Cần bảo vệ nguồn lợi hải sản biển Việt Nam
11:00 - 25/12/2015
(MTNT)- Vùng biển và dải ven biển nước ta có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với diện tích nội thuỷ, lãnh hải trên 226.000 km2 và vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2.
Ảnh minh họa

Nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, biển Việt Nam có sự đa dạng rất cao về thành phần các giống loài hải sản với 2030 loài cá, trong đó 130 loài có giá trị kinh tế, 1600 loài giáp xác, 2500 loài sò trai… và rất nhiều loài rong, chim biển (RIMFa). Tổng trữ lượng hải sản biển Việt Nam ước đạt 4,061 triệu tấn, trong đó trữ lượng cá nổi nhỏ khoảng 1,73 triệu tấn (chiếm 42,6%), cá đáy khoảng 1,174 triệu tấn ( 28,9%), cá nổi đại dương khoảng 1,156 triệu tấn (28,5%). Trong đó, khả năng khai thác của toàn bộ vùng biển Việt Nam khoảng 1,8 triệu tấn trong đó cá đáy chiếm khoảng 26,1%, cá nổi nhỏ 48,1%, cá nổi đại dương 25,7%.
 
Tại các vùng biển nông như Vịnh Bắc bộ, biển Đông Tây Nam Bộ, đối tượng thường cho sản lượng cao là cá liệt, cá lượng, cá khế, cá phèn khoai, cá trác, cá hố, cá mối, cá nục sồ, mực nang và mực ống. Vùng biển miền Trung và giữa biển Đông là các loại cá thu ngừ, cá kiếm cờ, cá nục heo, cá ó, dơi. Nghề câu khơi thương bắt gặp cá ngừ vây vàng, cá mập, cá ngừ mắt to, cá cờ và cá kiếm. Tôm cũng là một nguồn lợi quan trọng ở nhiều vùng biển, nhất là khu vực Vịnh Bắc Bộ và Đông Nam Bộ.
 
Tuy nhiên, trong những năm gần đây nguồn tài nguyên thiên nhiên này đang bị đe doạ nghiêm trọng, suy giảm cả về diện tích lẫn cấu trúc. Nguyên nhân là do môi trường biển ngày càng bị suy thoái, tình trạng đánh bắt mang tính huỷ diệt như dùng chất nổ, chất độc cùng với sự gia tăng ô nhiễm không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường nước. Bên cạnh đó, tình trạng dân số tăng lên đã gây sức ép dẫn đến tình trạng khai thác quá mức, làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học biển.
 
Với lực lượng kiểm ngư mỏng, việc kiểm soát các nghề khai thác bất hợp pháp hay các khu vực cấm khai thác còn chưa đáp ứng đúng yêu cầu. Một bộ phận ngư dân sử dụng những hình thức khai thác huỷ diệt như dùng chất nổ, chất độc, xung điện, lưới mắt nhỏ hoặc các nghề có hại như te đẩy, lưói đăng, đáy càng làm cho nguồn lợi trở nên cạn kiệt và khó phục hồi hơn. Nhiều loài trước đây rất phổ biến nhưng hiện nay đã trở lên kham hiếm như cá đé (Ilisha elongata) hay cá sủ (Otholithes biaurius) ... Đây là những biểu hiện về sự suy giảm tính đa dạng sinh học về loài đối với nguồn lợi hải sản biển Việt Nam.
 
Tại nhiều vùng biển miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… mấy năm trở lại đây xuất hiện hàng trăm tàu đánh bắt bằng giã cào (một hình thức giăng lưới mành có lỗ rất nhỏ “quét” tất cả các loài hải sản từ lớn đến bé). Việc đánh bắt này khiến nguồn tài nguyên biển ven bờ bị tận diệt.
 
Tại Bình Thuận - một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước với bờ biển dài gần 200km và nguồn lợi thủy sản dồi dào, thời gian qua, các hoạt động khai thác, đánh bắt trái phép hải sản bằng giã cào gần bờ, thuốc nổ, điện và tận diệt hải sản non,... diễn ra phức tạp khiến vùng biển này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản.
 
Ở vùng biển Cà Mau, thường xuyên có từ 10 đến 15 nghìn tàu khai thác thủy sản; trong đó có hàng nghìn tàu công suất nhỏ, hoạt động ven bờ dẫn đến nguy cơ nguồn lợi thủy sản bị tận diệt. UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định nghiêm cấm khai thác thủy sản ven bờ đối với các nghề gây sát hại, làm tận diệt tôm, cá. Việc cấm này được triển khai trong vùng biển có độ sâu từ năm đến bảy mét nước bảo vệ bãi sinh sản, vùng sinh trưởng của các giống, loài thủy sản. Tuy nhiên, đến nay, nghề khai thác ven bờ xem ra vẫn không giảm, ngược lại đang có chiều hướng  tăng. Hiện toàn tỉnh Cà Mau còn gần 1.500 tàu có công suất máy từ 20 CV trở lại; trong đó chỉ 40% được các địa phương ven biển quản lý; số còn lại không đăng ký và thường xuyên lén lút hoạt động với các nghề cấm khai thác.
 
Ngoài ra, quá trình phát triển, đô thị hoá, xây dựng các công trình ven biển và các đầm nuôi trồng thuỷ hải sản đã góp phần làm ô nhiễm, huỷ hoại môi trường sống của các loài hải sản như rừng ngập mặn, bãi cỏ biển, rạn san hô nơi thường là bãi đẻ và bãi sinh trưởng của cá biển.
 
Một hạn chế khác nữa là kĩ thuật khai thác, vận chuyển, chế biến còn yếu kém và chưa đồng bộ. Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như các nước có nghề cá phát triển. Cho tới nay việc tổ chức thu mua nguyên liệu vẫn chủ yếu do các chủ nậu vựa tự do bao quát, không có tổ chức. Việc bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, các khoang, thùng chứa nguyên liệu thường có kết cấu không hợp lý, cách nhiệt kém; công tác vệ sinh, khử trùng các khoang chứa nguyên liệu này chưa được quan tâm đúng mức ; đá dùng cho bảo quản còn chưa đảm bảo chất lượng. Những điều này dẫn đến hạn chế về chất lượng sản phẩm lên bến và doanh thu của người đi khai thác.
 
Trong những năm qua, ngành thuỷ sản đã nỗ lực để phát triển đội tàu xa bờ. Tuy nhiên hiệu quả khai thác của đội tàu này còn rất hạn chế. Hiện nay, đội tàu khai thác xa bờ đang phải đối mặt với những khó khăn về chi phí khi đi khai thác, trong khi kĩ thuật và kinh nghiệm còn hạn chế, thiếu thông tin về nguồn lợi, ngư trường, mùa vụ... Vì vậy hiệu quả khai thác kém, trả vốn vay chậm, một số tàu bị bỏ không vì thua lỗ nặng.
 
Để sử dụng tiềm năng từ biển mang lại một cách lâu dài, cần khai thác đi đôi với bảo tồn. Theo đó, cần tiến hành khoanh vùng các khu vực khai thác và nuôi trồng hợp lý nhằm bảo vệ, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thủy sinh vật. Trong đó đặc biệt phải bảo tồn và phát triển những loài quý hiếm, đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở trong công tác nghiên cứu, phát triển nguồn gen. Tăng cường tuyên truyền giáo dục cho người dân để nâng cao nhận thức cộng đồng. Tăng cường hội nhập quốc tế về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để quản lý các loài di cư, giám sát buôn bán động vật hoang dã quốc tế.
 
Về khoa học và công nghệ, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng bản đồ các loài bị đe dọa, nghiên cứu các loài thủy sinh, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả.
 
Để ngăn chặn việc đánh bắt mang tính tận diệt, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những ngư dân trong và ngoài tỉnh cố tình vi phạm. Việc tuyên truyền cho ngư dân thấy rõ tác hại, nguy hiểm của việc làm đánh bắt thủy sản trái phép cần được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò tổ chức đoàn, hội, lực lượng chức năng ở xã, phường tăng cường vận động, đấu tranh; phối hợp với các tỉnh lân cận trong quản lý khai thác hải sản trên biển; phối hợp tấn công tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ, vật gây nổ từ trong đất liền; lập đường dây nóng; tổ chức ngư dân ký cam kết không khai thác trái phép…

Minh Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn