Đồng bằng Sông Cửu Long: Ứng phó với hạn, mặn bằng giải pháp tưới tiết kiệm
16:20 - 29/03/2016
(MTNT) - Chưa bao giờ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt như hiện nay. Trên các phương tiện truyền thông thời gian này liên tiếp đưa tin về những đồng ruộng khô cháy, nứt nẻ, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khiến cho cả con người và gia súc đều đang khô cháy vì khát.
Những cánh đồng lúa chuẩn bị đến kỳ cho thu hoạch thì hiện đang chết dần do thiếu nước tưới

 
Chia sẻ thông tin với các đối tác phát triển và nhà tài trợ trong một cuộc hội thảo ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL gần đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Việt Nam đang trải qua El Nino kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại. Lượng mưa tại ĐBSCL giảm 20- 30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trên sông Mekong chảy về Việt Nam cũng đã giảm khoảng 50%.


 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát rất lo lắng vì nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì không chỉ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị đe dọa mà cả những cánh rừng cũng đối mặt với nguy cơ bị cháy bất cứ lúc nào. Ông Phát cho biết: Dự báo, tình hình sẽ còn xấu hơn trong khoảng tháng 3- 4, khi lượng nước chảy về trên sông Mekong ít hơn khiến nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Hiện nay, đã có gần một nửa diện tích ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập mặn.

 
Cụ thể, theo thống kê hiện nay đã có khoảng 160.000 ha lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại, trong đó có 500.000 ha diện tích gieo trồng không thể làm được vụ hè thu hoặc phải thay đổi lại lịch thời vụ, lùi lại chờ mưa. Con số này tương đương với khoảng 1/3 diện tích lúa của cả khu vực ĐBSCL.

 
Theo ông Cao Văn Trọng- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hiện toàn tỉnh có 14.774 ha lúa đã bị hư hỏng hoàn toàn, đồng thời có 475 ha nuôi nghêu, hàu cũng đang bị ảnh hưởng. Người dân trong tỉnh muốn có nước ngọt dùng cho sinh hoạt hàng ngày cũng đang phải đi mua với mức giá cắt cổ, có nơi đã lên đến 60.000 – 80.000 đồng/m3.


 
Thực tế cho thấy, lượng nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL là rất lớn. Song, trước hiện trạng xâm nhập mặn, hạn hán ở ĐBSCL đã và đang gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng nước sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất của người dân. Do đó, cần sớm triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm, các mô hình thu gom sử dụng nước mưa, tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước để ứng phó với hạn, mặn.

 
Hiện nay, nguồn nước được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chiếm khoảng 70%, trong lĩnh vực công nghiệp chiếm hơn 20% và gần 10% lượng nước còn lại được sử dụng trong dân. Tính đến thời điểm này, đã có hàng trăm ngàn ha lúa, cây ăn trái… ở vùng ĐBSCL bị thiệt hại do hạn, mặn. Do đó, vấn đề tiết kiệm nước trong sản xuất lúa, trồng màu và cây ăn trái nhằm giúp nông dân hạn chế được thiệt hại và giảm bớt khó khăn trong điều kiện thiên tai kể trên tại vùng ĐBSCL là vô cùng cần thiết.
 


PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc trường Đại học Cần Thơ cho rằng: Để việc ứng dụng mô hình quản lý nước thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ cho canh tác nông nghiệp có hiệu quả, cần phải triển khai hoàn chỉnh các công trình thủy lợi, như kênh, hồ trữ nước, cống, đập, trạm bơm; chuyển từ trồng lúa sang cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn ở những vùng bị hạn nặng. Ngoài ra, cần ứng dụng các giải pháp kỹ thuật về tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên, góp phần cung cấp nước vừa đủ cho cây trồng phát triển, duy trì độ phì của đất, hạn chế thất thoát nước trong sản xuất.

 
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả các giải pháp tưới tiết kiệm, người nông dân nên tưới đúng thời điểm cần nước của cây trồng, với một liều lượng tưới hợp lý, thỏa nhu cầu nước của cây trồng, phù hợp với điều kiện cơ giới hóa đồng ruộng… Ngoài ra, việc ứng dụng giải pháp thu gom và sử dụng nước mưa để bổ sung thích hợp trong điều kiện nguồn nước đang bị suy giảm cả về chất và lượng dưới tác động của biến đổi khi hậu cũng là giải pháp hữu ích hiện nay- Ông Tuấn cho biết.

 
Thực trạng hiện nay, phần lớn nông dân ở vùng ĐBSCL có kỹ thuật canh tác chưa cao, sử dụng nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp quá mức, chủ yếu là tưới theo kinh nghiệm... Do đó, cần triển khai ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân với mô hình dễ áp dụng, giảm chi phí nhưng mang lại hiệu quả là một nhu cầu cấp thiết.
 


Điển hình như: Mô hình tưới ngập cho các loại cây trồng sống trong điều kiện ngập nước như lúa, một số cây ăn trái… giúp hạn chế cỏ dại trong ruộng, giảm nồng độ các chất độc trong đất. Ngoài ra, nông dân còn có thể ứng dụng phương pháp tưới phun, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước tưới trong điều kiện hạn, mặn. Biện pháp tưới phun có ưu điểm làm giảm được 40- 50% lượng nước so với tưới ngập thông thường và có thể ứng dụng trên các điều kiện địa hình cao hay thấp.

 
Ngoài ra, tưới phun còn giảm được chi phí xây dựng kênh mương nội đồng và cách tưới này còn có thể kết hợp để hòa tan thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm phòng trừ sâu bệnh, làm tăng độ ẩm cho đất… Bên cạnh đó, người nông dân cũng có thể ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, là cách tưới qua một đường ống được đặt sát mặt đất hoặc chôn ngầm, có gắn các vòi nhỏ giọt, tốc độ nước ra vào từ 20- 80 giọt/phút. Phương pháp tưới nhỏ giọt kiểu này đạt hiệu suất tưới lên tới trên 90%. Ứng dụng phương pháp này còn có thể giảm bớt được nhiều công lao động tưới.

 
Hiện nay, phương pháp tưới nhỏ giọt hiện đại có sự kiểm soát bằng máy tính đang được đưa vào ứng dụng một cách rộng rãi ở các nước châu Âu và ở Israel. Nó không những góp phần tiết kiệm được nước mà còn làm hạn chế sự xói mòn của đất, chống thất thoát nước… Bên cạnh đó, cũng đã làm tăng năng suất và thu nhập cho các hộ nông dân.

 
Để chống thất thoát nước, giảm thiểu thiệt hại do tác động của khô hạn đến sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, các ngành hữu quan và ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ hạn, mặn kịp thời. Đối với những vùng chuyên canh tác lúa, nên bố trí thời vụ canh tác hợp lý, triển khai ứng dụng các giải pháp tưới phun hiệu quả, ứng dụng các kỹ thuật tưới ngập- khô xen kẽ....

 
Song song với đó, các tỉnh trong khu vực cũng cần nghiên cứu phương pháp tưới tiết kiệm cho những hộ nông dân cá thể như: Làm ao trữ nước có lót nylon dưới đáy để chống thấm hoặc che trên mặt thoáng để giảm bớt quá trình bốc hơi nước. Hạn chế việc sử dụng nguồn nước ngầm để cẩn thận với khả năng bị nhiễm mặn.


 
Đồng thời, cần có một chiến lược phát triển cụ thể và sự đầu tư bài bản vào hệ thống thủy nông, có chính sách cho nông dân vay ưu đãi đầu tư vào hệ thống tưới tiết kiệm; vận động các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các dự án thủy nông nội đồng. Các tỉnh cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và triển khai các phương pháp tưới tiết kiệm, nghiên cứu các mô hình thu gom sử dụng nước mưa, phổ biến các giải pháp tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước để ứng phó với hạn, mặn.


 
Chính phủ cũng cung cấp khoảng 700 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh xây dựng trạm bơm nước ngọt, hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho nhân dân; hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để nhân dân mua giống cho vụ sau. Đồng thời, cho đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt ở một số tỉnh, thực hiện phương châm không để người dân nào đói. Yêu cầu thống kê cụ thể những hộ dân đang bị thiếu lương thực và cấp phát gạo với định mức 15 kg/người/tháng.
 
 

Như Quỳnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn