|
Ảnh minh họa. |
Tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh, theo thống kê, toàn huyện thành lập được hơn 120 tổ vệ sinh môi trường tại 68 thôn (đạt 100% tổng số thôn), thường xuyên thu gom rác thải của các hộ gia đình, làm sạch đường làng, ngõ xóm với khoảng 220 lao động. Nguồn kinh phí chi trả cho người lao động hơn 450 triệu đồng/tháng, chủ yếu được thu từ các hộ gia đình, cá nhân phát sinh rác thải và các nguồn đóng góp, hỗ trợ khác. Ngoài 254 xe gom chở rác được tỉnh hỗ trợ, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động nguồn kinh phí đóng góp, hỗ trợ (không sử dụng ngân sách) tự trang bị thêm hơn 320 xe gom rác để đáp ứng hoạt động vệ sinh môi trường.
Điển hình là các xã Liên Bão, Hiên Vân, Lạc Vệ, thị trấn Lim, Nội Duệ, Cảnh Hưng... Chi phí tu sửa, bảo dưỡng các xe gom rác cũng được huy động từ nhân dân. Địa phương còn khuyến khích thành lập và định hướng hoạt động một doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện các hoạt động công ích về bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp đang thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý hầu hết chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại thị trấn Lim với công suất khoảng 8 tấn/ngày. Hoạt động xử lý chất thải rắn tại đây được áp dụng theo công nghệ đốt, sử dụng lò đốt rác Nfi05 do tỉnh hỗ trợ. Hiện nay, Công ty đang chủ động phối hợp nghiên cứu, xây dựng thêm một hệ thống lò đốt rác với công suất thiết kế 20 tấn rác/ngày đêm để bảo đảm xử lý triệt để toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên tại thị trấn Lim và khu vực lân cận.
Tại Hà Nội, huyện Đan Phượng đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường, trong đó, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào công tác thu gom, xử lý chất thải và các dịch vụ về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Từ chủ trương này, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý và chế biến rác tại xã Phương Đình được triển khai, với tổng mức đầu tư gần 251 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang. Sau 3 năm khởi công xây dựng, Nhà máy chính thức đưa vào vận hành.
Được xây dựng trên diện tích hơn 4,7ha, dự án có công suất giai đoạn I đạt 300 tấn/ngày đêm, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng và khu vực lân cận (Hoài Đức, Quốc Oai) và rác thải công nghiệp không nguy hại các làng nghề, khu công nghiệp… trên địa bàn thành phố. Nhà máy được ứng dụng công nghệ đốt mắt xích Martin ghi dịch chuyển lùi (xuất xứ Cộng hòa Liên bang Đức, thiết kế chế tạo tại Trung Quốc). Đây là công nghệ tiên tiến hàng đầu ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới, tiêu chuẩn kỹ thuật xả thải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường Việt Nam. Nhà máy đi vào vận hành không những góp phần cải thiện công tác vệ sinh đô thị Hà Nội, mà còn nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của huyện Đan Phượng.
Tại Vĩnh Phúc, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường ở thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) đã huy động mọi thành phần tham gia. Từ năm 2009, thị trấn Hợp Hòa đã thành lập HTX Dịch vụ môi trường, thực hiện nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn. Hiện nay, HTX có 22 người, trong đó, có 19 người làm nhiệm vụ thu gom rác thải hàng ngày với mức chi trả từ 1.250.000 – 1.350.000 đồng/người/tháng. Số tiền chi trả cho các thành viên trong HTX được trích từ tiền đóng góp của các hộ dân, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của HTX và từ các nguồn hỗ trợ khác.
HTX ký kết hợp đồng với các tổ dân phố và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn làm tốt công tác thu gom và xử lý rác thải. Đến tháng 4/2015, HTX đã ký hợp đồng với 8/11 tổ dân phố, với lượng thu gom tới các hộ đạt 40% và khoảng 75% số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.
Hiện nay, lượng rác thải phát sinh trung bình mỗi ngày ở thị trấn Hợp Hòa khoảng từ 15 - 20 tấn, trong đó, rác thải hữu cơ chiếm 70%, rác vô cơ chiếm 30%. Để xử lý triệt để các loại rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp phát sinh trên toàn huyện và các vùng lân cận, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt (thành phố Vĩnh Yên) đã đưa vào vận hành, khai thác nhà máy xử lý rác bằng phương pháp đốt tuần hoàn phát điện tại thị trấn Hợp Hòa. Với dây chuyền thiết bị hiện đại, hiện nhà máy có công suất xử lý 150 tấn rác /ngày đêm. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động (tháng 3/2015), đến nay, lượng rác thải thu gom trên địa bàn thị trấn được HTX Dịch vụ môi trường đưa vào nhà máy xử lý.
Tại thị trấn, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác BVMT cũng được đẩy mạnh, người dân đã hiểu được hiện trạng môi trường, nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm môi trường, các biện pháp BVMT. Tại các tổ dân phố, người dân thường xuyên làm công tác thu gom rác thải, làm sạch đường làng, ngõ xóm; tự nguyện đóng góp kinh phí để đầu tư cho việc thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, phong trào quần chúng tham gia BVMT được các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ở cơ sở phát động, thu hút đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, trở thành phong trào rộng khắp trong toàn thị trấn.
Tại Bình Phước, hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Điển hình như Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ Môi trường tỉnh Bình Phước đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải công suất 100 tấn/ngày tại xã Tiến Hưng (thị xã Đồng Xoài); Công ty trách nhiệm hữu hạn Bình Phước Xanh đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại công suất 50 tấn/ngày, hiện đang nâng cấp lên công suất 200 tấn/ngày. Cơ quan chuyên môn quản lý môi trường cấp huyện đã ký kết với các tổ chức cùng cấp như MTTQ, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... các chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường. Việc ký kết đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên vẫn còn một số khó khăn như: chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia; vốn viện trợ dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường còn rất ít; vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư; tình trạng phát thải rác sinh hoạt ngày càng lớn trong khi chưa có khu xử lý rác thải tập trung...
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia cần thiết lập cơ sở pháp lý cho vấn đề xã hội hóa; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường; phát triển phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình xã hội hóa đối với từng làng nghề; xây dựng và hoàn thiện cơ chế huy động cộng đồng đóng góp nguồn lực… Qua đó tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng vào hoạt động bảo vệ môi trường.