Yêu cầu cấp thiết bảo tồn đa dạng sinh học
15:08 - 25/09/2015
(MTNT)- Đa dạng sinh học (ĐDSH) là sự khác nhau giữa các sinh vật sống ở tất cả mọi nơi bao gồm các hệ sinh thái trên cạn, sinh thái trong đại dương và các hệ sinh thái thủy vực khác, cũng như các phức hệ sinh thái mà các sinh vật là một thành phần trong đó. Ðộng vật hoang dã (ÐVHD), là một phần quan trọng tạo nên sự ÐDSH và giữ vai trò quan trọng trong tự nhiên. Các nhà khoa học cảnh báo: sự mất đi của một loài là mất vĩnh viễn, đồng thời mất luôn cả nguồn tài nguyên di truyền.
Ảnh minh họa

Việt Nam hiện đứng thứ 16 trên thế giới về tính ĐDSH. Trong đó, 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam. Hơn 40% số loài thực vật thuộc loài đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Nhiều loài gia súc, gia cầm đã được thuần dưỡng và tuyển chọn từ hàng ngàn năm nay. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có hơn 21 nghìn loài thực vật; gần 16 nghìn loài động vật; 3.000 loài vi sinh vật và nấm tập trung chủ yếu tại một số khu vực có ÐDSH cao, như: Dãy núi Hoàng Liên Sơn, bắc Trường Sơn, Tây Nguyên, vùng Ðông Nam Bộ...
 
Được đánh giá cao về tính độc đáo, ước tính hàng năm ĐDSH đem lại cho đất nước khoảng 2 tỷ USD từ việc khai thác các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... Nhiều nơi, nhất là miền núi nguồn lương thực – thực phẩm, một phần nguồn thuốc chữa bệnh và mọi thu nhập chủ yếu đều dựa vào khai thác ĐDSH. Qua đó có thể thấy, ÐDSH có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tuy nhiên, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, đang phải đối mặt tình trạng suy giảm trầm trọng các hệ sinh thái giàu ÐDSH. Tổng số hơn 48 nghìn loài động vật, thực vật hoang dã trong thiên nhiên được ghi nhận của Việt Nam, có 882 loài (được ghi trong Sách Ðỏ năm 2007, chiếm gần 2%) đang bị đe dọa ở nhiều cấp độ, tăng 161 loài so với lần xuất bản Sách Ðỏ trước đây (năm 1992 - 1996). Ðáng lo ngại, hiện có chín loài động vật (tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp, hươu sao, cá sấu hoa cà) và hai loài lan hài được xem là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên... Điển hình như Tê giác Java ở Vườn Quốc gia Cát Tiên là 1 trong 2 quần thể tê giác còn sót lại trên Trái Đất bị xác nhận là tuyệt chủng vào năm 2010.
 
Quần thể hổ tự nhiên của Việt Nam đứng đầu danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất khi mà số lượng loài này cách đây 50 năm là hàng nghìn con nhưng nay chỉ còn khoảng 30 cá thể, phân bố trong các khu bảo tồn. Nạn săn bắn, buôn bán, cùng với tình trạng phá rừng làm thu hẹp môi trường sống đẩy loài hổ bên bờ vực tuyệt chủng.
 
Voi đứng thứ hai trong danh sách loài có nguy cơ cao bị tuyệt chủng cho nạn sắn bắt lấy ngà vì có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2005 – 2010, Việt Nam có khoảng 80 – 100 cá thể voi hoang dã nhưng nay chỉ còn khoảng 50 – 70. Voi nhà cũng suy giảm, nay còn khoảng 300 con do điều kiện nuôi không đảm bảo nên không thể sinh sản được, bệnh tật chết hoặc người dân bán.
 
Nạn tàn phá rừng, cháy rừng với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, theo tính toán hàng năm nước ta cháy mất khoảng 20-30 ngàn ha rừng, thậm chí có năm lên đến 100 ngàn ha rừng. Việc khai thác quá mức hải sản, áp dụng rộng rãi giống mới trong nông nghiệp đã dẫn tới nguy cơ tiêu diệt 28% loài thú, 10% loài chim và 21% loài bò sát và lưỡng cư.
 
Số liệu thống kê của Cục Bảo tồn ÐDSH (Tổng cục Môi trường) cho thấy: Có 94 loài thực vật và 48 loài động vật thủy sinh ngoại lai xâm hại. Ðặc biệt, có những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn, như ốc bươu vàng, cây mai dương..., do không được kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ cho nên đã xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên. Hậu quả, các loài ngoại lai này lấn át, làm suy giảm các loài sinh vật, nguồn gien, phá vỡ cấu trúc, chức năng của hệ sinh thái. Phá hại mùa màng, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe con người...
 
Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Từ năm 2010 đến năm 2014, lực lượng kiểm lâm trên cả nước phát hiện và xử lý 140.716 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, vi phạm về quản lý động vật hoang dã là 3.823 vụ, tịch thu 58.869 cá thể động vật hoang dã, đặc biệt 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm.
 
Trên thế giới, hiện ÐVHD đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa tuyệt chủng do các nguyên nhân như tình trạng khai thác quá mức, suy giảm môi trường sống, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự xâm hại của loài ngoại lai, cháy rừng, nhất là tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép ÐVHD ngày một gia tăng tại nhiều quốc gia.
 
Ở nước ta, thời gian qua tình trạng khai thác, buôn bán, tiêu thụ ÐVHD ngày càng gia tăng là do dân số tăng kéo theo áp lực khai thác, tiêu dùng ÐVHD làm thực phẩm và làm thuốc. Việt Nam được coi là điểm nóng về trung chuyển, buôn lậu ÐVHD qua biên giới. Việc xử lý vi phạm về săn bắn, buôn bán, tiêu thụ ÐVHD trái phép còn chưa nghiêm, chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính, mức xử phạt còn nhẹ. Vì vậy, dẫn đến tình trạng một số loài như hổ, báo, khỉ, vượn... ngày càng hiếm và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loài động vật thông thường như tê tê, rùa, rắn, kỳ đà... bị săn bắt để xuất khẩu sang một số nước trong khu vực, với số lượng lớn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự bảo tồn ÐDSH. Nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên ÐDSH của người dân chưa cao. Tình trạng môi trường bị ô nhiễm do các chất thải khác nhau không được xử lý và đổ trực tiếp ra môi trường là nguyên nhân gây chết, giảm số lượng cá thể, hủy hoại nơi cư trú và môi trường sống của nhiều loài sinh vật hoang dã... Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức và pháp luật về bảo vệ ÐVHD chưa được quan tâm đúng mức...
 
Một vấn đề nữa là sự phá vỡ và mất nơi cư trú của ĐVHD do suy giảm chất lượng rừng. Thực tế cho thấy, dù tổng diện tích rừng hằng năm tăng lên, nhưng chất lượng rừng ngày một suy giảm do hoạt động khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trái phép đang diễn ra ngày càng trầm trọng, khó kiểm soát đối với tất cả loại rừng. Diện tích rừng nguyên sinh ở nước ta chỉ còn khoảng 570 nghìn ha phân bố rải rác, chiếm 8% tổng diện tích rừng cả nước. Rừng non mới phục hồi chưa ổn định, chất lượng cây gỗ và ÐDSH chưa cao, trong khi đó, những khu rừng tự nhiên ít bị tác động, rừng nguyên sinh có giá trị cao về ÐDSH thường tập trung ở các khu rừng phòng hộ, các khu rừng bảo tồn.
 
Với 6 vườn quốc gia thuộc quản lý của Trung ương, còn hơn 200 các khu bảo tồn thuộc quản lý của địa phương, công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận như: diện tích các khu bảo tồn có tăng lên, một số loài nguy cấp đã được phục hồi và tái thả lại tự nhiên; nhiều khu bảo tồn có ý nghĩa quốc tế được công nhận như khu di sản thiên nhiên ASEAN, khu đất ngập nước Ramsar, khu dự trữ sinh quyển, nhiều cây xanh được công nhận là cây di sản có giá trị bảo tồn và văn hóa cao.
 
Hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều thỏa thuận và công ước quốc tế liên quan đến việc bảo tồn ĐDSH. Để từng bước giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép ÐVHD ở Việt Nam, nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm ÐDSH như: chiến lược Quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 và Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Việt Nam cũng có Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật Thủy sản (2003) và Luật đa dạng sinh học (2008) quy định điều chỉnh các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các thành phần ĐDSH. Một số quy hoạch như Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…
 
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tham gia bảo vệ rừng; ngăn chặn phá rừng để bảo vệ môi trường của các loài động vật, thực vật; hạn chế việc săn bắn, khai thác các loại động vật, thực vật, nhất là các loài quý hiếm… Đồng thời, liên kết giữa các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. 

Hữu Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn