Cần sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển
15:49 - 31/03/2016
(MTNT) - Trước sức ép của sự gia tăng dân số, quá trình CNH, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, tác động của biến đổi khí hậu, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, nhất là trình độ khai thác các nguồn tài nguyên còn khá lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới... Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên từ biển và hải đảo chưa hiệu quả và đang gây sức ép rất lớn đối với môi trường biển ở Việt Nam hiện nay.
Tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Việt Nam nằm ven bờ trung tâm Biển Đông, ngoài hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nước ta có khoảng ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ nằm ven bờ, với tổng diện tích hơn 1.600 km 2 và được đánh giá là một trong mười quốc gia có chỉ số cao nhất diện tích trên chiều dài bờ biển, so với diện tích lãnh thổ. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố nằm ven biển, với tổng số dân gần 44 triệu người (trong đó số dân đô thị chiếm 34%), mật độ dân số gấp khoảng 1,9 lần mật độ trung bình của cả nước. Tài nguyên sinh vật biển Việt Nam khá đa dạng và phong phú, với 13 hệ sinh thái lớn; có hơn 1.600 loài cá được xác định, trong đó có 100 loài có giá trị kinh tế cao, với trữ lượng hải sản khoảng bốn triệu tấn, cho phép khai thác hai triệu tấn/năm. Vùng biển nước ta có 225 loài tôm biển, nhiều loài có giá trị kinh tế cao; có 2.500 loài động vật thân mềm; 300 loài san hô; 1.247 loài giáp xác; 350 loài rong biển tảo làm dược liệu và thực phẩm cao cấp...



Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong những năm qua, bên cạnh những đóng góp to lớn của nguồn tài nguyên biển trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thì hiện nay Việt Nam phải đối mặt với tình trạng các hệ sinh thái biển đang có dấu hiệu suy giảm một cách nhanh chóng, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường biển khá trầm trọng tại nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do sức ép gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng. Trong khi đó, việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển và hải đảo chưa thật hiệu quả, thiếu bền vững, nhất là trình độ khai thác tài nguyên biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cho nên dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên, hiệu quả kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, với sức ép của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển... là những vấn đề lớn, cần được giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển.



Để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam "Trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển", cũng như phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp từ 53 đến 55% GDP và từ 55 đến 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, bên cạnh việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống của người dân vùng biển và ven biển, thì việc ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển có một vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.



Cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý để khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững biển. Việc xây dựng và ban hành các bộ Luật, văn bản qui phạm pháp luật về biển sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo cho việc thực hiện thành công công tác quản lý tổng hợp, khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.


Quản lý dựa vào hệ sinh thái là một cách tiếp cận quản lý thống nhất chú trọng xem xét toàn bộ hệ sinh thái, các mối liên hệ xuyên suốt trong toàn hệ thống và các ảnh hưởng, tác động tích tụ do các họat động của con người tạo ra.



Cần chú trọng các giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển. Thực tế cho thấy lâu nay đa số dân cư ở vùng ven biển thường nghèo và sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi biển. Để giảm thiểu áp lực đối với nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, cần  chú trọng các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển như: đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững, xây dựng chương trình du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn biển, đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch cho cộng đồng dân cư…

 
Anh Thư
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn