. Được biết, tại 3 huyện này đã có 17 nhà máy nước, công suất từ 5- 330 m3/giờ tuy nhiên mới chỉ phục vụ đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 40% dân số.

 
Cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự là gần 1.000 hộ dân ở 2 xã Bình Đông và Bình Xuân của thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Từ rất nhiều ngày qua, do nguồn nước máy cung cấp nước sạch đã bị ngưng trệ nên có khá nhiều gia đình nơi đây đã phải thay phiên nhau thức trắng đêm để canh lấy nước, tuy nhiên nước ngọt không phải lúc nào cũng có.


 
Ông Lê Văn Hưởng- Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang xác nhận một thực tế, hiện nay ở các xã Bình Đông và Bình Xuân đang khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã trích 4,5 tỷ đồng để làm đường ống kéo nước sạch và khoan giếng bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho người dân nơi đây. UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV cấp nước sinh hoạt nông thôn Tiền Giang phải có giải pháp chở nước hoặc tăng công suất bơm để cấp nước cho người dân trong thời gian sớm nhất.

 
Trước tình hình hạn hán tại ĐBSCL đang diễn biến ngày càng khó lường, Chính phủ sẽ hỗ trợ gần 485 tỷ đồng cho 21 địa phương và hai công ty thủy nông trực thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm nay để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân. Đây là Quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.


 
Theo đó, địa phương nhận được hỗ trợ nhiều nhất là tỉnh Đăk Lăk với 57 tỷ đồng, tiếp đó là Ninh Thuận với 47 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các địa phương cần chủ động sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác cùng với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ để đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn.


 
Ngọc Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn