Điểm sáng từ mô hình tái định cư thủy điện
Khu tái định cư (TĐC) Thôn 2, xã Tà Pơ (huyện Nam Giang, Quảng Nam) nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Phải mất gần 3 tiếng đồng hồ theo đường núi quanh co, chiếc xe ô tô hai cầu mới đưa chúng tôi vào tới nơi. Ấn tượng đầu tiên từ trên dốc cao nhìn xuống, khu tái định cư như một dãy phố mới. Dọc con đường bê tông rộng rãi, hai bên là những ngôi nhà gỗ hai tầng được xây dựng hết sức khang trang, bề thế. Mùi gỗ mới, mùi sơn và tiếng đục đẽo, cưa gỗ vang vọng cả một góc rừng.
Ông Trương Thiết Hùng - Trưởng ban Quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 4 cho biết, đây là “làng tỷ phú” đầu tiên của huyện miền núi Nam Giang đấy. Nói vậy là vì bình quân mỗi hộ đồng bào Cơ Tu ở Thôn 2 nhận tiền đền bù lên đến 1,7 tỷ đồng. Trong đó, hộ ít nhất là 300 triệu, hộ nhiều nhất hơn 3 tỷ. Ngoài ra, theo quy định, hộ dưới 5 nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 141 triệu đồng tiền làm nhà, hộ có từ 5 - 7 nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 161 triệu đồng và hộ có 8 nhân khẩu trở lên sẽ được chia tách làm 2 hộ, được hưởng hỗ trợ theo khung quy định. Mỗi hộ được phép khai thác 10m3 gỗ tận thu từ lòng hồ để làm nhà. Ngoài ra còn tiền đền bù đất vườn, hoa màu… của người dân.
Trong ngôi nhà hai tầng khang trang, cột gỗ, tường xây kiên cố, già làng Zơ Râm A Veec (thôn 2, xã Tà Pơ) vui vẻ khoe: “Nhà này bố tự làm đấy, có tiền của dự án đề bù, hỗ trợ, gỗ thì được khai thác mỗi nhà 10 mét khối từ lòng hồ, tận dụng thêm gỗ từ nhà cũ đưa lên. Cả thôn này ai cũng có nhà mới, đẹp và to hơn nhà cũ, mà vừa cái bụng của đồng bào nên ai cũng vui”.
Còn ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang kể rằng: Để có được thành công trong việc TĐC cho dân, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 thể hiện rõ thái độ tôn trọng dân, tôn trọng chính quyền địa phương, quy chế dân chủ cơ sở đi vào thực chất. Trước khi lựa chọn mô hình TĐC, chủ dự án tạo điều kiện để đại diện tổ giám sát cộng đồng và chính quyền đi tham quan thực tế ở các khu TĐC thủy điện của Quảng Nam, một số tỉnh lân cận và ra tận Sơn La. Và không chỉ người dân TĐC mới được hưởng lợi, mà ở các thôn nhường một phần đất xây dựng khu TĐC cũng được hưởng lợi. Dự án đầu tư kinh phí làm mới và nâng cấp đường giao thông, điện, nước sạch, đất sản xuất lúa nước, nhà Gươl, đồng thời, hỗ trợ mỗi gia đình 85 triệu đồng (tương đương 50% giá trị xây nhà mới cho hộ TĐC. Từ kinh nghiệm ở Pa Păng, huyện tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương triển khai ba khu Pa Rum A, Pa Rum B và Pa Đhi, đưa các hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 còn lại vào sinh sống”.
Ngay từ khi mới thành lập, dự án thủy điện Sông Bung 4 đã được UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng tái định cư ở một số thủy điện khác như: A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4… để tìm mô hình hợp lý, hiệu quả và bền vững. Đây cũng là công trình thủy điện đầu tiên mà Ngân hàng phát triển Châu Á ADB cho Chính phủ Việt Nam vay vốn để đầu tư. Trong quá trình thực hiện, ngoài việc có sự phối hợp giám sát giữa địa phương và Ban Quản lý dự án, còn có thêm bộ phận giám sát là ngân hàng ADB, nhất là tại các khâu đền bù tái định cư và thực hiện hỗ trợ an sinh xã hội.
Chiến lược của Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4, đơn vị tư vấn và chính quyền địa phương trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC là tham vấn trực tiếp với toàn thể người dân bị ảnh hưởng một cách chủ động. Mỗi thôn thành lập một tổ giám sát cộng đồng, được tập huấn nâng cao năng lực điều hành, làm cầu nối để huy động người dân tham gia. Tiến trình tham vấn ý kiến người dân thực hiện ở tất cả các khâu, từ lựa chọn địa điểm TĐC, chính sách quyền lợi, xây dựng các thiết chế trong khu TĐC, đo đạc, kiểm đếm tài sản, đất đai, giám sát xây dựng và duy trì bảo dưỡng các tiện ích trong khu TĐC. Toàn bộ thông tin được cung cấp công khai, dễ hiểu tại UBND xã và nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng của từng thôn) bằng cả tiếng Việt và tiếng Cơ Tu.
Trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch TĐC và chính sách dân tộc thiểu số, các tiêu chí về xã hội, văn hóa của người Cơ Tu được xem xét thận trọng và kỹ lưỡng. Người dân được quyền khảo sát, đề xuất và lựa chọn phương án TĐC; bao gồm vị trí, cách bố trí các khu vực nhà ở, sân vườn, công trình công cộng, nghĩa trang, nhà Gươl, đường nội bộ, nguồn nước, các tiện ích khác như trường học, trạm y tế. Sau khi san ủi mặt bằng, làm đường, mỗi hộ TĐC nhận đất ở và vườn rộng 1000 mét vuông. Trên cơ sở các mô hình đã thiết kế, người dân được lựa chọn mô hình nhà ở, được quyền yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà, hoặc dân tự làm với điều kiện cam kết bằng văn bản về quy mô và giá trị xây dựng theo quy định. Ngay khi đến ở, mỗi hộ được cấp bình quân 1,5ha đất rẫy, gần 500 mét vuông ruộng lúa nước. Ngoài ra, chính quyền huyện Nam Giang cũng rà soát, bố trí cho cộng đồng thôn TĐC được trực tiếp quản lý bảo vệ rừng trong khu vực sinh sống, với mức bình quân 8ha/hộ, giúp người dân phát triển sinh kế dựa vào rừng.
Mô hình cần nhân rộng
Theo ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, điểm mấu chốt tạo nên thành công ở khu TĐC thủy điện Sông Bung 4 là chính sách, các bước thực hiện phù hợp với lòng dân, với chủ trương chung của địa phương. Đó là chủ đầu tư không trực tiếp làm thay nhà ở cho người dân, mà chủ đầu tư chỉ hỗ trợ tiền đền bù, làm cơ sở hạ tầng và các hạng mục công trình công cộng; còn nhà ở là do người dân tự làm theo nhu cầu sử dụng của họ. Điều này tránh được tình trạng bỏ hoang nhà tái định cư như một số dự án TĐC thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Chính vì thế, khu TĐC Thôn 2, xã Tà Pơ hiện nay có thể nói là mô hình tái định cư tương đối chuẩn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, chứ không mang tính chất gò bó, ép buộc. Vấn đề lo ngại nhất của huyện hiện nay không phải là việc người dân phá rừng làm nhà hay quản lý chi tiêu, mà là vấn đề ổn định đất sản xuất lâu dài. Bởi vấn đề này liên quan đến đảm bảo lương thực tại chỗ, và quyết định đến an cư lập nghiệp lâu dài cho người dân. Trong quy hoạch của chủ đầu tư được tỉnh Quảng Nam phê duyệt thì bình quân mỗi hộ được cấp đất sản xuất từ 1,5-1,8ha; đất ở là 1.000m2/hộ. Trong đó, nhà ở 400m2 và đất vườn là 600m2.
Tuy nhiên, qua thực tế di dời tái định cư, với diện tích như vậy về lâu dài không thể đảm đương được, nhất là khi tách hộ, tăng dân số, giãn dân… Bởi tập quán canh tác của người dân là làm 2-3 năm chỗ này, sau đó làm canh tác ở chỗ khác thì việc vào rừng già phát rẫy mới, xâm hại đến rừng là điều khó tránh khỏi. Giải quyết vấn đề này, Ban quản lý dự án đã xây dựng chiến lược hỗ trợ sinh kế lâu dài. Về đất sản xuất, ngoài diện tích lúa nước hiện có, chủ đầu tư đang khảo sát để tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích. Đồng thời cùng với từng hộ dân lập kế hoạch sản xuất trên từng thửa đất, từng thời vụ. Các hợp phần hỗ trợ sản xuất khác cũng đang được triển khai, như nuôi ngan Pháp, nuôi bò, cá ao... Chủ đầu tư cũng đề nghị địa phương rà soát, giao rừng cho dân quản lý trên cơ sở nguồn quỹ dịch vụ môi trường rừng mà Quảng Nam đang thực hiện theo chủ trương của Chính phủ... Mục tiêu là khi dự án kết thúc, người dân thực sự bảo đảm được sinh kế ổn định và lâu dài.
Từ thực tế ở khu tái định cư Thôn 2, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, Quảng Nam cho thấy, một khi tâm tư nguyện vọng của nhân dân đã nhường đất xây công trình thủy điện được tôn trọng, quy trình tái định cư thực hiện đúng quy định của Chính phủ, phải có đủ đất sản xuất (định canh) cho dân và xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng phù hợp với cấu trúc văn hóa thôn bản vùng cao (định cư), thì tất yếu, đời sống người dân tái định cư thủy điện sẽ sớm ổn định và phát triển.