Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ có khoảng 0,01% tổng doanh thu của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dành cho đầu tư đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực cả về tài chính, thiết bị, công nghệ lẫn kinh nghiệm nhưng vẫn được cấp mỏ, khai thác và chế biến bằng công nghệ lạc hậu, dẫn tới việc chế biến thô sơ không phù hợp với đặc điểm và thành phần khoáng vật của quặng nên mức độ thu hồi thấp và không thu hồi được khoáng vật đi kèm.
Hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường xung quanh như: tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường, tích tụ và phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ… Những hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt khai thác than, titan, bauxite đang phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, gây ô nhiễm nặng nề với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách với cộng đồng.
Hiện nước ta có trên 5.000 điểm khoáng và mỏ, trong đó một số loại có trữ lượng lớn như: Dầu- khí (1,2-1,7 tỷ m3), than (240 tỷ tấn), titan (600 triệu tấn khoáng vật nặng)… Trong đó, có nhiều loại khoáng sản được khai thác phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. |
Theo báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đất đá thải loại trong khai thác khoáng sản là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, gây suy giảm môi trường không khí do nhiễm bụi ở các khu vực dân cư ở vùng khai thác. Cụ thể, để sản xuất 1 tấn than, doanh nghiệp cần bóc đi từ 8 đến 10 m³ đất phủ và thải từ 1 đến 3 m³ nước thải mỏ. Trung bình hàng năm, các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã thải ra môi trường 182,6 triệu m³ đất đá, khoảng 70 triệu m³ nước thải mỏ dẫn đến một số vùng thuộc tỉnh Quảng Ninh bị ô nhiễm đến mức báo động như Mạo Khê, Uông Bí, Cẩm Phả…
Trong khi đó, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, bảo tồn thiên nhiên chưa được kiểm soát tốt. Tình trạng khai thác, vận chuyển buôn bán, xuất khẩu trái phép khoáng sản ở những khu vực như: Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… khai thác và kinh doanh trái phép cát sỏi trên các sông lớn, làm thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Tại Hà Giang, thời gian qua, trong quá trình khai thác, tuyển luyện quặng trên địa bàn xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên nhiều doanh nghiệp đã thải nước trực tiếp ra các con suối như: Bản Xám, Bản Ngõa và suối Sảo. Các doanh nghiệp làm bể lắng sơ sài, chỉ cần một trận mưa nước thải sẽ tràn ra môi trường làm lắng bồi, ảnh hưởng đến dòng chảy của suối. Thậm chí có doanh nghiệp còn ngăn cả dòng suối để làm bể lắng...
Hậu quả là nguồn nước ở xã Ngọc Minh bị cạn kiệt, ô nhiễm, ruộng bị vùi lấp, rừng bị vạt nham nhở, đường sá hư hỏng nặng. Suối Bản Ngõa, suối Sảo đã trở thành "suối đỏ"; đất cát qua sàng lọc quặng của các điểm mỏ đang khai thác đều đổ dồn xuống. Lòng suối bị bồi lắng do đất cát, nước đục ngầu...
Theo thống kê, có đến 80% doanh nghiệp khai khoáng có quy mô nhỏ và rất nhỏ, dưới 50 lao động. Tại các mỏ, phương pháp khai thác, chế biến hầu hết đều là công nghệ lạc hậu dẫn đến tình trạng ô nhiễm, hủy hoại môi trường.
Tại Hải Dương, trên địa bàn phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh (Hải Dương) có 15 cơ sở hoạt động khai thác, chế biến đất sét, sản xuất vật liệu xây dựng và vật liệu chịu lửa. Hiện có đến 10/15 cơ sở chưa triển khai làm kế hoạch bảo vệ môi trường, không tuân thủ quy định về phương pháp, thiết bị thi công theo quy định, như: Sử dụng máy xúc thủy lực gầu ngược, kết hợp với ô tô tự đổ 10 – 13 tấn, để tận thu cát đã dùng máy hút công suất lớn. Khi vận chuyển đất, cát làm vương vãi hư hại giao thông; gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình khai thác làm sạt lở ruộng, kênh mương dẫn nước; phơi các nguyên vật liệu sát đường và không thiết kế đường xe ra vào vận chuyển hàng hóa nên thường để bánh xe kéo nguyên vật liệu ra đường làm ảnh hưởng trật tự giao thông.
Tại Tây nguyên, việc khai thác bauxite thải ra một lượng lớn bùn đỏ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Doanh nghiệp muốn sản xuất 1 tấn alumina, phải khai thác ít nhất 2 tấn quặng baxite và thải ra 1,5 tấn bùn đỏ. Khi các hồ chứa bùn đỏ tại các mỏ khai thác bauxite bị sói lở tràn ra sông suối và đổ về sông Đồng Nai- nguồn nước sinh hoạt của 12 triệu dân khu vực phía Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Tại tỉnh Bình Thuận, việc khai tác titan tại đang gây ra ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí và gây mất ổn định cuộc sống người dân xung quanh khu vực khai thác như: Xã Hoàn Thắng (Bắc Bình), xã Thuận Quý, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam)… Ngoài ra, khai thác titan còn gây ra ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Để khắc phục những tồn tại trong khai thác khoáng sản và thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản sâu. Đồng thời, Bộ triển khai đề án “Tăng cường năng lực cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản” nhằm hoàn thiện và đẩy mạnh giám sát hoạt động khai khoáng, đặc biệt giám sát trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Nhằm lựa chọn các chủ đầu tư đủ năng lực, giảm tác động xấu của hoạt động khoáng sản đến môi trường, Luật Khoáng sản 2010 (sửa đổi) đã quy định các doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản phải tham gia đấu giá cấp quyền khai thác. Việc đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ chọn ra được những doanh nghiệp có đầy đủ năng lực tài chính, công nghệ khai thác, năng lực kỹ thuật... nhằm khai thác có hiệu quả, tránh để lãng phí tài nguyên.
Bộ Tài chính cũng đang dự thảo Nghị định của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thay thế Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 28/5/2011. Theo đó, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản như sau: đối với Quặng sắt, mức phí tối thiểu là 40.000 đồng/tấn và mức phí tối đa là 60.000 đồng/tấn; Quặng vàng, Quặng bạch kim, Quặng bạc, Quặng thiếc mức phí từ 180.000 đồng/tấn đến 270.000 đồng/tấn… Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng trên.
Nhiều địa phương cũng quyết liệt siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản. Điển hình tại tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay UBND tỉnh đã ra quyết định đóng cửa 35 điểm mỏ trong tổng số 66 điểm mỏ khai thác khoáng sản hoạt động trên địa bàn. Trong đó có 33 điểm mỏ là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường như khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Một điểm mỏ đồng thuộc khu vực bản Huổi Lóng, xã Chiềng Bằng (trước đây là xã Liệp Muội), huyện Quỳnh Nhai; một điểm mỏ chì - kẽm bản Tà Lọt, xã Tà Lại, huyện Mộc Châu. Tỉnh Sơn La cũng đang xem xét đóng cửa điểm mỏ đồng tại huyện Phù Yên vì lý do tài chính.
Để hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đi vào nề nếp, ngoài việc tích cực vào cuộc của các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát thì việc nâng cao ý thức của các doanh nghiệp vẫn là vấn đề cốt lõi.