|
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do sức ép gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng. Trong khi đó, việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển và hải đảo chưa thật hiệu quả, thiếu bền vững, nhất là trình độ khai thác tài nguyên biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cho nên dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên, hiệu quả kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, với sức ép của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển... là những vấn đề lớn, cần được giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện nay có từ 70 đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ lục địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư... xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Điển hình như trong quá trình nuôi trồng thủy sản cũng làm phát sinh đáng kể lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển, nguồn thải chủ yếu là các loại phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng trong nuôi trồng. Bình quân một ha nuôi tôm sẽ thải ra môi trường khoảng năm tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn m 3 nước thải trong một vụ nuôi. Với tổng diện tích nuôi tôm hiện nay hơn 600 nghìn ha, thì sẽ có gần ba triệu tấn chất thải rắn thải ra mỗi năm. Tình trạng ô nhiễm dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng gia tăng, đến nay đã ghi nhận được hơn 40 vụ, điển hình như vụ tai nạn tàu Neptune Aries làm tràn 1.865 tấn dầu (năm 1994) tại cảng Sài Gòn đã gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Hàng loạt tàu thuyền du lịch chìm đắm tại Vịnh Hạ Long, gây ô nhiễm cho sinh vật tại khu vực này...
Tại các khu du lịch biển, công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên. Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn; hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra biển...
Ngoài ra, ý thức của du khách chưa cao, còn tình trạng vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi trên các bãi tắm, trong khi đó phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý chỉ bằng phương pháp chôn lấp... ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước tại các khu vực này...
Điển hình như vùng đảo Cát Bà (Hải Phòng) hiện không còn xanh, trong như vốn có, mà đang bị nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với sự phát triển ồ ạt của các loại hình dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản... Mỗi ngày ước tính Cát Bà có tới cả nghìn du khách đến và đi; hàng trăm phương tiện khai thác thủy sản, tàu chở khách cập bến, mang theo “rác” của du khách, xác tôm, cá, tu hài chết, dầu loang nổi váng cả mặt nước.
Thêm vào đó, các nhà hàng, bè nổi đang hoạt động trên vịnh cũng “góp phần” đáng kể vào sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước. Lượng rác thải thu gom được các nhà bè tuân thủ đưa lên bờ đúng quy định, song điều đáng nói là lượng “rác” từ con người thải trực tiếp xuống biển tương đối lớn, gây mất vệ sinh, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Sự phát triển ồ ạt của hệ thống lồng bè trên vịnh cũng đang gây ô nhiễm môi trường nơi đây. Lan Hạ là vịnh nguyên sơ đẹp nhất và hút du khách nhất, nhưng lại đang phải chịu sự quá tải về chất thải và rác thải từ những lồng bè nuôi hải sản. Nguy hại nhất là các chủ hộ do tiết kiệm kinh phí đầu tư đã không sử dụng vật liệu nâng nổi bè bằng hợp chất Composit mà dùng các phao xốp rẻ tiền, phân hủy nhanh, càng làm cho môi trường nước thêm ô nhiễm.
Để bảo vệ môi trường biển, một số địa phương đã áp dụng hiệu quả biện pháp tuyên truyền bước đầu thu được kết quả tích cực. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian gần đây các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và du khách không xả rác bừa bãi tại các bãi tắm, khu du lịch. Điển hình như TP. Vũng Tàu mỗi năm đón một lượng khách du lịch nội địa lớn, thường chỉ đi về trong ngày. Nhiều khách du lịch đem theo đồ ăn uống sẵn để tiết kiệm chi phí. Sau khi ăn uống xong, họ thường xả rác tại chỗ. Để giải quyết tình trạng này, UBND TP.Vũng Tàu đã triển khai nhiều biện pháp như: tổ chức thu gom rác thải tại bãi biển, vỉa hè, công viên; cắm các biển báo kêu gọi người dân không xả, vứt rác bừa bãi, đồng thời công khai các mức xử phạt đối với các hành động xả rác bừa bãi nơi công cộng, bước đầu đã thu được kết quả tích cực.
Tại Quảng Ngãi, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) có bờ biển dài đến 19km. Hằng năm, rong mơ mọc lên khá dày. Loại rong này có giá trị kinh tế cao và cũng là loại thủy sản lọc nước làm tăng độ sạch cho nước biển. Đây cũng là môi trường thuận lợi để cá, mực, tôm về đây trú ngụ, sinh sản. Trước đây người dân khai thác rong mơ theo cách tận diệt, bất chấp những quy định và gây ảnh hưởng đến sinh thái biển. Thế nhưng từ khi có tổ tự quản ở các thôn, công tác tuyên truyền vận động hiệu quả nên ý thức người dân về bảo vệ môi trường sinh thái được nâng cao.
Hiện tổ tự quản bảo vệ môi trường biển của mỗi thôn ở Bình Châu có từ 7 đến 15 người. Hằng tuần, các thành viên phân công nhau đến ven biển tuần tra và xử lý những trường hợp cố ý khai thác rong mơ khi chưa đến thời vụ. Ngoài ra, tổ tự quản còn tổ chức họp dân để phổ biến kiến thức cũng như tuyên truyền về bảo vệ rong mơ, bảo vệ nguồn sinh thái biển ở địa phương. Hoạt động mới hơn một năm, nhưng tổ tự quản đã làm thay đổi nhận thức của hầu hết bà con ở đây.
Để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam "Trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển", cũng như phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp từ 53 đến 55% GDP và từ 55 đến 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, bên cạnh việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống của người dân vùng biển và ven biển, thì việc ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển có một vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, biện pháp quan trọng là tăng cường phổ biến, giáo dục tới các cá nhân, công ty, các cơ quan liên quan đến hoạt động kinh tế trên biển, nhằm giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích, xung đột giữa các cộng đồng hưởng lợi từ các hệ thống tài nguyên và môi trường biển, cũng như sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và ven biển... Đồng thời, khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch, chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường biển; xây dựng hệ thống xử lý rác thải phù hợp, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị mình, trước khi đưa vào hệ thống thải chung của khu vực.